Chiếc đèn pin rọi sáng ước mơ

(Baonghean) - Lớn lên trong một gia đình thiếu hơi ấm hạnh phúc, đối mặt với cảnh nghèo khó và thiếu thốn nhưng cô bé người Thái ở xã vùng xa Châu Phong (Qùy Châu) không những không dừng bước trên hành trình đi tìm con chữ mà còn gặt hái được thành tích cao.

Nghèo khó và bất hạnh

Căn nhà của gia đình Lô Thị Hồng Anh (SN 2002) nằm ở cuối bản, chênh vênh giữa sườn núi và mép suối quanh co. Gần giữa trưa nhưng trong nhà vẫn tối om, chỉ có vài tia sáng yếu ớt từ bên ngoài lọt qua những kẽ ván dùng để làm vách.

Chị Lang Thị Hà (SN 1982) - mẹ của Hồng Anh cho biết: “Bản chưa có điện lưới, nhà chỉ có 1 chiếc đèn pin nhỏ dùng khi ăn bữa tối và dành cho mấy đứa học bài, điện lưới chưa có, gia đình khó khăn nên chưa đủ tiền mua bình ắc quy để thắp sáng”.

Lô Thị Hồng Anh và người mẹ tật nguyền.
Lô Thị Hồng Anh và người mẹ tật nguyền. Ảnh: Công Kiên.

Bố mẹ sinh được 3 người con, Hồng Anh là chị cả, sau còn có 2 em nhỏ là Lô Thị Đào (SN 2009, đang học lớp 2) và Lô Mạnh Thuận (SN 2014). Những ngày tháng hạnh phúc và đầm ấm của gia đình quá ngắn ngủi, một phần vì cuộc sống khó khăn, phần khác nữa mấy năm trước mẹ của Hồng Anh bị đột quỵ nằm liệt giường, phải chạy vạy khắp nơi kiếm tiền cứu chữa. Nay chị Hà đã dậy được nhưng chân tay co quắp nên đi lại hết sức khó khăn chứ chưa gì nói đến làm lụng, mưu sinh.

Lô Thị Hồng Anh dùng chiếc đèn pin nhỏ để học bài.
Lô Thị Hồng Anh dùng chiếc đèn pin nhỏ để học bài.

Đã thế, người bố bỗng dưng đổ đốn, đi làm xa không những không mang tiền về nuôi con mà còn đánh đập, ngược đãi vợ. Mấy lâu nay, 4 mẹ con sống nhờ vào sự cưu mang, đùm bọc của họ hàng bên ngoại và hàng xóm, láng giềng. Mấy thửa ruộng chị Hà phải nhờ mẹ già và mấy người em làm giúp, rau, măng hàng ngày được bà con trong bản đem cho, cả năm trời may chăng chỉ vài ba lần bữa cơm có thịt.

Sau giờ học, Lô Thị Hồng Anh thường lên rừng lấy củi về giúp mẹ.
Sau giờ học, Lô Thị Hồng Anh thường lên rừng lấy củi về giúp mẹ. Ảnh: Công Kiên.

Gần 9 năm qua, Hồng Anh đến trường trong cảnh bữa no, bữa đói. Bạn bè cùng lớp có bố mẹ đưa đón hoặc đi bằng xe đạp, riêng Hồng Anh bao năm cuốc bộ lủi thủi một mình, gần đây em mới được tặng một chiếc xe đạp. Thiếu thốn và thiệt thòi là vậy nhưng cô bé người Thái ấy vẫn chăm chỉ và cần mẫn, dẫu cho những hôm trời mưa tầm tã hay ngày đông lạnh cóng, đôi bàn chân nhỏ bé của em vẫn in dấu trên đoạn đường gập ghềnh, trắc trở.

Nghị lực và khát vọng

Năm học này, Lô Thị Hồng Anh là thành viên lớp 9A1, Trường PTDTBT THSC Châu Phong, được cả trường biết đến bởi vừa đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện. Hồng Anh được chọn dự thi 2 môn, kết quả môn Ngữ văn đạt giải Nhì và môn Lịch sử đạt giải Khuyến khích, là người dẫn đầu thành tích của toàn trường. Hiện tại, em đang được cô giáo bộ môn Ngữ văn tích cực ôn luyện và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng để thi vào đội tuyển của huyện dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh sẽ được tổ chức sau dịp Tết Nguyên đán.

