Chính thức bỏ điểm sàn, 10 điểm/3 môn vẫn đỗ đại học

Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, khi bắt đầu từ mùa tuyển sinh 2018, tất cả các trường đại học, cao đẳng trên cả nước (trừ trường đào tạo giáo viên) sẽ được tự chủ trong việc xác định điểm chuẩn xét tuyển. Cơ hội vào đại học sẽ mở rộng cho tất cả thí sinh, nhưng kéo theo đó là nỗi lo về chất lượng đào tạo.
Thời gian tới, cơ hội vào đại học sẽ rộng mở với thí sinh, khi các trường ĐH sẽ tự quyết định điểm chuẩn xét tuyển. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn.
Thời gian tới, cơ hội vào đại học sẽ rộng mở với thí sinh, khi các trường ĐH sẽ tự quyết định điểm chuẩn xét tuyển. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn.
Khả năng trường “vơ bèo vạt tép”

Năm 2018, Bộ GDĐT chính thức bỏ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) đối với các ngành không đào tạo giáo viên. Đây là một điểm mới hoàn toàn trong quy chế tuyển sinh mà bộ vừa ban hành.

Những năm qua, vấn đề nên giữ hay bỏ điểm sàn đã gây ra tranh luận đa chiều. Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đều đề nghị Bộ GDĐT bỏ mức giới hạn điểm sàn vì sẽ gây khó khăn đối với nguồn tuyển cho những trường này. Trong khi đó nhiều trường công lập lại vẫn muốn giữ, vì cho rằng điểm sàn của Bộ sẽ là “rào chắn” cần thiết, để nâng cao chất lượng đào tạo ĐH.

Dù còn tranh cãi, nhưng quy định đã được thông qua, các trường chính thức được tự chịu trách nhiệm về những quyết định trong tuyển sinh của mình. Và không loại trừ khả năng, trong thời gian tới sẽ có trường “vơ bèo vạt tép”, bất chấp năng lực, nền tảng của thí sinh để tuyển sinh ồ ạt nhằm tạo nguồn thu, biến nhà trường thành một cỗ máy bán bằng cấp. Thí sinh có thể dễ dàng chọn cho mình một trường ĐH, dù điểm thi 1 môn chỉ ở mức dưới trung bình.

Việc bỏ điểm sàn cũng khiến cuộc đua giữa các trường trở nên căng thẳng. Trong trường hợp một trường muốn giữ thương hiệu và đưa ra điểm chuẩn cao, sẽ có thể lâm vào cảnh khó khăn trong tuyển sinh khi những trường tương đương với mình lại hạ thấp điểm chuẩn xuống thấp.

Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT), việc các trường được tự đưa ra ngưỡng điểm xét tuyển không loại trừ khả năng có trường sẽ lấy điểm chuẩn rất thấp. Tuy nhiên, việc hạ thấp điểm chuẩn cũng đồng nghĩa với việc sẽ hạ thấp uy tín, dẫn tới xã hội và thí sinh nghi ngờ về chất lượng đào tạo. Ông cảnh báo các trường không nên bất chấp tuyển sinh bằng mọi giá.

Tỉ lệ sinh viên có việc làm sẽ quyết định thương hiệu trường ĐH

Theo số liệu vừa được công bố của Bộ LĐTBXH, tỉ lệ thất nghiệp của lao động qua đào tạo đang giảm dần. Nếu như trong quý 3/2017, cả nước có hơn 237.000 lao động có trình độ ĐH trở lên thất nghiệp, thì tới quý 4/2017, con số giảm còn 215.300 người.

Với viễn cảnh các trường sẽ được tự xác định ngưỡng điểm xét tuyển, có thể con số cử nhân thất nghiệp sẽ lại tăng, khi cơ hội được vào ĐH ngày càng rộng mở.

Theo PGS-TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội, thực tế trong mùa tuyển sinh vừa qua đã chứng minh nhiều trường ĐH hạ điểm chuẩn nhưng vẫn không tuyển đủ thí sinh. Lý do là học sinh hiện nay không còn chọn nghề theo cảm tính, không còn tâm lý vào đại học bằng mọi giá.

Vì thế để cạnh tranh, các trường buộc phải nâng cao chất lượng đào tạo, siết chặt đầu ra để đảm bảo sinh viên ra trường có tay nghề, đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm sẽ quyết định thương hiệu, sự sống còn của một trường đại học.

Tin mới