Chính phủ đóng cửa, nội bộ Mỹ chia rẻ và mâu thuẫn sâu sắc?

(Baonghean) - Chính trường Mỹ vẫn tiếp tục rối như tơ vò khi các phương án được các bên đưa ra, kể cả của Tổng thống Donald Trump đều đã bị bác bỏ. Không đơn giản với lý do hết tiền, việc chính quyền liên bang Mỹ phải đóng cửa ngay trong tháng đầu năm 2018 đã cho thấy một nội bộ chia rẽ và mâu thuẫn sâu sắc của xứ cờ hoa.

Dấu ấn buồn 1 năm cầm quyền

Đúng 0h ngày 20/1, nước Mỹ đã kỷ niệm ngày 1 năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền bằng việc chính quyền liên bang tạm thời ngừng hoạt động. Câu chuyện xuất phát từ chỗ, dù đã được Hạ viện thông qua nhưng Dự luật chi tiêu tạm thời đã không thể vượt qua được cửa ải Thượng viện vào cuối tuần vừa rồi. Bất chấp rất nhiều nỗ lực của Tổng thống Trump trước đó nhằm cứu vãn dự luật, tránh kịch bản chính phủ ngừng hoạt động, các nghị sỹ vẫn quyết định làm khó năm thứ hai cầm quyền của ông Donald Trump.

Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đau đầu về vấn đề người nhập cư - một trong những nguyên nhân dẫn tới mâu thuẫn giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa cũng như việc chính phủ liên bang phải đóng cửa. Nguồn: Los Angeles Times.

Kịch bản xấu lần này trên chính trường Mỹ khiến dư luận đặt ra hàng loạt vấn đề. Trước hết, ai cũng hiểu rằng, hệ lụy của việc chính phủ phải đóng cửa là hàng trăm nghìn nhân viên liên bang sẽ phải nghỉ việc tạm thời. Trong khi đó, hơn 1,3 triệu quân nhân, 95.000 nhân viên Bộ Tư Pháp vẫn sẽ phải làm việc và thực hiện nhiệm vụ nhưng không được trả lương.

Không chỉ vậy, nếu chính phủ ngừng hoạt động trong 1 tuần thì nền kinh tế Mỹ đã thiệt hại khoảng 6,5 tỷ USD. Theo dự báo của Goldman Sachs, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý 1/2018 sẽ giảm 0,2%. Theo Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, việc chính phủ đóng cửa cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động quân sự của Mỹ, trong đó bao gồm cả huấn luyện chiến đấu, bảo trì, bảo dưỡng vũ khí, khí tài và công tác tình báo…

Điều quan trọng nhất là sự việc lần này một lần nữa khiến cho mẫu thuẫn nội bộ chính trường Mỹ bị phơi bày. Trước hết là giữa Tổng thống Trump và phe Dân chủ vốn tồn tại lâu nay. Thể hiện là dự luật ngân sách tạm thời không bao gồm các điều khoản bảo vệ người nhập cư - vấn đề mà phe Dân chủ luôn coi là ưu tiên hàng đầu. Cụ thể hơn, hai phe Dân chủ và Cộng hòa vốn bất đồng về chính sách người nhập cư thông qua “Chương trình trì hoãn hành động đối với người nhập cư Mỹ khi còn nhỏ” - gọi tắt là DACA.

Trong khi phe Dân chủ kiên quyết bảo vệ thế hệ trẻ nhập cư thì Tổng thống Trump và phe Cộng hòa lại có xu hướng hủy bỏ chương trình này. Điều này dễ dàng nhận thấy thông qua hàng loạt chính sách cứng rắn của ông Donald Trump đối với người nhập cư từ khi lên nắm quyền đến nay. Bất chấp việc ngay trước phiên bỏ phiếu, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Charles Schumer đã có cuộc gặp với Tổng thống Trump, hai bên vẫn chưa thể có một tiếng nói chung. Theo ông Charles, chính sự cứng nhắc của ông Trump đã khiến chính phủ rơi vào tình huống khó khăn như vậy. Đáp lại, các nghị sỹ Cộng hòa cũng “phản pháo” và cho rằng, phe Dân chủ thực tế là chỉ muốn tìm kiếm một cú hích cho vấn đề người di cư bất chấp hậu quả có thể xảy ra. Không chỉ mâu thuẫn về vấn đề người nhập cư, hai phe Dân chủ và Cộng hòa còn tranh cãi về hàng loạt vấn đề như chi tiêu quân sự - quốc phòng hay vấn đề chi tiêu nội địa…

