Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững

(Baonghean.vn) - Ngày 17/8, tại TP. Vinh diễn ra Hội nghị đánh giá kết quả thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp.
Đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Hoàng Vĩnh
Đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Thực hiện Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) và Văn bản số 5337/BNN-TCLN ngày 27/6/2016 của Bộ Nông nghiệp & PTNT về thí điểm chi trả DVMTR đối với cơ sở sản xuất công nghiệp, sau thời gian triển khai, rà soát, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An (Quỹ BVPTR) đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1856/QĐ-UBND ngày 09/5/2017, Quy định thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước trên địa bàn tỉnh.

Và tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức đoàn công tác làm việc trực tiếp tại 12 cơ sở sản xuất công nghiệp được lựa chọn thí điểm, thông qua đó đã trực tiếp truyền tải các thông tin, quy định của Nhà nước về chính sách chi trả DVMTR, đặc biệt là việc thống nhất các nội dung thực hiện thí điểm chi trả DVMTR…

Ông Phạm Bá Hùng - Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An cho hay: Nghệ An là 1 trong 4 tỉnh (Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Lào Cai) thực hiện thí điểm chi trả DVMTR đối với cơ sở sản xuất công nghiệp. Để triển khai có hiệu quả chương trình này, Quỹ đã đàm phán ký Hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng với 10 cơ sở sản xuất công nghiệp. Hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp thực hiện thí điểm trong một năm.

 Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Hoàng Vĩnh
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Qua thực hiện, lượng nước thô để tính tiền chi trả DVMTR của các cơ sở sản xuất công nghiệp chủ yếu căn cứ vào số liệu ghi trong giấy phép khai thác nước mặt do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp phép và quản lý (7 cơ sở). Riêng Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Sông Lam và Nhà máy chế biến tinh bột sắn Yên Thành, nguồn nước sử dụng để sản xuất được cung cấp bởi Công ty CP cấp nước, do vậy khối lượng nước thô để tính tiền chi trả DVMTR căn cứ vào đồng hồ đo nước và hợp đồng mua bán nước.

Đối với Công ty cổ phần Trung Đô, lượng nước thô để tính tiền chi trả DVMTR căn cứ vào sản lượng bê tông thương phẩm thực tế nhân với định mức cấp phối nước sử dụng cho sản xuất bê tông thương phẩm là 0.175m3 nước/1m3 bê tông. Việc thanh toán tiền chi trả DVMTR được thực hiện 6 tháng một lần và hiện tổng số tiền thu được đến thời điểm hiện tại đạt gần 90 triệu đồng.

Hệ thống bể hợp khối xử lý nước sạch tại Công ty CP Cấp nước Nghệ An. Ảnh: Hoàng Vĩnh
Hệ thống bể hợp khối xử lý nước sạch tại Công ty CP Cấp nước Nghệ An. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Bởi đây là lần đầu tiên thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp tại địa bàn tỉnh nên việc xác định đối tượng phải chi trả, mức chi trả, số tiền chi trả, phương thức chi trả bước đầu còn gặp khó khăn. Một số cơ sở sản xuất công nghiệp chưa hiểu rõ được chính sách, tầm quan trọng của việc chi trả dịch vụ môi trường rừng. Vẫn xảy ra tình trạng chậm kê khai, chậm nộp tiền chi trả DVMTR …

Nội dung thí điểm chi trả DVMTR đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp mới chỉ áp dụng cho các cơ sở sử dụng nước mặt từ sông, suối, hồ… mà chưa áp dụng cho các cơ sở sử dụng nước ngầm qua máy bơm. Bên cạnh đó, các cơ sở thuộc diện chi trả DVMTR nằm rải rác trên nhiều huyện trong tỉnh nên kinh phí để thực hiện công tác thu lớn, trong khi đó tiền thu được từ nguồn thu này lại ít.

 Nhà máy bia Sài Gòn - Sông Lam
Nhà máy Bia Sài Gòn - Sông Lam.

Để thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp tại Nghệ An, trong thời gian tới, các cấp, ngành liên quan cần làm rõ tiêu chí xác định giữa cơ sở sản xuất công nghiệp và cơ sở sản xuất nông nghiệp. Trong giấy phép khai thác nước mặt do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp phép có nội dung yêu cầu các công ty phải thực hiện việc lắp đồng hồ đo lưu lượng khai thác, sử dụng nước, tuy nhiên các cơ sở sản xuất công nghiệp này chưa thực hiện, dẫn đến việc xác định lượng nước sử dụng không chính xác. Đối tượng chi trả DVMTR đối với hoạt động sản xuất công nghiệp không nên phân biệt sử dụng nước ngầm hay nước mặt (sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước) nhằm bảo đảm sự bình đẳng, tránh sự so sánh giữa các cơ sở SXCN và thuận lợi khi thực hiện ở cơ sở…

Ông Nguyễn Khắc Lâm - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An cho biết: “Thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, đặc biệt là Hội đồng quản lý Quỹ, việc thực hiện thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với hoạt động sản xuất công nghiệp được triển khai khá thuận lợi và xác định đây là tiềm năng để tạo ra nguồn thu góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ  và phát triển rừng nhằm cung cấp, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất trong những năm tiếp theo”.

Tin mới