Chính sách tăng trưởng vẫn hướng theo chiều rộng

(Baonghean) - Năm 2015, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất trong giai đoạn này (6,8%), cao hơn nhiều so với mục tiêu kế hoạch đặt ra (6,2%). 

Sản xuất công nghiệp và tiêu dùng phục hồi
Trong cơ cấu ngành sản xuất cả nước, năm 2015, tỷ trọng nông nghiệp đã giảm; tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng tăng mạnh, từ 6,42% năm 2014 lên 9,64% năm 2015. Trong ngành công nghiệp và xây dựng, sản xuất công nghiệp đã có mức tăng nhanh liên tục từ năm 2012. Chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng 9,8% với đóng góp quan trọng của sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo, và mức tăng tiêu dùng loại hàng công nghiệp chế tạo chế biến đạt gần 12% trong khi các chi phí đầu tư sản xuất như giá nguyên vật liệu, giá xăng đều có xu hướng giảm... là một tín hiệu rất tốt của nền kinh tế năm qua.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư toàn xã hội cũng đã tăng đến 12% so với năm 2014, tương đương 32,6% GDP, tỷ trọng đầu tư trên GDP đã xác định được đà tăng trở lại sau khi đã giảm sâu từ thời điểm bắt đầu tái cơ cấu nền kinh tế năm 2011, trong đó, đóng góp lớn vào mức tăng tổng đầu tư là từ khu vực FDI. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc thiếu động lực vượt qua vùng trũng suy giảm là khá đáng ngại, khi tính trung bình cho 5 năm (2011 - 2015), tốc độ tăng trưởng là 5,8%, so với 6,99% trung bình giai đoạn 5 năm 2006 - 2010, và kém xa giai đoạn trước khủng hoảng 2000 - 2006 là 7,51%. 

