Chính trường Venezuela lại nổi sóng

(Baonghean) - Cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài tại Venezuela cuối tuần bị đẩy lên một nấc thang mới với cuộc tranh giành quyền lập pháp giữa Tòa án Tối cao và Quốc hội. 

Đối đầu giữa Tòa án - Quốc hội 

Sự kiện đánh dấu sóng gió mới trên chính trường Venezuela chính là việc Tòa án Tối cao Venezuela hôm 30/3 tự giành quyền lập pháp sau khi ra phán quyết khẳng định Quốc hội nước này - hiện do phe đối lập nắm giữ - có hành động coi thường tòa án trong nỗ lực chống lại Tổng thống Nicolas Maduro. Động thái này làm nảy sinh bất đồng nghiêm trọng giữa Tổng chưởng lý và cơ quan tư pháp tối cao của quốc gia Nam Mỹ này. Trong khi Tổng chưởng lý Luisa Ortega Diaz cho rằng đây là hành động vi phạm Hiến pháp thì ngược lại, Tòa án Tối cao khẳng định quyết định của mình là bảo vệ trật tự Hiến pháp. 

Tổng thống Nicolas Maduro (trái) và Chánh án Tòa án Tối cao Maikel Moreno trong cuộc họp hôm 31/3. 	Ảnh: Reuters
Tổng thống Nicolas Maduro (trái) và Chánh án Tòa án Tối cao Maikel Moreno trong cuộc họp hôm 31/3. Ảnh: Reuters

Trên thực tế, cuộc đấu giành quyền lực giữa Tòa án Tối cao và Quốc hội đã diễn ra âm ỉ hơn một năm qua, kể từ thời điểm phe đối lập tại Venezuela giành quyền kiểm soát Quốc hội vào cuối năm 2015. Đó là thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có tại “quốc gia dầu lửa” Venezuela khiến tỷ lệ ủng Tổng thống Maduro xuống rất thấp. Kể từ đó, Tòa án Tối cao Venezuela đã bác hầu hết tất cả các quyết định của Quốc hội, đáng chú ý nhất là thay thế vai trò của Quốc hội khi đưa ra phán quyết cho phép ông Maduro thành lập các liên doanh dầu khí mà không có sự phê chuẩn của Quốc hội.

Mới đây nhất, hai ngày trước khi đưa ra phán quyết giành quyền lập pháp của Quốc hội, Tòa án Tối cao cũng vô hiệu quá quyết định của Quốc hội ủng hộ việc Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) áp dụng Hiến chương Dân chủ chống Venezuela với lập luận rằng văn bản này là “vi hiến”. 

Việc Tòa án Tối cao Venezuela giành quyền lập pháp của Quốc hội có nguy cơ tạo ra một cơn địa chấn trong bầu không khí khủng hoảng vốn đã kéo dài tại Venezuela, và Tổng thống Nicolas Maduro hiểu điều đó. Đó là lý do ông đã nhanh chóng tổ chức cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng - cơ quan tham vấn cao nhất về những vấn đề liên quan tới bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước.

Ông đã kêu gọi người dân cảnh giác, không để các thế lực lợi dụng tình hình để tiến hành đảo chính. Tổng thống Maduro cũng khẳng định hành động của Tòa án Tối cao là nhằm “kiềm chế những hành động vi phạm pháp luật của Quốc hội”, đồng thời đảm bảo Hiến pháp, quyền dân sự, chính trị, nhân quyền tại Venezuela vẫn được tôn trọng. 

“Nội công, ngoại kích”

Dù được Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cố gắng bảo vệ, song hành động của Tòa án Tối cao vẫn vấp phải phản ứng dữ dội của phe đối lập. Việc giành được quyền kiểm soát Quốc hội hiện vẫn là một con bài đầy sức mạnh của phe đối lập trong quá trình đàm phán dài hạn với chính phủ về 4 điểm, bao gồm tôn trọng pháp trị và quyền lực chính phủ, nhân quyền và hòa giải, các vấn đề kinh tế xã hội và thời gian biểu tổ chức tổng tuyển cử.

Bởi vậy, chắc chắn phe đối lập không thể để công sức “đổ sông đổ bể” với việc để tuột mất ưu thế về quyền lập pháp vào tay Tòa án, vì vậy họ đã lên kế hoạch tổ chức những cuộc biểu tình đường phố với quy mô lớn để phản đối quyết định của Tòa án Tối cao. Tinh thần quyết tâm của phe đối lập được “tiếp sức” bởi sự phản đối của nhiều quốc gia có tiếng nói trong khu vực. Hàng loạt quốc gia như: Mỹ, Argentina, Brazil, Peru… đều kêu gọi Venezuela cho phép Quốc hội thực thi quyền lập pháp, đối thoại giữa các bên nhằm tái lập trật tự thể chế, thiết lập trật tự dân chủ và tiến hành bầu cử sớm nhất có thể. 

Một nhóm sinh viên biểu tình bên ngoài Tòa án Tối cao tại Caracas, thủ đô Venezuela.	Ảnh: AP
Một nhóm sinh viên biểu tình bên ngoài Tòa án Tối cao tại Caracas, thủ đô Venezuela. Ảnh: AP

Trước sức ép của cộng đồng quốc tế, ngày 1/4, Tòa án Tối cao Venezuela đã phải rút lại tuyên bố giành quyền lập pháp của Quốc hội. Nhưng theo các nhà phân tích, dù “ngòi nổ” mới này đã được tháo gỡ, song mới chỉ là giải quyết phần ngọn. Gốc rễ của cuộc khủng hoảng chính trị của Venezuela hiện nay chính là cuộc khủng hoảng kinh tế đã kéo dài hơn 3 năm qua tại đất nước này.

Điều đáng nói là theo dự báo của các chuyên gia, triển vọng kinh tế của Venezuela trong năm 2017 này cũng không sáng sủa hơn năm 2016 là bao với mức suy giảm dự kiến ở mức trên 10%. Sự trì trệ về kinh tế sẽ tiếp tục là điểm yếu của chính quyền Tổng thống Maduro để phe đối lập khai thác nhằm tìm cách buộc ông phải ra đi hoặc tổ chức bầu cử sớm. Trong khi đó, phe ủng hộ Tổng thống lại cố gắng để duy trì nhiệm kỳ của ông đến tháng 1/2019. Với sự đối đầu về lợi ích, về mục tiêu giữa các phe phái, nên khi “ngòi nổ” này được tháo gỡ, sẽ nhanh chóng có “ngòi nổ” khác phát sinh đe dọa sự ổn định của đất nước Venezuela. 

Hiện nay, chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro vẫn là chính quyền hợp pháp tại Venezuela được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Vì vậy, trọng trách trên vai ông Maduro ở thời điểm này là rất lớn. Theo các nhà phân tích, để khai thông thế bế tắc chính trị hiện nay, chính phủ của ông Nicolas Maduro cần đối mặt với những đòi hỏi thay đổi về cấu trúc chính trị cũng như về quản lý kinh tế.

Tuy nhiên, thay đổi bằng cách nào, đó sẽ là bài toán mà chính các lực lượng chính trị tại Venezuela phải tìm ra trong các cuộc đàm phán do Tòa thánh Vatican và Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) làm trung gian, bởi không ai có thể quyết định tương lai của Venezuela thay cho người dân Venezuela. 

Thúy Ngọc

TIN LIÊN QUAN

Tin mới