Lô Thị Hồng Anh nấu bữa trưa cho mẹ và các em.
Lô Thị Hồng Anh nấu bữa trưa cho mẹ và các em.

Trao đổi với chúng tôi, cô Nguyễn Thanh Thủy - giáo viên Ngữ văn lớp 9A1 cho biết: “Tôi là người trực tiếp bồi dưỡng cho Lô Thị Hồng Anh và nhận thấy em sớm bộc lộ năng khiếu và niềm say mê môn Ngữ văn. Trong quá trình tiếp nhận kiến thức và làm bài, em luôn chứng tỏ tinh thần độc lập suy nghĩ và sáng tạo, hành văn mượt mà, trôi chảy, thể hiện được chiều sâu ý tứ. Nếu có cơ hội được học lên, tôi tin tưởng em sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa”.

Thành tích nổi bật là thế nhưng ít ai biết được những khó khăn, vất vả hàng ngày Hồng Anh phải vượt qua. Nhà cách trường gần 7km, thuộc diện hưởng chế độ bán nhưng Hồng Anh xin phép nhà trường cho đi về để đỡ đần cho mẹ và chăm sóc các em. Mỗi sáng, em dậy sớm chuẩn bị bữa ăn, xong vội vã chở em gái đến trường tiểu học rồi mới đến lớp, sau buổi học lại đón em về. Có chút thời gian trong ngày, em lên rừng kiếm củi, hái măng hoặc xuống suối mò cua, xúc cá về cải thiện bữa cơm cho mẹ và các em.

5.	Cô Nguyễn Thanh Thủy bồi dưỡng kiến thức cho Lô Thị Hồng Anh thi vào đội tuyển dự thi HSG cấp tỉnh
 Cô Nguyễn Thanh Thủy bồi dưỡng kiến thức cho Lô Thị Hồng Anh thi vào đội tuyển dự thi HSG cấp tỉnh.

Chiếc bàn học đơn sơ ở góc nhà, ban ngày cũng không đủ ánh sáng, bất kể ngày hay đêm, Hồng Anh phải buộc chiếc đèn pin nhỏ lên trán để soi vào trang sách, cuốn vở. Hàng ngày, chiếc đèn pin ấy còn theo em đến trường để sạc điện, rồi theo em trở về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “soi đường” trên hành trình khám phá tri thức. Nó  như một người bạn thân chia sẻ bao nỗi buồn vui, giải Nhì môn Ngữ văn và giải Khuyến khích môn Lịch sử Hồng Anh vừa đạt được một phần nhờ chiếc đèn pin nhỏ bé ấy.

“Lớn lên, Hồng Anh mong ước làm nghề gì?” - chúng tôi hỏi khi em đang cặm cui nhóm bếp nấu bữa trưa. Một thoáng đăm chiêu, cô bé cất tiếng một cách rụt rè và e ngại: “Em muốn làm cô giáo để giúp đỡ những học sinh nghèo như các thầy cô ở trường đã giúp em!”. Nghe vậy, người mẹ liền nói: “Không biết ước mơ ấy có thành sự thật được không, khi tôi bị bệnh tật, không đủ sức xuống ruộng cấy lúa, lên rừng lấy măng, 2 đứa sau còn nhỏ, lấy gì để nó học lên cao?”.

Một bài văn đạt điểm 9 của Lô Thị Hồng Anh.
Một bài văn đạt điểm 9 của Lô Thị Hồng Anh.

Thầy Nguyễn Bá Vinh- người dẫn chúng tôi đến Piêng Cắm an ủi: “Chị cố gắng cho Hồng Anh học lên cao, chỉ có kiến thức mới giúp ta thoát khỏi cuộc sống đói nghèo, bên cạnh em còn có các thầy cô giáo và cộng đồng, xã hội sẵn sàng giúp đỡ. Mục tiêu trước mắt là vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi tỉnh, tiếp đến là vào Trường THPT DTNT tỉnh hoặc huyện để viết tiếp ước mơ”./.

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN

Tin mới