Chỉ số PAPI 2014: Gần 50% phải lót tay để vào công chức

Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng phối hợp Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc được công bố ngày 14/4, phản ánh một thực trạng đáng lo ngại: Gần 50% phải lót tay để vào công chức.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Theo kết quả khảo sát, phần lớn người dân đều cho rằng tham nhũng và hối lộ là vấn đề đáng lo ngại ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong việc cung ứng dịch vụ công cấp tỉnh. Đưa “lót tay” và dựa vào mối quan hệ thân quen với người có chức, có quyền để xin được việc làm trong khu vực công dường như vẫn là một phần rất quan trọng đối với những người mong muốn theo đuổi sự nghiệp trong khu vực công.
Phát hiện nghiên cứu từ khảo sát PAPI trong bốn năm qua cho thấy, mức độ phổ biến việc đưa “lót tay” và tính hệ thống của “chủ nghĩa vị thân” trong tuyển dụng nhân lực công vụ. Chẳng hạn, ở Thái Nguyên chỉ có 12% số người được hỏi cho rằng họ không cần phải đưa “lót tay” mới xin được việc làm trong khu vực công ở địa phương. Ở Hà Giang, theo kết quả khảo sát năm 2014 không có vị trí nào mà không cần đến quan hệ cá nhân nếu muốn được tuyển dụng.
Khảo sát cũng hỏi người tham gia về trải nghiệm của họ đối với hối lộ khi sử dụng dịch vụ công ở bệnh viện và trường tiểu học. Khảo sát cho thấy có khoảng 43% cho biết họ đã phải hối lộ để được phục vụ ở các bệnh viện công tuyến huyện. 30% số  người có con đang học tiểu học cho biết phải hối lộ (năm 2012 là 12%).
Cảnh xếp hàng nộp hồ sơ thi tuyển vào Tổng cục Thuế năm 2014.
Cảnh xếp hàng nộp hồ sơ thi tuyển vào Tổng cục Thuế năm 2014.
Về minh bạch trong bồi thường đất đai, qua khảo sát cho thấy đa số người trả lời cho biết họ hoặc họ hàng của họ bị mất đất đã nhận được tiền bồi thường. Tuy nhiên, hơn một phần năm trong số đó cho biết họ không hề nhận được khoản bồi thường nào. Đồng thời, chỉ 36% những người bị mất đất trong năm qua cho biết họ nhận được mức bồi thường thỏa đáng.
Trao đổi với PV về Báo cáo PAPI, ông Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng cho rằng, những kết quả trên phản ánh một thực trạng là “tham nhũng vẫn phổ biến trong xã hội”.
“Đây là điều hết sức đáng lo ngại, nhất là ở trong lĩnh vực giáo dục. Bởi giáo dục là môi trường đào tạo ra những thế hệ tương lai của đất nước. Nay tham nhũng, hối lộ nhiều như vậy thì chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ của các em sau này”, ông Dinh lo ngại.
Tương tự đối với tình trạng tham nhũng, hối lộ để được làm công chức, ông Dinh cho rằng, nó phản ánh một thực tế là “các đơn vị nhà nước” vẫn có sức hấp dẫn rất lớn đối với người dân cho dù mức lương khá thấp.
“Lương thấp thì chắc chắn không thể đủ để bảo đảm cho nhu cầu của họ. Nên những người giỏi giang, có tài họ sẽ không chấp nhận bỏ tiền ra để chạy vào nhà nước đâu. Do đó, đôi khi vào nhà nước là những người có năng lực bình thường. Họ “chạy” vào đó vì thấy công việc ổn định, có cơ hội thăng quan tiến chức, thậm chí có cơ hội để “lấy lại” khoản tiền đã “lo lót” trước đó, ông Dinh nói.
Kết quả khảo sát về tình trạng “lo lót”, tham nhũng trong báo cáo PAPI.
Kết quả khảo sát về tình trạng “lo lót”, tham nhũng trong báo cáo PAPI.
Dân ngày càng giỏi chịu đựng tham nhũng
Theo Báo cáo của PAPI, so với kết quả phân tích của năm 2011 thì mức độ cải thiện hiệu quả kiểm soát tham nhũng ở cấp tỉnh có dấu hiệu chậm lại. Phần lớn người dân khi được hỏi đánh giá rằng “không có tiến bộ gì trong chỉ số nội dung kiểm soát tham nhũng”.
Quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền cấp tỉnh năm 2014 hầu như không thay đổi so với các năm trước. Đặc biệt là Hà Nội và Hải Phòng vẫn là những cái tên trong nhóm đạt điểm thấp nhất ở chỉ số kiểm soát, chống tham nhũng. Ngược lại, các tỉnh Sóc Trăng, Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Bình Định, Vĩnh Long liên tục được xếp ở nhóm đầu được người dân đánh giá cao về chống tham nhũng.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, trên phạm vi toàn quốc, chỉ có khoảng 40% số người được hỏi cho biết chính quyền địa phương nghiêm túc xử lý các vụ việc tham nhũng xảy ra ở địa phương. Đặc biệt, chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ (khoảng 3%) số người đã từng bị cán bộ, công chức vòi vĩnh đòi đưa hối lộ dám tố cáo các hành vi đó.
Thậm chí ở nhiều nơi 100% người dân được hỏi cho biết sau khi bị cán bộ UBND hoặc Công an xã, phường vòi vĩnh phải đưa hối lộ, họ đã không tố cáo những hành vi đó. Nguyên nhân được giải thích là do tố cáo cũng không mang lại lợi ích gì, thủ tục tố cáo quá rườm rà, hoặc họ sợ bị trù úm, trả thù hoặc không biết tố cáo thế nào.
“Khả năng chịu đựng sự vòi vĩnh của cán bộ, công chức trong dân dường như đang gia tăng theo thời gian”, báo cáo nêu rõ. Sự giỏi chịu đựng với tham nhũng của người dân còn được thể hiện qua việc họ ngày càng chấp nhận chi tiền và chỉ khi bị “vòi vĩnh” số tiền hơn 8 triệu đồng trở lên (năm 2011 là 5,5 triệu) thì họ mới tố cáo.
Trong khi đó, theo quy định của pháp luật phòng chống tham nhũng, nhận hối lộ ở mức 2 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.  Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, người dân ở Lào Cai được đánh giá có khả năng chịu đựng tham nhũng rất cao, bởi giá trị trung bình khi họ bắt đầu tố cáo hành vi vòi vĩnh của cán bộ chính quyền cấp cơ sở phải là từ 16,82 triệu đồng.
Từ thực tế trên, báo cáo cho rằng người dân cũng cần chủ động hơn trong việc tố giác các hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh của cán bộ công chức, viên chức để góp phần giảm thiểu tham nhũng, nhũng nhiễu. Ngoài ra, ông Dinh cũng cho rằng, nhà nước cần phải xây dựng các cơ chế, chính sách để khuyến khích và bảo vệ tốt hơn người dân khi họ đứng ra tố cáo tham nhũng.
Khả năng chịu đựng sự vòi vĩnh của cán bộ, công chức trong dân dường như đang gia tăng theo thời gian”, báo cáo nêu rõ. Sự giỏi chịu đựng với tham nhũng của người dân còn được thể hiện qua việc họ ngày càng chấp nhận chi tiền và chỉ khi bị “vòi vĩnh” số tiền hơn 8 triệu đồng trở lên (năm 2011 là 5,5 triệu) thì họ mới tố cáo.
Theo TP

Tin mới