Chính sách Giao thông vận tải có hiệu lực từ tháng 9/2017

Quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, định mức vật tư cho một chu kỳ bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô cứu thương... là những chính sách mới có hiệu lực từ đầu tháng 9/2017.

Chính sách Giao thông vận tải có hiệu lực từ tháng 09/2017

Tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô cứu thương

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 27/2017/TT-BYT về quy định tiêu chuẩn và sử dụng xe cứu thương.

Thông tư nêu rõ, xe ô tô cứu thương chỉ được sử dụng cho các mục đích sau đây: Chở người bệnh cấp cứu hoặc đi đón người bệnh cấp cứu; chở thầy thuốc, nhân viên y tế, thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ cấp cứu thảm họa, cấp cứu tai nạn giao thông và các nhu cầu cấp thiết khác của hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh. Không được sử dụng xe ô tô cứu thương ngoài mục đích nêu trên.

Theo Thông tư, xe ô tô cứu thương chỉ được sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên khi có giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên do cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực và khi đang thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ. Xe ô tô cứu thương khi vận chuyển người bệnh ra, vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải tuân thủ các nội quy, hướng dẫn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/9/2017.

Quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 25/2017/TT-BGTVT quy định về biểu mẫu giấy chứng nhận, sổ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cấp cho tàu biển, phương tiện thủy nội địa và sản phẩm công nghiệp sử dụng cho phương tiện thủy nội địa.

Thông tư gồm 5 chương, 13 điều được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thiết kế, chế tạo, sửa chữa, hoán cải, sử dụng và kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường tàu biển, phương tiện thủy nội địa và sản phẩm công nghiệp sử dụng cho phương tiện thủy nội địa. Thông tư không điều chỉnh đối với các tàu biển, phương tiện thủy nội địa chỉ sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh và tàu cá, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2017.

Định mức vật tư cho một chu kỳ bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia

Ngày 7/7/2017 vừa qua bộ GTVT vừa ban hành thông tư 22/2017/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Định mức vật tư cho một chu kỳ bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia ban hành kèm theo Thông tư số 58/2012/TT-BGTVT ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2017.

Quy định về chức danh, nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên và đăng ký thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam

Ngày 28/7/2017, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đã ký ban hành Thông tư số 23/2017/TT-BGTVT quy định về chức danh, nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên và đăng ký thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam.

Thông tư gồm 4 Chương, 57 Điều, áp dụng đối với thuyền viên làm việc tên tàu biển Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đối với thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển nước ngoài chỉ áp dụng khi có những quy định cụ thể trong thông tư này.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2017.

Quy chế An toàn hàng không lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay

Ngày 25/8/2017 Bộ GTVT vừa ký ban hành Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT ngày 30/6/2017 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2011/TT-BGTVT ngày 27 tháng 01 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Bộ Quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay và Thông tư số 03/2016/TT-BGTVT ngày 31 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2011/TT-BGTVT ngày 27 tháng 01 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Bộ Quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay.

Thông tư này bãi bỏ: Thông tư số 41/2015/TT-BGTVT ngày 12 tháng 8 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều trong Phần 12 và Phần 14 của Bộ Quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay ban hành kèm theo Thông tư số 01/2011/TT-BGTVT ngày 27 tháng 01 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Quyết định số 471/QĐ-BGTVT ngày 22 tháng 02 năm 2017 về việc đính chính Thông tư số 03/2016/TT-BGTVT ngày 31 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2011/TT-BGTVT ngày 27 tháng 01 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Bộ Quy chế An toàn hàng không lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay.

Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2017. 

Quy chuẩn về thiết bị nâng trên phương tiện thủy nội địa

Vừa qua, Bộ GTVT có Thông tư 09/2017/TT-BGTVT ban hành quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về thiết bị nâng trên các phương tiện thủy nội địa.

Theo đó, Quy chuẩn QCVN 96:2016/BGTVT quy định các yêu cầu an toàn kỹ thuật (ATKT) về thiết kế, chế tạo, hoán cải, phục hồi; yêu cầu về chứng nhận ATKT… đối với thiết bị nâng trên các phương tiện thủy nội địa.

Các tổ chức và cá nhân thuộc đối tượng áp dụng của Quy chuẩn này gồm:Cơ quan Đăng kiểm Việt Nam; Các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thiết kế thiết bị nâng bao gồm thiết kế cho chế tạo mới, thiết kế hoán cải, phục hồi thiết bị nâng; Các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực chế tạo, sửa chữa, hoán cải và phục hồi thiết bị nâng; Các chủ phương tiện thủy nội địa gồm: các công ty/đơn vị và/hoặc cá nhân hoạt động trong lĩnh vực quản lý, khai thác các thiết bị nâng.

Thông tư 09/2017/TT-BGTVT có hiệu lực kể từ ngày 28/9/2017.

Theo Tri thức trẻ

TIN LIÊN QUAN

Tin mới