Chiến lược thương mại mới: ‘Vũ khí’ đàm phán của EU trước Mỹ, Trung

(Baonghean.vn) - EU công bố chiến lược thương mại mới của mình trong nỗ lực tạo ra sự cân bằng thương mại với hai đối tác Mỹ và Trung Quốc, đồng thời “bắn” các tín hiệu rõ ràng với cả hai rằng họ có thể đáp trả mạnh mẽ bất kỳ mối đe dọa nào từ bên ngoài bằng sự quyết đoán và tự chủ hơn.

Châu Âu sẽ quyết đoán và tự chủ hơn!

Chính sách thương mại của Liên minh châu Âu (EU) là một công cụ trung tâm để đối phó với những thách thức do toàn cầu hóa tạo ra và biến các tiềm năng của tiến trình này thành lợi ích thực sự. So với chiến lược năm 2019, bản chiến lược mới được Ủy ban châu Âu (EC) công bố hôm 18/2 mang tính chất truyền đi thông điệp về lập trường rõ ràng hơn của khối liên minh này trong vấn đề thương mại. “Từ khóa” trong bản chiến lược này là “mang tính mở, quyết đoán, và tự chủ hơn” trong thương mại toàn cầu đồng thời “định hình thế giới xung quanh”. EU xem đây là một cách để đối phó với các thách thức bao gồm biến đổi khí hậu, chủ nghĩa đơn phương và hậu quả kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.

Ủy ban châu Âu công bố chiến lược thương mại mới được mô tả mang tính quyết đoán hơn hôm 18/2. Ảnh: Reuters
Ủy ban châu Âu công bố chiến lược thương mại mới được mô tả mang tính quyết đoán hơn hôm 18/2. Ảnh: Reuters

Về cách thức triển khai cụ thể, chiến lược mới đề cao ưu tiên quan trọng là cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bao gồm cả việc khôi phục cơ quan phúc thẩm của tổ chức này, để các nước có thể giải quyết bất kỳ tranh chấp còn tồn đọng nào. EC khẳng định, việc WTO có tân tổng giám đốc, bà Okonjo-Iweala, vào đầu tháng 3 tới, là một cơ hội thuận lợi cho việc khởi đầu cải cách. Trong chiến lược thương mại cho thập niên tới, EC cũng muốn các thỏa thuận thương mại cần phải tuân thủ các cam kết trong Hiệp định Khí hậu Paris 2015. Điều này có thể bao gồm tự do hóa thương mại đối với các hàng hóa và dịch vụ “xanh” hoặc các thỏa thuận cắt giảm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch. Hiện tại, việc phê chuẩn hiệp định mậu dịch tự do giữa châu Âu và khối Mercosur (ở Nam Mỹ), đang bị đình hoãn, do nhiều nước châu Âu lo ngại hiệp định này sẽ làm gia tăng nạn phá rừng quy mô lớn tại vùng Amazon ở Nam Mỹ.

“Chống lao động cưỡng bức” cũng là một trọng tâm khác trong chiến lược thương mại mới của EC. Bruxelles cam kết sẽ thiết lập các cơ chế để bảo đảm là trong các thỏa thuận thương mại với châu Âu, các doanh nghiệp không được phép sử dụng “lao động cưỡng bức”. Song song với đó, EU đang đẩy mạnh nỗ lực để đảm bảo rằng các thỏa thuận thương mại mang lại lợi ích cho người lao động, nông dân và công dân của mình.

Thay đổi để thích ứng

Đưa ra trong bối cảnh thế giới đang có nhiều thay đổi, Chiến lược thương mại mới của EU là công cụ hướng dẫn hành động của khối, đặt nền móng cho các cuộc đàm phán thương mại với các nước ngoài khối trong tương lai. Nhìn xa hơn, EU muốn đặt ra các quy tắc thương mại của riêng mình, trở thành “người chơi chính” trong sân chơi thương mại toàn cầu. 

Trong vài năm qua, EU đã phải vật lộn để thúc đẩy chương trình thương mại đa phương. Trong bối cảnh các tranh chấp thương mại nổ ra gay gắt và sự “áp đặt thuế quan” của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump khiến EU bị đẩy vào thế khó, vừa bị động, vừa phụ thuộc. Đó cũng là lúc các nền kinh tế “lục địa già” nhận ra rằng cần phải có chiến lược tự chủ hơn.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: AFP
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: AFP

Thêm vào đó, khi Trung Quốc nổi lên là nền kinh tế lớn thứ 2 sau Mỹ và có tác động không nhỏ đến các nền kinh tế thành viên EU, buộc khối này có những tính toán bài bản nhằm đạt được sự cân bằng thương mại, đảm bảo cạnh tranh công bằng. “Đảm bảo Trung Quốc thực hiện các nghĩa vụ lớn hơn trong thương mại quốc tế và giải quyết những tác động tiêu cực trong quan hệ kinh tế EU - Trung Quốc sẽ là trọng tâm trong nỗ lực của EU nhằm tái cân bằng mối quan hệ thương mại song phương”, thông cáo về nội dung chính sách thương mại của EU cho hay.

Một yếu tố nữa thúc đẩy EU đưa ra chiến lược mới chính là tạo công cụ nền tảng trước các cuộc đàm phán cấp cao với chính quyền mới ở Mỹ về hàng loạt vấn đề thương mại. Ông Joe Biden cam kết sẽ đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump, trong đó có việc xem xét lại các mức thuế trừng phạt đối với hàng hóa của EU và có thể nối lại đàm phán về Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương. EU rất có thể kỳ vọng vào một chiến lược rõ ràng sẽ có lợi hơn khi tiến vào bàn đàm phán cùng Washington.

Như vậy, chiến lược thương mại mới có thể được xem như một thứ “vũ khí” của EU trong việc đối phó với những thách thức hiện tại cũng như phù hợp với môi trường thương mại toàn cầu đang biến đổi nhanh chóng hiện nay.

Chiến lược cân bằng khôn ngoan

EU là đối tác thương mại hàng đầu của 74 quốc gia trên thế giới. Vậy nên, bất cứ sự điều chỉnh nào về chiến lược thương mại của khu vực này cũng sẽ có ảnh hưởng ít nhiều đến các nền kinh tế đang “làm ăn” với EU. Tuy nhiên, hai nhân tố quan trọng nhất cần “giải mã” chiến lược của EU chính là Mỹ và Trung Quốc. Bởi về tổng quan, Brussels muốn thông qua chiến lược mới này để khẳng định vị thế độc lập về thương mại trước hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Một số nhà quan sát cho rằng, chính sách mới cho thấy sự “thiên vị” của EU đối với Washington, tuy vậy thực tế Brussels khó có thể quay lưng với Trung Quốc như một số chính trị gia ở Mỹ kêu gọi.

Châu Âu xách định thương mại là ưu tiên hàng đầu cho hợp tác với Trung Quốc, bao gồm giám sát chung về các cam kết của Trung Quốc trong  minh bạch trợ cấp, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và “mở cửa thị trường”. Ảnh: AFP
Châu Âu xác định thương mại là ưu tiên hàng đầu cho hợp tác với Trung Quốc, bao gồm giám sát chung về các cam kết của Trung Quốc trong minh bạch trợ cấp, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và “mở cửa thị trường”. Ảnh: AFP

Sự phục hồi nhanh chóng của Bắc Kinh sau đại dịch Covid-19 ít nhất cũng giải thích một phần về những bước đi đúng hướng của nước này trong lĩnh vực thương mại. Hơn nữa, Trung Quốc không chỉ là nền kinh tế BRICS lớn nhất và phát triển nhanh nhất, mà chính sách đối ngoại của nước này đã mang tính bảo hộ hơn đáng kể so với châu Âu trong những năm gần đây. Việc Trung Quốc đề nghị mở cửa tiếp cận cho các công ty châu Âu trong một số ngành - cụ thể là dịch vụ tài chính, bất động sản, xây dựng và vận tải - là một cơ hội đầy hứa hẹn để EU tái cân bằng mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.  Dữ liệu được công bố vào đầu tuần này cho thấy, Trung Quốc đã soán ngôi Mỹ vào năm ngoái để lần đầu tiên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Âu. Vì vậy, mặc dù ca ngợi mối quan hệ thương mại với Washington là “quan hệ đối tác kinh tế lớn nhất và quan trọng nhất trên thế giới”, song thực tế châu Âu vẫn cần “bắt tay” với Trung Quốc. Và chiến lược thương mại mới là công cụ để châu Âu cân bằng các mục tiêu này trong tương lai.

Nhìn chung, bằng cách củng cố các liên minh trong quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, cùng với sự tập trung mạnh mẽ hơn vào các nước láng giềng và châu Phi, “làm ăn” có nguyên tắc với Trung Quốc, EU hướng tới khả năng định hình sự thay đổi thương mại toàn cầu trong tương lai.  

Tin mới