Chia sẻ kinh nghiệm học tập thông minh cho học sinh Nghệ An

(Baonghean.vn) - Sáng 27/2, Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã tổ chức Hội thảo Học thông minh tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Đây là chuỗi chương trình phi lợi nhuận do HOCMAI triển khai tổ chức từ tháng 12/2018, với diễn giả chính là Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam, người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu.
Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam là người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu phương pháp học tập mới. Ảnh: Mỹ Hà.
Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam là người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu phương pháp học tập mới. Ảnh: Mỹ Hà

Mỗi học sinh có một thế mạnh riêng

Hội thảo Học thông minh là chương trình dành riêng cho học sinh THCS, THPT trên toàn quốc. Trong khoảng 2h đồng hồ, diễn giả Nguyễn Thành Nam đã chia sẻ đến học sinh những phương pháp học tập thông minh từng được áp dụng thành công ở nhiều nước có nền giáo dục phát triển như: kỹ năng ghi chép, kỹ thuật ghi nhớ bằng các thẻ học tập thông minh, tư vấn nghề nghiệp, cá nhân hóa việc học cho mỗi học sinh… nhằm giúp học sinh nâng cao năng lực học tập.

Trước đó, chia sẻ ý tưởng xây dựng chương trình hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam cho biết: Nhiều năm nay, tôi đã theo đuổi nghiên cứu và ấp ủ ý định mang phương pháp học tập tiên tiến trên thế giới đến gần với học sinh Việt Nam. Tuy nhiên, ý tưởng về xây dựng chương trình hội thảo Học thông minh thực sự nảy mầm từ thời điểm tôi được mời làm cố vấn về phương pháp học tập cho chương trình truyền hình thực tế "Học sao cho tốt?" phát sóng hàng tuần trên kênh Truyền hình Giáo dục Quốc gia VTV7, Đài Truyền hình Việt Nam.  

Phần lớn thời gian của hội thảo đã chia sẻ về cách học thông minh. Ảnh: Mỹ Hà
Phần lớn thời gian của hội thảo đã chia sẻ về cách học thông minh. Ảnh: Mỹ Hà

Ông cũng kỳ vọng: Mỗi hội thảo đi qua, chúng tôi mong mọi người sẽ biết đến các phương pháp này, 10% có thể áp dụng ngày và một số ít trong số 10% có thể trở thành hạt nhân trong việc áp dụng nhuần nhuyễn để tạo ra sức lan tỏa với xung quanh.

Mở đầu hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam đã bàn về cơ cấu của trí khôn và xem đây là nền tảng để phát triển con người: Trí khôn rất đa dạng, có những người có thể không giỏi toán lý hóa nhưng lại có trí khôn đối ngoại, có khả năng kết nối, tổ chức sự kiện.  Nhưng người này sau khi phát triển rất tốt bởi doanh nghiệp nào cũng cần một người để tổ chức phong trào.

Bên cạnh đó lại có người có trí khôn âm nhạc, trí khôn cơ thể động (vận động viên, người tập thể dục dụng cụ, bác sỹ phẫu thuật)... Mỗi một người có một đặc điểm riêng, mỗi thế mạnh riêng và quan trọng phải biết phát huy năng lực của mình.

Trên cơ sở cơ cấu trí khôn riêng của mỗi con người, tiến sỹ Nguyễn Thành Nam khẳng định: mỗi một người có một cách học khác nhau, có người học nhanh, có người học chậm, khác nhau ở độ tập trung. Người này có thể tiếp thu được chương trình khó, khối lượng kiến thức đồ sộ một cách dễ dàng. Nhưng người khác thì có thể học bao nhiêu cũng khó hiệu quả. Và, nếu quá sức thì cố cũng không ăn thua.

Muốn học tốt phải có phương pháp học thông minh

Tại hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam cũng chia sẻ về phương pháp học tập hiệu quả, đó là học thông minh. Với hình thức này, học sinh phải ôn tập thông minh bằng phương pháp tư duy, kỹ thuật giãn cách.

Thường thì lâu nay học sinh thường trả lời câu hỏi do các thầy cô giáo đặt ra. Nhưng điều đó là thụ động. Thay vì trả lời, học sinh hãy tự động đặt câu hỏi về các vấn đề trong bài học. Điều này có thể khó hơn nhưng nếu học mà bản thân không đề ra các câu hỏi thì chứng tỏ não không hoạt động. Ngoài ra, những người có khả năng đặt câu hỏi có thể sẽ tự trả lời được.

Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam

Học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu giao lưu với tiến sỹ Nguyễn Thành Nam tại buổi hội thảo. ảnh: Mỹ Hà.
Học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu giao lưu với Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam tại buổi hội thảo. Ảnh: Mỹ Hà

Với nhiều năm kinh nghiệm và đứng trên bục giảng thầy giáo Nguyễn Thành Nam cũng khẳng định, trong học tập phần ghi chép rất quan trọng. Ông cũng lấy hai ví dụ, trong đó có một bản ghi chép của học sinh nữ khá cẩn thận, đầy đủ và một bản ghi chép của một bạn nam, không đẹp nhưng khá rõ ràng, những phần ghi chú được sử dụng nhiều màu mực khác nhau. Từ dẫn chứng này, ông cũng nói rằng:

Hiện, chỉ có một số ít học sinh làm được điều này. Đa số bạn có thói quen chỉ ghi chép nội dung trên bảng và những gì mà thầy cô đọc cho chép. Điều này dẫn đến tình trạng tiếp thu kiến thức thụ động, không thể hiểu rõ ràng, sâu sắc và có hệ thống toàn bộ nội dung bài giảng.

Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam chia sẻ cách ghi chép khoa học cho học sinh. Ảnh: Mỹ Hà
Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam chia sẻ cách ghi chép khoa học cho học sinh. Ảnh: Mỹ Hà

Theo Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam, đối với việc ghi chép thì điều quan trọng nhất không phải là khối lượng kiến thức ghi nhớ, mà là tính hệ thống của tri thức. Hình thức tổ chức nội dung trên vở ghi phản ánh hệ thống tri thức ở trong đầu.

Do vậy việc phân chia vở ghi đúng và chép nội dung chặt chẽ, sáng sủa sẽ giúp tiếp thu kiến thức dễ dàng và hiệu quả hơn. Qua nghiên cứu, tìm hiểu, Tiến sỹ Nam cũng đã đưa đến cho học sinh phương pháp ghi bài mới bằng việc sử dụng các cuốn vở ghi khổ lớn tầm A4, mỗi trang vở chia thành 3 cột. Cột lớn nhất chiếm 2/3 chiều ngang dùng để ghi nội dung bài giảng, cột nhỏ chiếm 1/3 chiều ngang dùng để ghi kiến thức tổng kết và phần lề vở sẽ được tận dụng thành một cột nhỏ khác để ghi kiến thức mở rộng, ghi thêm lời giảng của thầy cô...

Để khắc phục tình trạng “học trước quên sau”, Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam cũng dành thời gian chia sẻ về một số công cụ ghi nhớ kiến thức mới. Trong đó, có thẻ ghi nhớ nội dung môn học và tiến hành ôn luyện kiến thức cũ bằng phương pháp giãn cách, một phương pháp đang được áp dụng rộng rãi và hiệu quả trên thế giới.

Theo tiến sỹ Nguyễn Thành Nam, trước khi chọn trường học sinh phải đặt trong nhiều mối quan hệ, tìm kiếm những cơ hội và dự báo cả những rủi ro để lựa chọn chính xác. Ảnh - Mỹ Hà
Theo Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam, trước khi chọn trường học sinh phải đặt trong nhiều mối quan hệ, tìm kiếm những cơ hội và dự báo cả những rủi ro để lựa chọn chính xác. Ảnh: Mỹ Hà

Theo đó, chỉ với những miếng bìa được cắt theo kích thước to, nhỏ khác nhau (tùy vào lượng kiến thức cần ghi nhớ) và một sợi dây hoặc một vòng khuyên kim loại để xâu chuỗi, hàng ngày các bạn học sinh có thể tóm tắt lại kiến thức các môn học, trung bình mỗi ngày sẽ cần làm mới 4, 5 tấm thẻ. Các bộ thẻ ghi nhớ này có thể được lưu ở trong cặp của mỗi bạn học sinh, thuận tiện để xem lại kiến thức bất kỳ lúc nào các bạn cần và kích thích sự ghi nhớ của trí não.

Hội thảo lần này tuy diễn ra trong thời gian ngắn nhưng Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam cũng dành thời gian để chia sẻ cho học sinh kinh nghiệm chọn ngành, chọn nghề dựa trên các mối quan hệ.

Đừng ngại và dẹp các mặc cảm đi để thành lập các mối quan hệ, tư duy các yếu tố truyền thống, hiểu rõ các điều kiện khách quan (hoàn cảnh, xu thế, rủi ro) trước khi lựa chọn nghề nghiệp. Đừng chạy theo trường nổi tiếng mà hãy chọn trường đào tạo là ngành tốt: Đừng vì tên trường mà lao vào kẻo “sứt đầu mẻ trán”.

Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam 

Trung tâm Hoc mai trao quà và tặng 10 suất học bổng cho học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Ảnh: Mỹ Hà
Trung tâm HOCMAI trao quà và tặng 10 suất học bổng cho học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Ảnh: Mỹ Hà

Cùng với Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, trong hai tháng 1 và 2/2019,  Hội thảo Học thông minh cũng đã được tổ chức tại nhiều trường khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An như Trường THPT Cửa Lò 1, Trường THPT Cửa Lò 2, THPT Hà Huy Tập, THPT Lê Viết Thuật, THPT Huỳnh Thúc Kháng, THPT Nguyễn Duy Trinh (Nghi Lộc). Trước đó, chương trình cũng đã được triển khai thành công tại hơn 13 trường THPT trên địa bàn các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Dương thu hút sự tham gia nhiệt tình của hàng nghìn học sinh và giáo viên.

Trong thời gian tới, đơn vị chủ trì tổ chức hoạt động này cũng sẽ nghiên cứu và thử nghiệm một số chuyên đề phương pháp học tập mới, có tính ứng dụng cao một cách sâu rộng và thiết thực hơn.

Tin mới