Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2017

(Baonghean.vn) - Từ 7/2017 nhiều chính sách mới về lao động, tiền lương, bảo hiểm, thuế, đầu tư bắt đầu có hiệu lực thi hành.

1. Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 chính thức có hiệu lực từ tháng 7/2017

Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua vào cuối năm 2015 nhưng đến ngày 01/7/2017 tới đây mới chính thức có hiệu lực. Bộ luật gồm 20 chương và 341 điều quy định về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực hàng hải như các hoạt động hàng hải, quản lý nhà nước về hàng hải và các hoạt động khác liên quan đến việc sử dụng tàu biển.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tàu Việt Nam phải treo quốc kỳ Việt Nam

Bộ luật Hàng hải quy định rõ 2 loại đối tượng phải treo quốc kỳ Việt Nam, gồm: Tàu biển Việt Nam; Tàu thuyền khác khi hoạt động tại cảng biển Việt Nam

Ngoài ra, tàu quân sự nước ngoài khi đến lãnh hải Việt Nam để đến cảng biển (tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác) phải hoạt động ở trạng thái nổi trên mặt nước và phải treo Quốc kỳ Việt Nam ở vị trí ngang bằng với quốc kỳ của quốc gia tàu mang cờ.

Tàu biển phải có tên và tên không bị trùng

Tàu biển Việt Nam phải được đặt tên và tuân thủ các nguyên tắc sau:

Tên tàu biển do chủ tàu đặt nhưng không được trùng với tên tàu biển đã đăng ký trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam;

Không sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để làm toàn bộ hoặc một phần tên của tàu biển, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó;

Không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Lựa chọn pháp luật để giải quyết xung đột pháp luật

Trong trường hợp quan hệ pháp luật có xảy ra xung đột pháp luật sẽ được áp dụng theo nguyên tắc sau:

Xung đột liên quan đến tổn thất chung thì áp dụng pháp luật nơi tàu biển kết thúc hành trình ngay sau khi xảy ra tổn thất chung đó;

Xung đột liên quan đến tai nạn đâm va, tiền công cứu hộ, trục vớt tài sản chìm đắm xảy ra tại nội thủy hoặc lãnh hải của quốc gia nào thì áp dụng pháp luật của quốc gia đó;

Xung đột liên quan đến hợp đồng vận chuyển hàng hóa thì áp dụng pháp luật của quốc gia nơi hàng hóa được trả theo hợp đồng.

2. Luật đấu giá tài sản 2016 có hiệu lực

Luật đấu giá tài sản 2016 được Quốc hội khóa XIV thông qua vào ngày 17/11/2016 với 8 chương và 81 điều quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản,…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Không đấu giá chứng khoán và tài sản của Nhà nước ở nước ngoài.

Theo quy định, những tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá thì phải thực hiện thủ tục đấu giá theo quy định của Luật đấu giá tài sản 2016, trừ 2 loại là đấu giá đối với chứng khoán và tài sản của nhà nước ở nước ngoài.

Tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá đơn cử như: Tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật; Tài sản là quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; Tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm;

Tiêu chuẩn để được làm đấu giá viên

Để trở thành đâu giá viên đấu giá tài sản phải có đủ các tiêu chuẩn sau: Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt; Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc trên đại học thuộc một trong các chuyên ngành luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng; Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề đấu giá, trừ các trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá như sau:

Người đã là luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, quản tài viên, trọng tài viên có thời gian hành nghề từ 02 năm trở lên; Người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên. Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá.

3. Tăng lương cơ sở từ ngày 01/7/2017

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Nghị định 47/2017/NĐ-CP mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1.210.000 đồng/tháng lên thành 1.300.000 đồng/tháng kể từ ngày 01/7/2017.

Mức lương cơ sở này sẽ dùng làm căn cứ để tính:

- Mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này;

- Mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;

- Các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

4. Hướng dẫn tính lương cán bộ, công chức theo mức lương cơ sở mới

Để thuận tiện trong việc thực hiện mức lương cơ sở mới với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội nên Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 02/2017/TT-BNV (có hiệu lực từ ngày 01/7/2017).

Theo đó, hướng dẫn chi tiết cách tính mức lương, phụ cấp và hoạt động phí đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; đại biểu Hội đồng nhân dân; những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố…

5. Phân bổ lại thời gian làm việc của giáo viên dạy nghề

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đây là quy định đáng chú ý tại Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH về chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, thời gian làm việc của nhà giáo dạy cao đẳng/trung cấp nghề giữ nguyên là 44 tuần/năm theo chế độ tuần làm việc 40 giờ, tuy nhiên phân bổ lại thời gian làm việc cụ thể như sau:

- Thực hiện công tác giảng dạy/giáo dục học viên/học sinh/sinh viên:

+ 32 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng;

+ 36 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ trung cấp.

