Chi tiết lộ trình sáp nhập 36 đơn vị hành chính cấp xã ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Nghệ An có 16 đơn vị hành chính cấp xã (14 xã, 2 thị trấn) có cả 2 tiêu chí (diện tích, dân số) dưới 50% so với quy định phải tiến hành sắp xếp, sáp nhập với các đơn vị hành chính liền kề trong giai đoạn 1 (2019 - 2021). Theo phương án sáp nhập, Nghệ An có 36 đơn vị hành chính cấp xã sáp nhập thành 16 đơn vị, giảm 20.
a
Sáng 16/8, Ban Chỉ đạo triển khai, thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An họp triển khai các nhiệm vụ về công tác sắp xếp, sáp nhập. Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và lãnh đạo các huyện có xã, thị trấn thuộc diện sáp nhập. Ảnh: Thanh Lê

Giảm 20 đơn vị hành chính cấp xã

Theo Công văn số 3407/BNV-CQĐP ngày 26/7/2019 của Bộ Nội vụ về phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019 - 2021, tỉnh Nghệ An có 16 ĐVHC cấp xã (14 xã, 2 thị trấn) có cả 2 tiêu chí (diện tích, dân số) dưới 50% so với quy định phải tiến hành sắp xếp, sáp nhập với các ĐVHC liền kề trong giai đoạn 1 từ năm 2019 - 2021. 

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Quốc Chung báo cáo kết quả sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thanh Lê
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Quốc Chung báo cáo kết quả sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thanh Lê

Phương án là thực hiện sáp nhập với các xã liền kề, sáp nhập 2 xã, nếu không đủ tiêu chí tiếp tục sáp nhập xã thứ 3.

Đối với tỉnh Nghệ An, Hưng Nguyên có 7 xã không đủ tiêu chí về diện tích và dân số, sau khi sáp nhập 2 xã với nhau nhưng chưa đủ tiêu chí về diện tích và dân số.

Tuy nhiên, xem xét các yếu tố đặc thù, được Bộ Nội vụ cho cơ chế đặc thù chỉ thực hiện sáp nhập 2 xã thành 1 xã. Theo đó, giai đoạn 2019 - 2021, Nghệ An có 36 ĐVHC cấp xã sáp nhập thành 16 đơn vị giảm 20 so với số ĐVHC cấp xã hiện tại là 480.

16 đơn vị hành chính cấp xã ở Nghệ An thuộc diện sáp nhập

- Huyện Tương Dương: Có 1 đơn vị là thị trấn Hòa Bình.

- Huyện Quế Phong: Có 1 đơn vị là thị trấn Kim Sơn.

- Huyện Thanh Chương: Có 1 đơn vị là xã Thanh Tường.

- Huyện Diễn Châu: Có 1 đơn vị là xã Diễn Minh.

- Huyện Nghi Lộc: Có 1 đơn vị là xã Nghi Hợp.

- Huyện Nam Đàn: Có 2 đơn vị là xã Nam Phúc và xã Nam Thượng.

- Thị xã Thái Hòa: Có 1 đơn vị là xã Nghĩa Hòa.

- Huyện Nghĩa Đàn: Có 1 đơn vị là xã Nghĩa Tân.

- Huyện Hưng Nguyên: Có 7 đơn vị gồm các xã: Hưng Thắng, Hưng Tiến, Hưng Xá, Hưng Nhân, Hưng Phú, Hưng Khánh, Hưng Lam.

Hoàn thành lộ trình sáp nhập năm 2019

Triển khai việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 491/KH-UBND ngày 13/8/2019 về sắp xếp các ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, trong năm 2019 các địa phương sẽ hoàn thành việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã.

Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn Hoàng Thị Thu Trang báo cáo kết quả sáp nhập 3 xã của huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Thanh Lê
Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn Hoàng Thị Thu Trang báo cáo kết quả sáp nhập 3 xã của huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Thanh Lê

Theo đó, trong tháng 8/2019: Các xã, phường, thị trấn tổ chức lấy ý kiến về đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã; hội đồng nhân dân cấp xã, huyện thông qua chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã.

Trong tháng 9/2019: UBND tỉnh hoàn thiện Đề án tổng thể và trình HĐND tỉnh thông qua chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã trong kỳ họp bất thường, thời gian hoàn thành trước ngày 15/9/2019.

Từ tháng 10/2019 đến tháng 12/2019: Sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các nội dung: Bố trí, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; giải quyết chế độ, chính sách cho đội ngũ dôi dư tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Thực hiện rà soát, dự kiến bố trí trụ sở làm việc cho các cơ quan, đơn vị chịu tác động của việc sáp nhập ĐVHC cấp xã phù hợp với thực tế của các ĐVHC sau sáp nhập.

Tại hội nghị, các địa phương báo cáo kết quả triển khai sáp nhập, đồng thời nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai liên quan đến bố trí cán bộ dôi dư, nợ đọng xây dựng cơ bản của các xã sau khi sáp nhập; việc sáp nhập giữa các xã đạt chuẩn nông thôn mới và xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới; thực hiện công tác hành chính cho công dân,…

Ngoài hướng dẫn của Trung ương thì tỉnh cần có hướng dẫn thống nhất cách làm, phương pháp tiếp cận, bố trí cán bộ, công chức sau khi sáp nhập xóm, xã.

Nghi Lộc tiến hành sáp nhập xã Nghi Hợp và xã Nghi Khánh. Ảnh: Sách Nguyễn
Nghi Lộc tiến hành sáp nhập xã Nghi Hợp và xã Nghi Khánh. Ảnh: Sách Nguyễn
Kết luận tại cuộc làm việc, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lê Đình Lý đánh giá cao công tác thống kê, khảo sát, đánh giá và dự kiến phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã trong thời gian qua của các địa phương, đơn vị.
Các thành viên Ban Chỉ đạo cần bám sát Kế hoạch số 491/KH-UBND ngày 13/8/2019 của UBND tỉnh và phân công nhiệm vụ cho các thành viên để đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn, giám sát các huyện thực hiện nhiệm vụ theo đúng thời gian quy định.

Các huyện cần chủ động xây dựng đề án, lấy ý kiến cử tri, thông qua HĐND cấp xã, huyện; tham mưu phương án bố trí cán bộ, công chức để có kế hoạch bố trí nhân sự trước Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2020 - 2025 và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Các sở, ngành liên quan căn cứ Kế hoạch số 491/KH-UBND ngày 13/8/2019 của UBND tỉnh đã ban hành để tổ chức thực hiện theo đúng thẩm quyền và lộ trình thời gian quy định.

Tin mới