Có thể nói, nền kinh tế vẫn ở trong vùng trũng suy giảm, tuy gần đây đã có những dấu hiệu phục hồi, nhưng chưa bền vững, vẫn còn thiếu một số động lực cơ bản để vượt qua vùng trũng này. Đó là chưa kể mô hình tăng trưởng chưa có cải thiện nhiều về chất lượng tăng trưởng, hoặc trong tư duy kinh tế vẫn chưa có được sự cải cách mạnh mẽ như lo lắng của một số chuyên gia.
Nỗi lo về chất lượng tăng trưởng
Theo GS.TS. Ngô Thắng Lợi, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, bàn về tăng trưởng kinh tế 2015 và những “vấn đề” nổi cộm về chất lượng, những tính toán, phân tích dựa trên các số liệu thống kê công bố chính thức cho thấy, tăng trưởng GDP năm 2015 đã tạo điều kiện cải thiện mức thu nhập bình quân đầu người, khoảng cách thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam so với một số nước trong khu vực có xu hướng giảm dần. Điều đáng quan ngại là ngành sản xuất công nghiệp tuy đạt tốc độ tăng trưởng cao (9,64%) và đóng góp nhiều nhất trong cấu trúc tăng trưởng theo ngành, tuy nhiên, đóng góp chính vẫn là các ngành sản phẩm mang tính gia công. Nhìn bề ngoài, các ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất (10,6%) so với mức trung bình của toàn ngành công nghiệp (9,6%). Nhưng đóng góp chính vào tốc độ tăng trưởng này lại là các ngành công nghiệp gia công. 
Trong khi đó, các ngành chế biến từ nguyên liệu trong nước lại nằm trong nhóm tốc độ tăng trưởng trung bình và thấp, ngành dịch vụ chất lượng cao lại tăng trưởng chậm; trong khi đó ngành dịch vụ chất lượng cao đều thấp hơn mức trung bình.
Giảm phụ thuộc vào tăng trưởng nguồn vốn
Ngoài ra, với cấu trúc đầu vào của tăng trưởng vẫn mang nặng tính chất tăng trưởng theo chiều rộng, hơn nữa, lại là tăng trưởng nhờ vào đầu tư, có thể thấy động lực tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua vẫn chủ yếu là yếu tố nguồn lực vật chất (vốn và lao động), đóng góp 76% (so với giai đoạn 2006 - 2010 chiếm 72%) trong cấu trúc tăng trưởng theo đầu vào. Điều này không hợp lý khi mô hình tăng trưởng Việt Nam xác định trong giai đoạn hiện nay hướng đến là mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, hay ít nhất là sự kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu. Còn trong các yếu tố vật chất thì động lực tăng trưởng chính vẫn là vốn (chiếm 57% trong tăng trưởng kinh tế), và hiệu quả đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng còn thấp…
Theo PGS.TS. Trần Thị Vân Hoa (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), nguyên nhân của những “vấn đề” về chất lượng tăng trưởng kinh tế có nhiều, trong đó đề án tái cấu trúc mô hình tăng trưởng cũng như tái cấu trúc DNNN và hệ thống ngân hàng chưa thực sự có hiệu quả; điều này dẫn đến mô hình tăng trưởng năm 2015 vẫn mang nặng dấu hiệu tăng trưởng chiều rộng. Mặc dù đề án tái cấu trúc mô hình tăng trưởng đã được xây dựng và triển khai thực hiện, nhưng nhìn chung mô hình tăng trưởng năm 2015 vẫn chủ yếu dựa vào sự gia tăng vượt trội của các ngành sản xuất cũng như xuất khẩu sản phẩm dựa trên cơ sở khai thác nguồn tài nguyên sẵn có của đất nước, các sản phẩm thô, các sản phẩm mang tính chất gia công dựa vào nguồn lao động vốn có giá trị rất rẻ, năng suất lao động xã hội còn rất thấp, trình độ khoa học, công nghệ yếu kém, chi phí sản xuất trung gian còn cao và có chiều hướng gia tăng trong nhiều năm trở lại đây.
Chính sách tăng trưởng vẫn hướng theo chiều rộng thay vì theo chiều sâu, tập trung vào số lượng thay vì vào chất lượng, điều đó là nguyên nhân dẫn đến tính chất kém hiệu quả và cấu trúc tăng trưởng không bảo đảm yêu cầu chất lượng. Khu vực kinh tế tư nhân vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và nằm trong tình trạng bị chèn ép của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, chúng ta còn bị hạn chế trong việc bảo đảm nguồn lực cho chất lượng tăng trưởng - PGS.TS Trần Thị Vân Hoa phân tích.
Khuyến nghị giải pháp cho năm 2016 và những năm tiếp sau, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhưng gắn với nâng cao chất lượng tăng trưởng theo quan điểm định hướng nói trên, dựa trên những nguyên nhân của hạn chế về chất lượng tăng trưởng thời gian qua, cần phải tiếp tục thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng thích ứng với những điều kiện ở giai đoạn 2016 - 2020. Mô hình tăng trưởng nói trên hàm chứa 3 yếu tố cơ bản là: Mục tiêu cần đạt được của quá trình tăng trưởng kinh tế là: bền vững, hiệu quả và vì con người; Động lực tăng trưởng chính là tạo dựng và phát huy các lợi thế cạnh tranh quốc tế; Phương thức thực hiện: hướng tới dựa trên các yếu tố tăng trưởng theo chiều sâu và trên nền một cơ chế kinh tế thị trường hoàn chỉnh trong một môi trường thể chế trách nhiệm và minh bạch cao.
Bên cạnh đó, việc cần làm là phải tiếp tục tăng cường chính sách đối với khu vực kinh tế tư nhân nhằm tạo điều kiện cho khu vực này trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế, đổi mới hơn nữa các hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế là nhân tố trọng yếu thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân và các loại hình doanh nghiệp tư nhân; bảo đảm các nguồn lực thực hiện nâng cao chất lượng tăng trưởng…
Sông Hồng

Tin mới