Chi sai cả nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ

Kiểm toán Nhà nước vừa kiến nghị giảm trừ, xử lý tài chính hơn 1.000 tỷ đồng tiền vốn trái phiếu Chính phủ chi không đúng quy định ở các bộ ngành, địa phương.

Kiểm toán Nhà nước gần đây đã có báo cáo gửi Thủ tướng kết quả kiểm toán Chuyên đề phát hành, quản lý và sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu (TPCP) năm 2014.

Số liệu cho thấy trong năm này, Chính phủ huy động được khoảng 248.000 tỷ đồng (khoảng 11 tỷ USD) từ trái phiếu. Tổng số tiền được phân bổ sau đó là gần 99.550 tỷ, trong đó chi cho giao thông hơn 56.700 tỷ, thủy lợi hơn 17.300 tỷ, còn lại cho y tế, tái định cư, xây dựng nông thôn mới... Nguồn vốn này được đánh giá đã đóng góp tích cực thúc đẩy kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng của cả nước.

Tuy nhiên, Kiểm toán đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng vốn vay, từ khâu xây dựng nhu cầu vốn, phân bổ - điều chỉnh kế hoạch, đến khâu giải ngân, quyết toán và quản lý dự án...

Nhiều vấn đề phổ biến được đưa ra trong báo cáo như xây dựng vốn vượt kế hoạch, xác định nhu cầu chưa phù hợp, nhiều dự án được giải ngân số tiền lớn hơn so với thực chi. Thậm chí, các địa phương còn xây dựng dự án không thuộc danh mục được sử dụng vốn TPCP, dùng nguồn này để đối ứng cho dự án ODA không đúng đối tượng…

chi-sai-ca-nghin-ty-dong-von-trai-phieu-chinh-phu

Các dự án giao thông thường lập kế hoạch chênh vốn lớn hơn so với thực tế. Ảnh:TTXVN

Tình trạng này xảy ra ở nhiều địa phương và một số bộ, ngành... Như một số tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng kế hoạch, phân bổ vốn được báo cáo chỉ ra:

Dự án Địa phương Tồn tại, hạn chế
Dự án kè sông Cổ Chiên Vĩnh Long Kế hoạch vốn 1.417 tỷ đồng nhưng mức vốn TPCP cho phép chỉ 1.000 tỷ đồng
Dự án kè sông Cần Thơ Cần Thơ Vốn chưa phân bổ vẫn còn 108 tỷ đồng nhưng tiếp tục đăng ký lên 211 tỷ đồng
Xây dựng kế hoạch vốn giai đoạn 2012-2015 và bổ sung 2014-2016 Cần Thơ Chi vượt 289 tỷ đồng so với nhu cầu vốn
Dự án Mường La - Mù Cang Chải Yên Bái Chính phủ phê duyệt tổng mức đầu tư gần 324 tỷ đồng trong khi địa phương chỉ dùng hết gần 300 tỷ đồng, dư 24 tỷ
Dự án Trạm Tấu - Bắc Yên Yên Bái Giải ngân vượt 5,2 tỷ đồng, sau đó phải điều chuyển sang dự án khác
Dự án xây dựng cầu và đường kênh Bạc Liêu Dự toán hết 3,4 tỷ song được Trung Ương giao 5,4 tỷ đồng
Dự án đầu tư xây dựng luồng cho tàu trọng tải lớn ở sông Hậu   Lập kế hoạch 1.885 tỷ đồng song thực tế chỉ hết 622 tỷ
Hầm Đèo Cả   Kế hoạch 449 tỷ nhưng chỉ giải ngân hết 236 tỷ đồng
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Củ Chi – Đức Hòa, Thạnh Hóa – Mỹ An   Kế hoạch vốn 230 tỷ song thực tế chỉ hết 100 tỷ đồng
5 dự án trên Quốc lộ 1    Vốn đầu tư xác định ban đầu là 4.868 tỷ đồng nhưng khi thực hiện đã giảm xuống 817 tỷ
20 dự án giao thông khác được đầu tư theo văn bản 9273 của Bộ Giao thông   Mức đầu tư giảm xuống 1.387 tỷ trong khi dự kế hoạch 4.869 tỷ đồng
Dự án đường Nậm Khao - Tà Tống Lai Châu Đã hoàn thành năm 2012 nhưng vẫn chưa thu hồi 146 tỷ đồng tạm ứng

Đối với việc sử dụng vốn được phân bổ, nhiều vấn đề khác cũng được kiểm toán nêu ra, như việc tỉnh Điện Biên mua sắm trang thiết bị không đúng theo quy định, lãng phí 27 tỷ đồng. Tỉnh này còn nghiệm thu, thanh toán sai khối lượng, đơn giá tại hầu hết các dự án được kiểm toán chi tiết với tổng số tiền 510 tỷ đồng.

