Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam triển khai Chính phủ điện tử

(Baonghean.vn) - Ngài Yamada - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ trong khả năng có thể đáp ứng nguyện vọng của Chính phủ Việt Nam và chia sẻ với Việt Nam những kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng Chính phủ điện tử.

Sáng 8/1, Văn phòng Chính phủ phối hợp Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm và chính sách mới của Nhật Bản nhằm thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.

Hội thảo do đồng chí Mai Tiến Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Ngài Yamada - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam đồng chủ trì tại điểm cầu chính.

Chủ trì tại điểm cầu Nghệ An có các đồng chí: Đào Quang Thiền - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Phan Nguyên Hào - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.

Tiết kiệm hơn 15.000 tỷ đồng/năm

Đây là Hội thảo lần thứ 3 giữa Văn phòng Chính phủ và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trong lĩnh vực phát triển Chính phủ điện tử (hội thảo lần thứ nhất vào tháng 8/2019, lần thứ 2 vào tháng 2/2020) và là một trong các hoạt động hợp tác, hỗ trợ của Nhật Bản dành cho Việt Nam trong lĩnh vực triển khai Chính phủ điện tử.

Quang cảnh điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Chinhphu.vn
Quang cảnh điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Chinhphu.vn

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã tập trung chỉ đạo quyết liệt triển khai vận hành một số trục thông tin liên thông như: Trục liên thông văn bản quốc gia, Trung tâm báo cáo quốc gia và Trung tâm điều hành thông tin của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hệ thống thông tin phục vụ họp, hội nghị của Chính phủ, Cổng dịch vụ công quốc gia…

Điều đó đã làm thay đổi mạnh mẽ phương thức hoạt động trong các cơ quan Nhà nước, cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp…Qua đó, đã tiết kiệm cho quốc gia hơn 15.000 tỷ đồng/năm.

Doanh nghiệp Nhật Bản khảo sát đầu tư tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê
Doanh nghiệp Nhật Bản khảo sát đầu tư tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Thành công trên có dấu ấn của Chính phủ Nhật Bản, trong đó có đóng góp của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Trong quá trình hợp tác, Nhật Bản đã trên cử chuyên gia hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chính phủ điện tử; hỗ trợ các lớp tạo đào tạo cho cán bộ của Việt Nam tại Nhật Bản; hỗ trợ các trung tâm thông tin của Việt Nam đi vào hoạt động.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định phát triển Chính phủ điện tử là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới và là dư địa để phát triển kinh tế, nền tảng cơ bản để thực hiện khát vọng hội nhập quốc tế của Việt Nam với quan điểm xuyên suốt là xây dựng.

Phát triển Chính phủ điện tử phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch, đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử.

Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi số

Để thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, các bộ, ngành, địa phương cần phát huy vai trò người đứng đầu ưu tiên nguồn lực và gương mẫu đi đầu ứng dụng chữ ký số cá nhân trong xử lý hồ sơ, giải quyết công việc, gửi nhận văn bản điện tử.

Đẩy mạnh xử lý, hồ sơ công việc trên môi trường mạng, tăng cường kết nối, liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp, trong đó tập trung triển khai nhân rộng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc tại các bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Quang cảnh tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê
Quang cảnh tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Triển khai hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình, thủ tục; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Bên cạnh đó, tập trung triển khai các hệ thống thông tin phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương và các hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp.

"Qua trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm như ngày hôm nay, Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước đi vững chắc trong triển khai Chính phủ điện tử, góp phần vào sự phát triển của đất nước, sự phồn vinh của dân tộc và quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam - Nhật Bản", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội thảo, Ngài Yamada - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam nhấn mạnh thêm: Trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, việc triển khai Chính phủ số ngày càng trở nên quan trọng hơn, các giải pháp cung cấp dịch vụ công với nhiều dữ liệu đa dạng giúp các nước thực hiện giãn cách xã hội nhưng vẫn đảm bảo hoạt động của các cơ quan Nhà nước, sản xuất kinh doanh, ngăn ngừa lây lan của dịch bệnh, nỗ lực ứng phó với dịch bệnh.

Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam khẳng định: Chính phủ số là ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng Nhật Bản.

Cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh ứng dựng công nghệ thông tin quản lý đất lý đất đai. Ảnh: Thanh Lê
Cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin quản lý đất đai. Ảnh minh họa: Thanh Lê

"Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ trong khả năng có thể đáp ứng nguyện vọng của Chính phủ Việt Nam, chia sẻ với Việt Nam về kinh nghiệm và kiến thức Chính phủ Nhật Bản tích lũy được. Đồng thời, Chính phủ Nhật Bản mong muốn thông qua các hoạt động, chương trình hợp tác hỗ trợ, viện trợ góp phần giúp Việt Nam xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số" - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho biết.

Tại hội thảo, các đại biểu được truyền đạt 4 chuyên đề: "Kết quả, bài học về công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và nhiệm vụ trọng tâm năm 2021"; "Chính sách mới của Thủ tướng Nhật Bản Suga để phát triển Chính phủ số"; “Kinh nghiệm số hóa dịch vụ công và thủ tục hành chính tại Nhật Bản và "Xây dựng chính sách sử dụng trí tuệ nhân tạo"./. 

Tin mới