Chính phủ mở rộng đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng của Covid-19

(Baonghean.vn) - Để doanh nghiệp dễ dàng vay vốn trả lương ngừng việc cho người lao động, điều kiện thụ hưởng hỗ trợ đã được sửa đổi.

Ngày 23/10 tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị trực tuyến tập huấn nghiệp vụ triển khai cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho người lao động. Tham dự tại đầu cầu Nghệ An có đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội, Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở LĐTB&XH và các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác.

Tại hội nghị, các đại biểu được phổ biến một số nội dung chính xung quanh Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Hội nghị trực tuyến. Ảnh Việt Phương
Hội nghị trực tuyến tập huấn nghiệp vụ triển khai cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho người lao động tại đầu cầu Nghệ An. Ảnh: Thu Huyền

Theo đó, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do doanh nghiệp, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông gặp  khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng.

Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hàng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1/4/2020 và không quá 3 tháng.

Như vậy, Nghị quyết số 154/NQ-CP mới ban hành đã mở rộng hỗ trợ cho người lao động tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi  thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động,  nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do đại dịch Covid-19.

Dệt may là lĩnh vực thu hút nhiều công nhân lao động. Trong ảnh Sản xuất may mặc tại CCN ở Diễn Châu. Ảnh Thu Huyền
Dệt may là lĩnh vực thu hút nhiều công nhân lao động. Trong ảnh: Sản xuất may mặc tại CCN ở Diễn Châu. Ảnh: Thu Huyền

Về nội dung hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc cho người lao động, Nghị quyết 154/NQ-CP mới ban hành bỏ điều kiện “đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3, Điều 98 Bộ luật Lao động”.

Người sử dụng lao động có doanh thu quý I năm 2020 giảm từ 20% trở lên so với quý IV năm 2019 hoặc doanh thu quý liền kề  trước thời điểm đề nghị xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu  vùng để trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng  12 năm 2020 theo thời gian trả lương thực  tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất vay 0%, thời hạn vay tối đa 12  tháng tại Ngân hàng CSXH.

Người sử dụng lao động trực tiếp lập hồ sơ vay, tự kê khai, chịu trách nhiệm  trước pháp luật về tính chính xác, trung thực về số lao động ngừng việc, số liệu xác định doanh thu đáp ứng điều kiện vay vốn, gửi Ngân hàng CSXH để hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định.

Ông Trần Khắc Hùng - Giám đốc NHCSXH chi nhánh Nghệ An  

Ngoài ra, Nghị quyết 154/NQ-CP cũng sửa đổi nội dung hỗ trợ tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất.

Tương ứng với các nội dung sửa đổi trên, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 32/2020/QĐ-TTg ngày 19/10/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày  24/4/2020 quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện cũng được sửa đổi./.

Tin mới