- Học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa/nâng cao, nghiên cứu khoa học:

+ 08 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng thay vì 12 tuần như trước đây;

+ 04 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ trung cấp thay vì 08 tuần như trước đây.

- Thực tập tại doanh nghiệp/cơ quan chuyên môn: 04 tuần.

Trường hợp không sử dụng hết thời gian học tập, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học thì được quy đổi thời gian còn lại chuyển sang công tác giảng dạy hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác do Hiệu trưởng/Giám đốc giao.

Thông tư này bãi bỏ Mục II Thông tư 09/2008/TT-BLĐTBXH ngày 27/6/2008 và Chương III Thông tư 40/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20/10/2015.

6. Hướng dẫn mới về tỷ lệ hoa hồng đại lý bảo hiểm

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Thông tư 50/2017/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 và Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi 2010. Theo đó:

Các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài trả cho đại lý bảo hiểm tỷ lệ hoa hồng tối đa dựa trên phí bảo hiểm thực tế thu được của từng hợp đồng.

Tỷ lệ hoa hồng tối đa của một số nghiệp vụ bảo hiểm phổ biến:

- Bảo hiểm phi nhân thọ:  Bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại: 5%; Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe máy: 20%

Đối với hợp đồng bảo hiểm trọn gói hoa hồng được tính bằng tổng số hoa hồng của từng nghiệp vụ được bảo hiểm.

- Bảo hiểm nhân thọ nộp phí 01 lần: Bảo hiểm tử kỳ: 15%; Bảo hiểm sinh kỳ: 5%

Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nhóm thì tỷ lệ hoa hồng tối đa bằng 50% các tỷ lệ tương ứng áp dụng cho hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cá nhân cùng loại.

- Các hợp đồng bảo hiểm sức khỏe: 20%.

7. Điều chỉnh khung giá tính thuế tài nguyên

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tư 44/2017/TT-BTC quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau tại Điểm b Khoản 5 Điều 4 Nghị định 12/2015/NĐ-CP . Khung giá tính thuế cụ thể đối với khoáng sản kim loại và không kim loại, sản phẩm của rừng tự nhiên, hải sản tự nhiên, nước và yến sào thiên nhiên được quy định tại các phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 44.

Khung giá nêu trên sẽ được điều chỉnh khi:

- Giá tài nguyên phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với mức giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với mức giá tối thiểu tại khung giá.

- Phát sinh loại tài nguyên mới chưa được quy định.

Bảng giá tính thuế tài nguyên cụ thể do UBND cấp tỉnh ban hành phù hợp với khung giá của Bộ Tài chính.

8. Áp dụng quy định mới về thù lao dịch vụ đấu giá tài sản (ĐGTS)

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tư 45/2017/TT-BTC quy định cụ thể mức tối đa thù lao dịch vụ ĐGTS (hiện hành là phí ĐGTS) tương ứng khung giá trị TS theo giá khởi điểm với TS tại Khoản 1 Điều 4 Luật ĐGTS 2016. Đơn cử như sau:

- Đối với giá trị TS theo giá khởi điểm/hợp đồng dưới 50 triệu đồng thì mức tối đa thù lao dịch vụ ĐGTS là 8% giá trị TS bán được;

- Đối với giá trị TS theo giá khởi điểm/hợp đồng từ 50 triệu đến 100 triệu đồng thì mức tối đa thù lao dịch vụ ĐGTS là 3,64 triệu đồng + 5% trên phần chênh lệch giá trị TS theo giá trúng ĐG với giá khởi điểm;

Xem chi tiết tại Thông tư 45/2017/TT-BTC (thay thế Thông tư 335/2016/TT-BTC ngày 27/12/2016 và bãi bỏ Điều 13 Thông tư 48/2012/TT-BTC ngày 16/3/2012).

9. Cho phép chuyển đổi điểm thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu thành cảng cạn

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đây là nội dung mới nổi bật được quy định tại Nghị định 38/2017/NĐ-CP về đầu tư xây dựng cảng cạn.

Theo đó, khi có nhu cầu chuyển đổi, chủ đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng hải Việt Nam. Hồ sơ gồm:

- Văn bản đề nghị chấp thuận chủ trương chuyển đổi điểm thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu thành cảng cạn.

- Bản vẽ tổng thể thể hiện vị trí điểm thông quan, phương án kết nối mặt bằng phân khu chức năng.

Chậm nhất sau 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận, nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì Cục Hàng hải gửi văn bản hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ.

Nếu hồ sơ hợp lệ, Cục hàng hải lấy ý kiến của Bộ tài chính, UBND cấp tỉnh nơi xây dựng cảng; thẩm định và báo cáo Bộ GTVT.

Chậm nhất sau 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận báo cáo, Bộ GTVT phải có văn bản trả lời chấp thuận chuyển đổi hoặc không đồng ý (nêu rõ lý do).

Tham khảo chi tiết các mẫu văn bản trong quản lý đầu tư cảng cạn tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 38.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới