Chính phủ thống nhất đề xuất trước mắt chưa bỏ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Đến nay cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; tuy nhiên, trên cơ sở đánh giá kỹ cho thấy thời gian qua diễn biến giá mặt hàng này phức tạp, khó dự báo nên công cụ Quỹ bình ổn giá vẫn cần thiết.
Toàn cảnh phiên làm việc chiều 2/11 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Toàn cảnh phiên làm việc chiều 2/11 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Chiều 2/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV làm việc tại Hội trường Diên Hồng dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Giá (sửa đổi).

Luật giá số 11/2012/QH13 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 thay thế Pháp lệnh giá năm 2002. Sau 9 năm thực hiện, Luật giá đã đi vào cuộc sống, đạt được nhiều kết quả tích cực; đồng thời cũng phát sinh tồn tại, hạn chế, nhất là tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật giá và các Luật chuyên ngành khác có quy định về giá.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Dự thảo Luật giá (sửa đổi) gồm 8 chương, 72 điều, so với Luật hiện hành đã bổ sung 3 chương về nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước; công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và về kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá nhằm củng cố cơ sở pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ này trong thực tiễn.

Dự thảo Luật giá (sửa đổi) đưa ra khỏi Danh mục 14 hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với 4 tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá đã đề ra tại Luật và thực hiện theo cơ chế giá thị trường; đồng thời Chính phủ đề nghị bổ sung 2 mặt hàng vào Danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá là sách giáo khoa và hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh. Như vậy, danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá là 40 nhóm hàng hóa, dịch vụ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự án Luật Giá (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự án Luật Giá (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn

Đối với chính sách về bình ổn giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt trong thực hiện. Các biện pháp bình ổn giá cơ bản được kế thừa như Luật hiện hành, tuy nhiên có điều chỉnh theo nội dung chính sách.

Bên cạnh đó, mặc dù tại dự thảo Luật giá sửa đổi không quy định điều chỉnh trực tiếp đối với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, tuy nhiên do những quy định về lập quỹ bình ổn giá tại Luật cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến tính pháp lý của quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Theo đó, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ đặc thù, được thành lập trước khi có các quy định về quỹ bình ổn giá tại Luật giá. Khác với các Quỹ tài chính khác, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được hình thành và quản lý nhằm mục đích duy nhất là góp phần bình ổn giá xăng dầu; không phát sinh tổ chức bộ máy và không quản lý tập trung. Tổng mức trích lập hàng năm phụ thuộc vào sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước; tổng mức sử dụng phụ thuộc vào diễn biến thị trường, mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô từng thời kỳ và từng thời điểm điều hành giá. Thực tế việc quy định tại Luật giá chỉ có sự ảnh hưởng nhất định, theo hướng tăng cường cơ sở pháp lý của Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Đến nay cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; tuy nhiên, trên cơ sở đánh giá kỹ cho thấy thời gian qua diễn biến giá mặt hàng này phức tạp, khó dự báo nên công cụ Quỹ bình ổn giá vẫn cần thiết. Vì vậy, Chính phủ đã thống nhất đề xuất trước mắt chưa bỏ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu; đồng thời củng cố các cơ chế trong triển khai, tổ chức thực hiện nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng Quỹ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giá (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giá (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, về nguyên tắc việc áp dụng bình ổn giá phải bảo đảm: Bình ổn trên cơ sở điều tiết thông qua các biện pháp kinh tế như điều hòa cung-cầu; đối với một số mặt hàng cần có khung giá phù hợp; kiểm soát tốt biến động giá từ đó kiềm chế lạm phát hoặc giảm phát; hạn chế tối đa can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính, trái quy luật thị trường; hạn chế áp dụng biện pháp hỗ trợ về giá thông qua trực tiếp sử dụng ngân sách nhà nước để bù giá, bù lỗ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết: Đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cần phải đổi mới theo hướng: Việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu nên có thời hạn và thời điểm, tiến tới phải vận hành theo thị trường; Việc điều hành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đòi hỏi linh hoạt, hiệu quả, kịp thời hơn nữa; cần tăng cường trách nhiệm quản lý, đề cao tính công khai, minh bạch trước người dân. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị không tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Các đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An tại phiên làm việc ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội chiều 2/11. Ảnh: Quang Vinh

Các đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An tại phiên làm việc ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội chiều 2/11. Ảnh: Quang Vinh

Về danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; đặc biệt liên quan đến giá sách giáo khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh: Đây là mặt hàng thiết yếu, có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Vì vậy, cần thiết phải kiểm soát, khống chế mặt bằng giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng, để tạo công cụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là người nghèo.

Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Sau đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Tin mới