Chocolate sẽ “tuyệt chủng” trong vòng 40 năm tới

Cây cacao dự đoán sẽ biến mất vào năm 2050 do nhiệt độ ấm hơn và điều kiện thời tiết trở nên khô hanh hơn. Nếu không có các biện pháp kịp thời, chocolate sẽ không còn được sản xuất trong 40 năm tới.

Cacao là loài thực vật có một "số phận" khá bấp bênh so với những loài cây trồng khác trên thế giới. Chúng chỉ có thể sinh trưởng được ở vùng rừng mưa ẩm ướt rộng 20 vĩ độ về phía bắc hoặc phía nam so với đường xích đạo. Những nơi này có kiểu khí hậu ẩm ướt cũng như lượng mưa ổn định quanh năm. Hơn một nửa chocolate trên thế giới được sản xuất từ hai quốc gia tại Tây Phi là Côte d’Ivoire và Ghana.

Thế nhưng những khu vực này sẽ không thích hợp để trồng cacao trong vài thập niên tới. Vào năm 2050, nhiệt độ tăng cao sẽ khiến những khu vực này trở thành cảnh quan đồi núi, khô hanh và thiếu mưa sẽ khiến sản lượng trồng cây cacao giảm sút.

Do vùng trồng cacao hiện nay sẽ trở nên khô cằn trong vài thập niên tới, nên nếu không có động thái đi trước, ngành công nghiệp chocolate sẽ biến mất. Ảnh: BI.

Nhìn trước được vấn đề này, Myeong-Je Cho là giám đốc của bộ phận nghiên cứu chuyên về gen thực vật tại Đại học California đang làm việc với công ty kẹo Mars để nghiên cứu và tạo ra giống cây cacao mới bằng công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR, có thể chịu đựng được những kiểu thời tiết khắc nghiệt trước khi mọi chuyện diễn biến quá xấu.

Mars, tập đoàn trị giá 35 tỷ USD nổi tiếng với nhãn hiệu bánh kẹo Snickers, nhận thức được những vấn đề này do biến đổi khí hậu gây ra. Vào tháng 9 vừa qua, công ty đã cam kết sẽ đầu tư vào 1 tỷ USD như là một phần của nỗ lực nhằm giảm bớt lượng carbon trong chuỗi cung ứng và kinh doanh của mình lên đến 60% vào năm 2050.

Ngoài ra, công ty còn làm việc với các nhà khoa học để có những giải pháp mang tính khoa học và lâu dài. Nếu mọi thứ diễn ra đúng kế hoạch, cây cacao trong tương lai sẽ không bị héo hay thối khi ở những điều kiện khắc nghiệt, cũng như không cần phải tìm vùng đất canh tác mới.

Các nhà khoa học đang nghiên cứu thay đổi gen trong cây cacao để giúp loài thực vật này chịu hạn tốt hơn. Ảnh: UCB.

Jennifer Doudna, nhà di truyền học ở Đại học California Berkeley, người đã phát minh ra CRISPR, đang hợp tác để chỉnh sửa gen cây cacao với Mars. Bà cũng nhấn mạnh sẽ thay đổi gen thật chính xác để tránh các căn bệnh do rối loạn di truyền gen hay tạo ra những đứa trẻ được lập trình gen sẵn do thức ăn được tạo nên từ thực phẩm biến đổi gen.

Doudna rất khao khát tạo ra những giống cây trồng biến đổi gen nhưng có lợi cho sức khỏe người dùng. Phòng thí nghiệm của bà có nhiều sinh viên trẻ đang tập trung sử dụng CRISPR để đem lại lợi ích cho những nhà nông ở các nước đang phát triển. Hiện bà đã mở công ty và vẫn tiếp tục sứ mệnh là thay đổi DNA để cây trồng có sức chống chịu tốt hơn với thời tiết khắc nghiệt.

Công ty mới của Doudna là Caribou Biosciences sẽ đưa CRISPR vào thực tiễn và hợp pháp, trước mắt sẽ biến đổi gen ở các cây trồng như ngô và nấm. Công nghệ này rất quan trọng nếu chúng ta vẫn muốn tiếp tục dùng nông sản khi Trái Đất nóng lên. Dĩ nhiên không có nghĩa chúng ta có thể bỏ mặc hành tinh này nóng lên như vậy.

Tin mới