Cho ý kiến về đề án phát triển khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi

(Baonghean.vn) - Sáng 28/4, dưới sự chủ trì của đồng chí Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 4 để nghe và cho ý kiến một số đề án, nội dung quan trọng. Dự phiên họp có các đồng chí: Trần Hồng Châu- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Xuân Đường- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Quang cảnh phiên họp.
Đồng chí Hồ Đức Phớc chủ trì cuộc họp
Đồng chí Trần Hồng Châu - Phó bí thư Tỉnh ủy phát biểu.
Đồng chí Trần Hồng Châu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu.
Nguyễn Xuân Đường- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường- Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu

Tại phiên họp, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến về “Đề án Ban hành cơ chế, chính sách để phát triển Khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi được hưởng ưu đãi đầu tư gắn với Khu kinh tế Nghi Sơn”. Tỉnh xác định KCN Hoàng Mai, Đông Hồi là một trong những thế mạnh của tỉnh trong việc thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn từ Nhật Bản. Việc ban hành cơ chế, chính sách để phát triển khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi (tỉnh Nghệ An) gắn với Khu kinh tế Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) sẽ giúp tạo thành một khu kinh tế phát triển toàn diện và bền vững trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế so sánh của Khu kinh tế này để phát triển tổng hợp các lĩnh vực thương mại, dịch vụ du lịch và công nghiệp nặng.

Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc thống nhất với việc trình Thủ tướng Chính phủ Ban hành cơ chế, chính sách để phát triển Khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi được hưởng ưu đãi đầu tư gắn với Khu kinh tế Nghi Sơn. Đồng chí lưu ý trong quy hoạch KCN Hoàng Mai- Đông Hồi được xác định trong đề án cần mở rộng không gian; đề án cần xác định rõ tên gọi hợp lý, làm rõ thẩm quyền của UBND tỉnh và Khu kinh tế Đông Nam. Đề xuất vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu công nghiệp Hoàng Mai- Đồng Hồi.

Liên quan đến “Đề án phát triển cây, con chủ yếu, gắn với cơ chế quản lý đất đai, tạo vùng nguyên liệu chế biến phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020”, kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: UBND tỉnh cần tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu chỉ đạo các sở, ngành liên quan bổ sung, hoàn thiện đề án. Nội dung của đề án cần phải xác định cây con chủ yếu là thế mạnh của Nghệ An để có cơ chế chính sách cho từng loại; gắn với quản lý đất đai hiệu quả, bền vững; nội dung của đề án cần chú trọng quan hệ sở hữu, nhất là quan hệ sở hữu đất đai; tập trung vào giải pháp để đạt được mục tiêu, trong đó chú trọng các giải pháp: Sớm chỉ đạo một cách quyết liệt kịp thời, cổ phần hóa doanh nghiệp theo Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, gắn với nhà sản xuất, giải pháp về quy hoạch, giải pháp về vốn, về hạ tầng, về đất đai, phân bố dân cư, vùng nguyên liệu cần gắn với nhà máy, giải pháp về KHCN... Sau đề án UBND tỉnh cần cụ thể bằng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện đúng hướng và có hiệu quả.

Thanh Lê

Tin mới