Tỉnh Tiền Giang cũng bố trí cho dự án Phòng khám đa khoa Thị trấn Cai Lậy vượt 167 tỷ so với tổng vốn hỗ trợ. Dự án đường đến trung tâm xã Định An của tỉnh Trà Vinh cũng vượt 151 tỷ đồng. 

Kiểm toán Nhà nước còn chỉ ra nhiều vi phạm trong quá trình thẩm định, phê duyệt dự toán và lựa chọn nhà thầu. Công tác phê duyệt giá gói thầu, trùng lắp khối lượng, sai đơn giá… dẫn đến xác định giá trúng thầu không chính xác. Nhiều nhà thầu không đáp ứng năng lực vẫn trúng thầu dẫn đến dự án phải thay đổi nhà thầu nhiều lần. Một số hợp đồng được ký trọn gói song trong điều khoản của hợp đồng cho phép điều chỉnh giá…

Công tác giám sát quản lý chất lượng công trình cũng có nhiều tiêu cực như nghiệm thu cả khối lượng chưa thực hiện, vật liệu sử dụng không đủ tiêu chuẩn, sai sót về khối lượng, đơn giá…

Với kết quả nêu trên, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều điểm sai và tiến hành giảm trừ khoảng 510 tỷ đồng, gồm sai khối lượng (268 tỷ), sai đơn giá (79,3 tỷ)... Tính đến cuối năm 2015, nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn vốn TPCP là 5.052 tỷ đồng.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ xử lý tài chính 807 tỷ đồng, trong đó thu hồi nộp ngân sách 39,3 tỷ, giảm thanh toán 176 tỷ, giảm giá gói thầu 157 tỷ, bố trí hoàn trả vốn TPCP 248 tỷ, hủy kế hoạch vốn 41,3 tỷ đồng và xử lý khác 143 tỷ.

Đồng thời, cơ quan này cũng đề nghị nhà điều hành chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương làm rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân để xử lý sai phạm. Bộ Kế hoạch & Đầu tư có trách nhiệm trong việc trình Chính phủ phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án không có trong danh mục được sử dụng vốn trái phiếu, kế hoạch vốn dàn trải, không phù hợp nhu cầu đăng ký vốn... Ngoài ra, một số địa phương có sai phạm cũng cần được kiến nghị xử lý nghiêm.

Nhiều năm qua, TPCP là một kênh huy động vốn quan trọng cho Nhà nước, số vốn huy động ngày càng lớn. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, lượng vốn TPCP phát hành giai đoạn 2010-2015 đạt tổng cộng 846.926 tỷ đồng.

Thực tế nguồn vốn này rất lớn nhưng nếu đầu tư không hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát sẽ trở thành gánh nặng nợ công cho cả nền kinh tế. Bình quân mỗi người dân Việt Nam hiện gánh khoảng 30 triệu đồng nợ công. Năm 2016 dự kiến phát hành 220.000 tỷ đồng trái phiếu trong tổng số 409.000 tỷ đồng vốn vay. Mục đích chủ yếu là bù đắp cho bội chi ngân sách 254.000 tỷ đồng, chi cho đảo nợ 95.000 tỷ lớn hơn cả cho đầu tư phát triển là 60.000 tỷ đồng. Một khi Chính phủ phải tăng vay để trả nợ, nguồn vốn cho đầu tư phát triển ngày càng hạn chế. 

Dự báo của Ngân hàng Thế giới đến năm 2016, nợ công của Việt Nam sẽ tăng lên mức 63,8% GDP, năm 2017 là 64,4%, năm 2018 lên 64,7%.

Theo VnExpress

TIN LIÊN QUAN

Tin mới