Chiêu trò tung tin ngờ vực của thế lực thù địch nhằm phá hoại lòng tin

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Khi không thể thuyết phục được người đọc bằng những thông tin bịa đặt, xuyên tạc thì các thế lực thù địch lại phá hoại bằng cách tung những thông tin theo dạng ‘hoả mù’, ngờ vực. Trong đó, chúng tập trung vào công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên lĩnh vực kinh tế.

Muôn kiểu tung hỏa mù

Thời gian qua, các thế lực thù địch thường xuyên chống phá nước ta bằng cách xuyên tạc tình hình tại Việt Nam. Trên internet, đặc biệt là mạng xã hội, xuất hiện nhiều bài viết, video clip có nội dung bịa đặt về công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, những luận điệu của chúng đã bị cơ quan chức năng và các cơ quan báo chí truyền thông "bóc trần", "vạch mặt". Từ đó, người dân đã thận trọng hơn trong tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội.

Khi biết không thể thuyết phục, lôi kéo người đọc bằng những thông tin bịa đặt, đổi trắng thay đen, chúng lại "đổi chiến thuật" bằng cách đưa ra những luận điệu gây ngờ vực, tung hoả mù. Đặc biệt, khi công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trên lĩnh vực kinh tế đang đến giai đoạn quyết liệt thì chúng cũng không ngừng chống phá. Rất nhiều bài viết trên các hội, nhóm tung hoả mù rằng: Công an Việt Nam đang hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự ; hoặc: Việt Nam chỉ sẽ "sờ gáy" tất cả các tập đoàn kinh tế; hay là: chống tham nhũng tiêu cực ở Việt Nam chỉ nhằm vào những người không cùng phe cánh… Thậm chí, chúng tung ra các kiểu thông tin dạng thăm dò, cảnh báo như: "Công an sắp sờ gáy một doanh nghiệp bất động sản", "Ông lớn trên thị trường chứng khoán sắp xộ khám", "Ai có tiền ở ngân hàng xxx thì rút ngay nhé!",…

Lực lượng chức năng tới trụ sở Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt thực hiện việc khám xét. Ảnh tư liệu: TTXVN

Lực lượng chức năng tới trụ sở Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt thực hiện việc khám xét. Ảnh tư liệu: TTXVN

Từ đó, chúng nêu ra vấn đề rằng: Càng chống thì tiêu cực thì tham nhũng càng nhiều, kinh tế càng kém phát triển; muốn chống tham nhũng hiệu quả thì cần thay đổi thể chế… Các thông tin dạng ngờ vực này được chúng chia sẻ liên tục trên các nhóm Facebook và biên tập thành các video clip đăng tải trên nhiều kênh youtube, watch để tác động đến người dùng internet. Điều này khiến một bộ phận người dân, nhà đầu tư dao động, làm ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán nói riêng, sự phát triển của nền kinh tế nói chung.

Thực tiễn vạch trần âm mưu thâm độc

Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam đang mang lại hiệu quả rõ ràng. Nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới đánh giá cao Việt Nam trong nỗ lực chống tham nhũng, từ đó tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Một số vụ án điển hình, được dư luận đồng tình cao như vụ Công ty Việt Á, những "chuyến bay giải cứu", mua sắm thiết bị trong lĩnh vực y tế, giáo dục, những sai sót trong quản lí sử dụng đất đai… được phát hiện, xử lí. Qua đó, nhiều tổ chức, cá nhân bị kỉ luật; đã có những cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lí bị khởi tố, bắt giam vì nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Mới đây, ngày 20/10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt tạm giam ông Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai và ông Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai để điều tra về tội nhận hối lộ; khởi tố, bắt tạm giam bà Bồ Ngọc Thu, cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Đây là diễn tiến của việc mở rộng điều tra vụ án được khởi tố cuối tháng 4/2022 đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng một số bị can có hành vi thông thầu, gian lận trong đấu thầu, vi phạm Luật Đấu thầu để AIC trúng 12 gói thầu với tổng giá trị hơn 476 tỉ đồng…

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành (bìa phải) và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái trước thời điểm bị bắt tạm giam. Ảnh: Tư liệu

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành (bìa phải) và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái trước thời điểm bị bắt tạm giam. Ảnh: Tư liệu

Trước đó, từ đầu năm 2022, chúng ta đã xử lí vụ Trịnh Văn Quyết (chủ tịch FLC) với hành vi thao túng thị trường chứng khoán; vụ Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh cùng đồng phạm thông qua phát hành trái phiếu lừa đảo, chiếm đoạt hơn 8.000 tỉ đồng (khoảng 320 triệu USD); vụ Vạn Thịnh Phát với hành vi gian dối phát hành, mua bán trái phiếu, chiếm đoạt hàng nghìn tỉ đồng của nhà đầu tư…

Những vụ việc trên cho thấy, tội phạm kinh tế đã gây thiệt hại khủng khiếp đối với nền kinh tế nói chung, với các nhà đầu tư và người dân nói riêng. Những kẻ lừa đảo siêu hạng đã phù phép vài tỉ đồng thành vốn điều lệ nghìn tỉ để chiếm đoạt tiền của người đầu tư. Nhiều gia đình lâm vào cảnh nát tan, nợ nần chồng chất vì hành vi thao túng thị trường chứng khoán của những đối tượng như Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng…

Việc Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cơ quan chức năng kiên quyết điều tra, xử lí là nhằm ngăn chặn tội phạm, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt cho người dân. Đồng thời, thể hiện rằng: Việt Nam đang quyết liệt lành mạnh hóa, minh bạch hóa các hoạt động đầu tư, kinh doanh và thị trường chứng khoán. Đây là việc làm cần thiết, đúng quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với chuẩn mực pháp lý quốc tế.

Việc kiên quyết điều tra các vụ Trịnh Văn Quyết, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát cho thấy Việt Nam quyết liệt lành mạnh hóa, minh bạch hóa các hoạt động đầu tư, kinh doanh và thị trường chứng khoán. Đồ họa: Trần Lâm

Việc kiên quyết điều tra các vụ Trịnh Văn Quyết, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát cho thấy Việt Nam quyết liệt lành mạnh hóa, minh bạch hóa các hoạt động đầu tư, kinh doanh và thị trường chứng khoán. Đồ họa: Trần Lâm

Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 7-7,5%; lạm phát trung bình thấp hơn so với mục tiêu 4% và thấp so với các nước trên thế giới và khu vực; các hoạt động sản xuất kinh doanh đang phục hồi mạnh mẽ và rộng khắp.Trong buổi gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào ngày 03/10/2022, bà Era Dabla-Norris, Trưởng đoàn giám sát của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định: "Đây là điều chúng tôi không quan sát được ở các nền kinh tế khác, ví dụ, nhiều nước tăng trưởng tốt nhưng lạm phát rất cao. Chúng ta có thể thấy các tin xấu đến hằng ngày nhưng với Việt Nam thì chúng ta có căn cứ để tin tưởng rằng nhìn chung bức tranh kinh tế là tích cực bất chấp các cú sốc bên ngoài. Nếu thực hiện tốt các giải pháp thì Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua năm 2023 rất khó khăn và hướng tới năm 2024 một cách tích cực hơn nữa. Các yếu tố nền tảng của Việt Nam vẫn chắc chắn và các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào Việt Nam".

Thực tế đó cho thấy kết quả, hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ trong thời gian qua. Đặc biệt, việc tập trung đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên lĩnh vực kinh tế đã phát huy hiệu quả cao; góp phần bảo đảm thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tài chính, ngân hàng hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn và phát triển bền vững; bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Tin mới