Chiến thuật có thể giúp tiêm kích Triều Tiên hạ oanh tạc cơ Mỹ

Chiến đấu cơ Triều Tiên có thể tận dụng sự chủ quan của phi công Mỹ để bất ngờ áp sát và bắn hạ B-1B bằng tên lửa.

chien-thuat-co-the-giup-tiem-kich-trieu-tien-ha-oanh-tac-co-my

Tiêm kích MIG-29 của không quân Triều Tiên. Ảnh: Live Journal.

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho ngày 25/9 tuyên bố tại Liên Hợp Quốc rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã "đưa ra lời tuyên chiến" nên Triều Tiên có quyền bắn hạ oanh tạc cơ chiến lược của Washington ngay cả khi chúng không hoạt động trong không phận Bình Nhưỡng, theo Reuters.

Giới phân tích cho rằng mục tiêu mà Triều Tiên nhắm đến trong tuyên bố cứng rắn này là các oanh tạc cơ B-1B Lancer Mỹ thường xuyên tuần tra và diễn tập gần không phận nước nước này. Sau khi Mỹ triển khai máy bay B-1B Lancer bay trên không phận quốc tế dọc bờ biển Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã điều các chiến đấu cơ tới bờ biển phía đông nhằm gửi thông điệp cảnh báo "hiện thực hóa lời đe dọa" với máy bay Mỹ.

Theo Omar Lamrani, chuyên gia quân sự cấp cao của Stratfor, với hệ thống phòng không tương đối cũ kỹ gồm các tiêm kích dòng MiG từ thời Liên Xô cũng như tên lửa đất đối không KN-06 có tính năng tương tự hệ thống S-300 của Nga, Triều Tiên khó có khả năng bắn hạ B-1B Lancer. 

"Các hệ thống phòng thủ trên mặt đất của Triều Tiên khó có thể trở thành mối đe dọa với những oanh tạc cơ có tầm bay cao, đặc biệt khi chúng bay trên biển", Lamrani nhấn mạnh.

chien-thuat-co-the-giup-tiem-kich-trieu-tien-ha-oanh-tac-co-my-1

Oanh tạc cơ B-1B của Mỹ. Ảnh: Reuters.

Chuyên gia của Stratfor cũng cho rằng Triều Tiên hiện không đủ phương tiện trinh sát để theo dõi và phát hiện máy bay Mỹ từ khoảng cách xa. Trong chuyến tuần tra mới nhất, Lầu Năm Góc đã phải cố tình tiết lộ đường bay của B-1B và các chiến đấu cơ F-15C Eagle hộ tống để tránh nguy cơ đụng độ bất ngờ, bởi dường như Bình Nhưỡng không nắm được bất cứ thông tin gì về sự hiện diện của các máy bay quân sự này.

Tuy nhiên, Lamrani cho rằng không quân Triều Tiên có thể áp dụng chiến thuật tấn công bất ngờ, khiến oanh tạc cơ Mỹ không kịp trở tay.

Thông thường các máy bay B-1B khi thực hiện nhiệm vụ gần không phận Triều Tiên sẽ được hộ tống bởi nhiều tiêm kích hiện đại của Mỹ, Hàn Quốc hoặc Nhật Bản có nhiệm vụ cảnh giới và bắn hạ các máy bay đánh chặn của Bình Nhưỡng trong trường hợp nước này phát động tấn công.

Nhưng trên thực tế cả Mỹ và Triều Tiên đang duy trì lệnh ngừng bắn và không ở trong trạng thái chiến tranh, khiến các phi công Mỹ và đồng minh có thể chủ quan trước sự hiện diện ở cự ly gần của chiến đấu cơ Triều Tiên. 

Lợi dụng điều này, tiêm kích Triều Tiên có thể nhanh chóng tiếp cận biên đội máy bay Mỹ và phóng tên lửa bắn hạ oanh tạc cơ B-1B rồi nhanh chóng bay vào đất liền, trước khi các chiến đấu cơ hộ tống của Mỹ kịp hiểu điều gì đang xảy ra.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng hành động này có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh quy mô lớn, dẫn đến kết cục hủy diệt đối với Triều Tiên và có thể là đồng minh Hàn Quốc của Mỹ.

"Triều Tiên là bên đang nắm giữ lợi thế trước tiên, nhưng nếu bắn hạ oanh tạc cơ Mỹ, họ sẽ phải trả giá đắt", Lamrani nhận định.

 Theo VNE 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới