‘Chìa khóa’ thành công trong sáp nhập xóm ở Tân Kỳ

(Baonghean) - Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Tân Kỳ đã lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, hiệu quả trong xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Đặc biệt là nhờ thực hiện quy chế dân chủ ngay từ cơ sở, Tân Kỳ là một trong những huyện trong tỉnh hoàn thành sớm nhất việc thực hiện sáp nhập khối, xóm...

Lắng nghe ý kiến nhân dân

Thị trấn Tân Kỳ trước khi sáp nhập có 10 khối, thực hiện chủ trương sáp nhập khối, xóm, phương án ban đầu của thị trấn xây dựng là sáp nhập từ 10 khối xuống còn 7 khối. Tuy nhiên, khi tổ chức triển khai nhiều người không đồng tình vì bà con không muốn các cụm dân cư bị “xé nhỏ” khi nhập khối. Thay vào đó ý kiến của dân là muốn sáp nhập nguyên cả khối vào.

“Tiếp thu, lắng nghe ý kiến của người dân, thị trấn xây dựng phương án sáp nhập từ 10 khối thành 6 khối. Sau sáp nhập, người dân các khối đã hiến đất, hiến tài sản, các dự án triển khai trên địa bàn không phải bồi thường giải phóng mặt bằng”.

Bí thư Đảng ủy thị trấn Tân Kỳ Đặng Bá Hùng

Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn
Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn

Là địa bàn có đồng bào Kinh và Thổ cùng sinh sống, trước khi sáp nhập xã Tân An có 14 xóm. Đặc thù của xã Tân An là người dân ở đây đến từ các địa phương khác trong tỉnh, do đó tên của các xóm từ khi thành lập xã đến nay gắn với dân cư của từng địa phương như: Xóm Nghi Lộc, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Diễn Châu,… có những xóm phải sáp nhập gồm cả đồng bào Kinh và Thổ. Bên cạnh đó, tâm lý của bà con không muốn một xóm có các dân tộc, phong tục tập quán khác nhau. Vì vậy, khi xã đưa ra phương án sáp nhập, nhiều người dân cũng có ý kiến.

Trước khó khăn đó, địa phương đã tập trung làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền, nhờ vậy mà người dân cũng được “đả thông” tư tưởng. Đảng ủy xã Tân An chủ động thực hiện việc sáp nhập chi bộ đảng trước để lãnh đạo, đồng thời bố trí các đồng chí là cán bộ bán chuyên trách ở xã, kiêm nhiệm các chức danh bí thư chi bộ, xóm trưởng một số xóm mới.

“Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, 100% ý kiến nhân dân đồng thuận chủ trương sáp nhập. Sau sáp nhập Tân An từ 14 xóm giảm còn 9 xóm. Để có được thành công đó, xã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, các chủ trương chính sách đều thực hiện công khai để người dân nắm rõ”.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân An Chữ Hoài Thanh

Mô hình trồng bí trên đất ruộng ở xã Tân An (Tân Kỳ). Ảnh: Thanh Lê
Mô hình trồng bí trên đất ruộng ở xã Tân An (Tân Kỳ). Ảnh: Thanh Lê

Triển khai bài bản, khoa học

Toàn huyện Tân Kỳ có 269 khối, xóm, bản. Trong đó có 32 khối xóm, bản bảo đảm số hộ theo tiêu chuẩn, 237 khối, xóm, bản không đủ số hộ theo tiêu chuẩn quy định. Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiểu lực, hiệu quả”, Ban Thường vụ Huyện ủy Tân kỳ đã ban hành Kế hoạch số 121-KH/HU, Đề án số 08-ĐA/HU nhằm sắp xếp tổ chức bộ máy tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị huyện Tân Kỳ giai đoạn 2018 - 2021 và những năm tiếp theo.

UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thống kê số liệu cụ thể về diện tích, dân số, số hộ gia đình, số hộ đồng bào dân tộc và số liệu về đồng bào công giáo của các xã, thị trấn và của các khối, xóm trên địa bàn. Huyện cũng chỉ đạo xây dựng phương án sáp nhập các khối xóm chưa đủ tiêu chí để có giải pháp xử lý; tiến hành hội nghị triển khai nội dung sáp nhập khối xóm cho đội ngũ cán bộ cốt cán toàn huyện; tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ các phòng và toàn thể bí thư chi bộ và xóm trưởng của 269 khối, xóm trên địa bàn toàn huyện về quy trình, các bước triển khai thực hiện xây dựng đề án...

Sau khi chủ trương sáp nhập xóm đã được thống nhất và phê duyệt, Ban Thường vụ Huyện ủy Tân Kỳ đã ban hành Công văn số 930-CV/HU ngày 14/8/2019 về việc kiện toàn bộ máy xóm, khối, bản sau khi sáp nhập; tổ chức phiên làm việc với đội ngũ cốt cán toàn huyện để hướng dẫn thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy ở xóm, khối, bản. 22/22 xã, thị trấn lại tiến hành họp dân để lấy ý kiến nhân dân ở từng xóm về công tác nhân sự sau khi sáp nhập, vận động, làm công tác tư tưởng đối với những cán bộ nghỉ công tác.

Đến 30/11/2019 toàn huyện Tân Kỳ đã sáp nhập 224 khối, xóm xuống còn 106 khối, xóm; tiến hành ghép cụm dân cư vào khối, xóm thành 26 khối, xóm. Toàn huyện sau khi sáp nhập còn 151 khối, xóm, giảm 118 khối, xóm. Việc giảm được 118 khối, xóm tương đương với việc giảm 590 cán bộ không chuyên trách, 472 cấp trưởng các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở khối, xóm. Bình quân giảm chi ngân sách 9,3 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, huyện thực hiện dân chủ trong lập danh sách chi trả chế độ cho cán bộ đã nghỉ việc; thực hiện công khai dân chủ trong đại hội chi bộ, hội nghị bầu khối trưởng, xóm trưởng.

Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ Hoàng Quốc Việt cho biết: Sáp nhập khối, xóm là việc khó, liên quan đến quyền lợi của người dân nên huyện xác định phải thực hiện dân chủ ngay từ công tác triển khai một cách bài bản, khoa học. Qua đó, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Hiệu quả của việc sáp nhập khối, xóm, bản được thể hiện rõ. Cơ cấu tổ chức bộ máy ở khối, xóm, bản theo hướng tinh gọn, khắc phục được tình trạng nhỏ lẻ, đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn, tiêu chí được quy định tại các thông tư, hướng dẫn của cấp trên về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố. Sau sáp nhập khối, xóm toàn huyện không có đơn thư khiếu nại, tố cáo, điều này cho thấy việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong sáp nhập khối xóm được thực hiện tốt từ huyện đến cơ sở. Có được kết quả đó là do nhiều nguyên nhân, trong đó việc thực hiện tốt quy chế dân chủ là một trong số các nguyên nhân có ý nghĩa quan trọng hàng đầu.

Tin mới