Nội bộ Cộng hòa chia rẽ

Điều đáng nói là không đơn giản chỉ tồn tại mâu thuẫn giữa phe Dân chủ và phe Cộng hòa, ngay chính trong các thành phần đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump từ khi ông lên nắm quyền cũng luôn nảy sinh bất đồng và chia rẽ. Mới đây, đề xuất phương án “cứu” chính phủ của ông Donald Trump khi muốn thay đổi luật bỏ phiếu ở thượng viện đã ngay lập tức bị nghị sỹ hàng đầu của đảng Cộng hòa là ông Mitch McConnell bác bỏ.

Anh - Mỹ
Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Charles Schumer trong một cuộc gặp tại Nhà Trắng. Nguồn: AP.
Cần nhắc lại, Đảng Cộng hòa hiện đang chiếm ưu thế ở Thượng viện với 51/100 nghị sĩ. Thế nhưng theo quy định, một số dự luật nhất định chỉ được thông qua nếu nhận được ít nhất 60% số phiếu đồng ý ở Thượng viện. Đề xuất thay đổi của Tổng thống Trump nhắm tới việc tất cả các dự luật sẽ dễ dàng được thông qua khi lưỡng viện Quốc hội vẫn đang nằm trong tay phe Cộng hòa. Thế nhưng, dù khẳng định vẫn ủng hộ ông Trump trong dự luật ngân sách tạm thời, ông Mitch McConnell vẫn quyết định nói “Không” với đề xuất sửa đổi quy định bỏ phiếu của Tổng thống.

Dư luận không quá ngạc nhiên với phản ứng này của ông Mitch McConnell. Bởi phe Cộng hòa dù là đảng của Tổng thống nhưng ngay từ khi tranh cử, rất nhiều nghị sỹ của đảng này đã không “hài lòng” với phong cách cũng như các chính sách của ông Donald Trump. Ngay như nghị sĩ Mitch Connell trong một tuyên bố cũng đã phải ngầm ám chỉ rằng, ông luôn mong đợi một quyết định cụ thể từ Tổng thống, nhưng ông không hề biết rõ đâu sẽ là giải pháp mà Tổng thống sẽ quyết định!

Thực tế, việc chính phủ phải đóng cửa đã trở thành nỗi ám ảnh trong các cuộc thương lượng về ngân sách tại Quốc hội Mỹ trong nhiều năm qua. Và đây là lần thứ 13 chính phủ nước này buộc phải ngừng hoạt động. Nhìn lại lịch sử, lần gần đây nhất chính quyền Mỹ phải tạm ngừng hoạt động trong vòng 16 ngày là năm 2013 dưới thời Tổng thống Barack Obama. Thế nhưng có thể nói, kịch bản này đang trở nên nghiêm trọng và phức tạp hơn nhiều dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Với những gì đang diễn ra, có thể nói sau 1 năm cầm quyền, những “thành tựu” mà ông Trump đã “gặt hái” được đều mang gam màu tối. Đó là nền kinh tế khởi sắc hạn chế, hàng loạt mâu thuẫn nội bộ càng thêm sâu sắc bởi các chính sách gây tranh cãi, cuộc đấu đá tranh giành quyền lực giữa hai phe càng thêm phức tạp… Tất cả đang báo hiệu năm thứ hai cầm quyền của Nhà lãnh đạo Mỹ đầy khó khăn và nhiều thách thức./.

Tin mới