Chiếc tàu ngầm khiến cả biên đội tàu sân bay Mỹ bất lực

Đội tàu hộ tống hùng hậu của tàu sân bay USS Ronald Reagan thất bại trong việc phát hiện chiếc tàu ngầm diesel bé nhỏ của Thụy Điển trong cuộc tấn công giả định.

HSMS Gotland trước khi ra khơi

Năm 2005, tàu sân bay USS Ronald Reagan mới chế tạo trị giá 6,2 tỷ USD của Mỹ cùng đội tàu hộ tống tham gia một cuộc diễn tập phòng thủ giả định, đối thủ của chúng là tàu ngầm hạng nhẹ HSMS Gotland được Mỹ thuê của Thụy Điển trong thời hạn một năm.

Chiếc tàu ngầm hạng nhẹ này đã lặng lẽ qua mặt nhiều lớp bảo vệ dày đặc của tàu hộ tống Mỹ và liên tiếp phóng ngư lôi giả định vào tàu sân bay USS Ronald Reagan. Sau khi "đánh đắm" tàu địch, tàu ngầm Gotland rời đi khi biên đội tàu Mỹ còn chưa kịp nhận ra sự hiện diện của nó, theo National Interest.

Hải quân Mỹ tổ chức nhiều cuộc diễn tập như vậy với tàu ngầm Gotland trong năm đầu tiên, nhưng lần nào các tàu khu trục và tàu ngầm tấn công hạt nhân của họ cũng đều chịu thua trước chiếc tàu ngầm bé nhỏ với giãn nước chỉ 1.600 tấn của Thụy Điển.

Quá ấn tượng với khả năng qua mặt hệ thống phòng thủ chống ngầm trang bị nhiều cảm biến hiện đại từ biên đội hộ tống USS Ronald Reagan của tàu ngầm Gotland, hải quân Mỹ quyết định thuê chiếc tàu này thêm một năm để tìm hiểu tính năng kỹ chiến thuật của nó.

HSMS Gotland thuộc lớp Gotland là chiếc tàu ngầm diesel có mức giá tương đối rẻ, chỉ khoảng 100 triệu USD, tương đương với một tiêm kích F-35. Hải quân Mỹ đã loại biên toàn bộ tàu ngầm diesel từ năm 1990 để tập trung phát triển các loại tàu ngầm tấn công hạt nhân lớn hơn, uy lực hơn.

Trong quá khứ, tàu ngầm diesel bị hạn chế bởi động cơ vận hành ồn ào, chỉ có thể ở dưới nước vài ngày trước khi phải nổi lên lấy không khí cho động cơ, khiến chúng dễ bị máy bay đối phương phát hiện và tấn công. Ngược lại, tàu ngầm năng lượng hạt nhân không đòi hỏi nguồn cung cấp không khí lớn, có thể hoạt động lặng lẽ dưới nước trong nhiều tháng và có tốc độ cao hơn.

Tuy nhiên, lớp Gotland ra mắt vào năm 1996 là loại tàu ngầm đầu tiên sử dụng hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP) giúp hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn không khí từ bên ngoài. Chúng có thể lặn dưới biển đến hai tuần trong khi duy trì tốc độ trung bình 9,6 km/h, hoặc dùng cạn năng lượng pin để tăng tốc lên tới 37 km/h.

chiec-tau-ngam-khien-ca-bien-doi-tau-san-bay-my-bat-luc

Tàu ngầm HSMS Gotland dễ dàng qua mặt biên đội tàu sân bay Mỹ. Ảnh: National Interest.

Động cơ diesel được sử dụng khi tàu nổi hoặc sử dụng ống thông hơi. Lớp Gotland chạy êm hơn nhiều so với tàu ngầm hạt nhân, vốn phải sử dụng hệ thống làm mát lò phản ứng có độ ồn rất cao.

Tàu ngầm Gotland có nhiều tính năng khác giúp nó rất khó bị phát hiện. Nó được trang bị 27 nam châm điện, có khả năng che giấu tín hiệu từ tính khỏi cảm biến phát hiện từ trường dị thường. Thân tàu được phủ vật liệu chống tín hiệu định vị thủy âm (sonar), còn tháp chỉ huy được làm bằng vật liệu hấp thụ sóng radar.

Máy móc trên tàu được bọc đệm cao su giảm tiếng ồn, hạn chế khả năng bị phát hiện trên sonar thụ động của đối phương. Chiếc Gotland có khả năng cơ động cực cao nhờ 6 bề mặt điều khiển trên cánh lái hình chữ X và tháp chỉ huy, cho phép nó hoạt động gần đáy biển và thực hiện động tác ngoặt gấp.

Sau hai năm diễn tập, hải quân Mỹ nhận ra Gotland là thách thức lớn nhất với lực lượng chống ngầm của họ và hệ thống cảm biến dưới biển đang được trang bị không thể đối phó với các tàu ngầm AIP.

Gotland chỉ là một trong số nhiều loại tàu ngầm AIP trên thế giới. Nga và Trung Quốc đều thiết kế, sở hữu những tàu ngầm diesel - điện có khả năng tàng hình, nổi tiếng là Đề án 636 Vashavyanka  (NATO định danh: Kilo cải tiến). Chúng có độ ồn rất thấp, trang bị nhiều công nghệ hiện đại giúp ẩn mình dưới biển, được hải quân Mỹ đặt biệt danh "hố đen đại dương".

Các nhà sản xuất tàu ngầm AIP khác gồm Tây Ban Nha, Pháp, Nhật Bản và Đức. Những quốc gia này đã bán tàu ngầm cho nhiều lực lượng hải quân trên thế giới như Ấn Độ, Israel, Pakistan và Hàn Quốc. Tàu ngầm AIP phát triển thành những loại lớn, có trang bị vũ khí mạnh và đắt tiền hơn, điển hình là lớp Dolphin của Đức và Scorpene của Pháp.

chiec-tau-ngam-khien-ca-bien-doi-tau-san-bay-my-bat-luc-1

Gotland là lớp tàu ngầm đầu tiên được trang bị công nghệ AIP. Ảnh: Wikipedia.

Tàu ngầm diesel hiệu quả nhất khi tấn công hạm đội địch khi biết rõ vị trí nhờ thông tin tình báo. Tuy nhiên, tốc độ dưới nước khá chậm khiến chúng không phù hợp để theo dõi mục tiêu di chuyển trên các vùng biển rộng lớn.

Sự xuất hiện của tàu ngầm diesel rẻ tiền, có khả năng tàng hình và tầm hoạt động lớn khiến tàu sân bay và các loại tàu chiến đắt tiền khác đối mặt với nguy cơ lớn hơn khi hoạt động gần bờ biển đối phương. Theo các chuyên gia quân sự, tàu ngầm AIP sẽ là phương tiện hiệu quả để bảo vệ bờ biển duyên hải, dù vai trò của chúng trong lực lượng hải quân xa bờ là không rõ ràng.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Tin mới