Sinh hoạt tư tưởng:

Chống căn bệnh quan liêu

(Baonghean.vn) - Bác Hồ gọi quan liêu là “bệnh giấy tờ, bệnh hình thức, không thực tế, là xa cách quần chúng, không theo đường lối quần chúng, làm không đúng chính sách của Chính phủ và của Đoàn thể”.

Một sự thật đáng buồn là đây đó, bệnh quan liêu, thói cửa quyền, ức hiếp, trù dập quần chúng vẫn đang tồn tại. Đó là những lực cản lớn trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, của Dân, do Dân, vì Dân. Bệnh quan liêu đang tạo ra những khoảng cách, làm tổn thương đến mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân - mối quan hệ “sống còn”, đã được Đảng ta dày công tạo lập, xây dựng và được khẳng định suốt hơn 90 năm qua.

Bác Hồ gọi quan liêu là “bệnh giấy tờ, bệnh hình thức, không thực tế, là xa cách quần chúng, không theo đường lối quần chúng, làm không đúng chính sách của Chính phủ và của Đoàn thể”.

Theo Hồ Chí Minh, người cán bộ mắc bệnh quan liêu còn có biểu hiện như: “Đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề. Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi, đến chốn”. 

Bệnh quan liêu còn dùng chỉ những đối tượng cán bộ, đảng viên, công chức có thái độ, hành vi mệnh lệnh, thay vì giải thích, tuyên truyền. Trong công việc, không bám sát thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ. Từ đó mà làm việc thiếu hiệu quả, đưa ra các chính sách sai lầm. Bệnh quan liêu có hậu quả rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng tới cả bộ máy lẫn Nhân dân.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Quan liêu còn là sự tha hóa quyền lực của cơ quan công quyền. Sự tha hóa này biểu hiện chủ yếu ở bên ngoài là hiện tượng giấy tờ, bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian; ở bên trong là tâm lý hám danh, chạy theo chủ nghĩa thành tích, chạy theo địa vị, chức quyền và lợi dụng địa vị, chức quyền, lợi dụng sơ hở của cơ chế quản lý để mưu cầu lợi ích cá nhân, dẫn tới lạm quyền và lộng quyền.

Bệnh quan liêu với các đặc trưng chủ yếu là “sự thống trị của bàn giấy”, làm việc “đại khái”, hành chính, sự vụ, chỉ chú ý đến hình thức, không chú ý đến bản chất, nội dung của công việc, lấy phương pháp mệnh lệnh hành chính thay cho phương pháp làm việc khoa học, không sâu sát quần chúng, xa rời cơ sở, xa rời thực tế cuộc sống, không coi trọng kiểm tra, giám sát. Cách làm việc như vậy thường không quan tâm đến hiệu quả của công việc. Trong thời đại công nghệ 4.0, bên cạnh lợi thế vượt trội là nhanh, tiết kiệm,... thì kiểu làm việc, nắm tình hình qua báo cáo, qua email, qua điện thoại, chỉ nghe thông tin một phía, từ những người đứng đầu,... càng làm cho bệnh quan liêu, bàn giấy có cơ hội “bành trướng”.

Được biết, có số liệu thống kê trong 10 năm (1960-1969), Bác Hồ có đến 700 cuộc đi công tác cơ sở. Nhiều cuộc, Bác đến thăm không báo trước; hoặc Bác đến cổng sau, đi kiểm tra từng suất ăn trong nhà bếp, hỏi những người lao động, bảo vệ, phục vụ,... những chi tiết rất cụ thể.

Vừa qua, Thủ tướng đi kiểm tra tình hình chống dịch ở các tỉnh phía Nam, cùng người dân gọi vào số điện thoại “đường dây nóng” mấy lần không thấu,... Nếu không mục sở thị, mà qua báo cáo, chắc cũng được nghe là trực 24/24?

Thực tế, ngay khi đã đến cơ sở, việc nghe thông tin nhiều chiều, qua nhiều người thì kết quả đã khác với khi đọc báo cáo hoặc chỉ nghe người đứng đầu cơ quan, đơn vị báo cáo? Như vậy là cách khai thác, cách xử lý thông tin cũng phải có phương pháp và kinh nghiệm thì mới chính xác.

Ngày nay, người ta nói muốn chủ trương, chính sách, nghị quyết sớm đi vào cuộc sống thì mọi chủ trương, chính sách, “nghị quyết đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống”. Nghĩa là mọi chủ trương, chính sách, nghị quyết nếu xuất phát từ nhu cầu đòi hỏi thiết thực của cuộc sống đặt ra, “mang hơi thở của cuộc sống” thì chủ trương, chính sách, nghị quyết ấy sẽ được Dân đồng thuận, đón nhận, hưởng ứng và thực hiện nhanh, hiệu quả.

Nếu cán bộ quan liêu, bộ máy quan liêu thì làm sao nắm bắt được nhu cầu cuộc sống, biết tác động đúng và trúng những nhu cầu của cuộc sống.

Trong hoạt động của cán bộ trong hệ thống chính trị của ta có quy định khá rõ chế độ thông tin, chế độ đi cơ sở. Cần phải dành thời gian thích đáng cho việc đi cơ sở. Đi để nghe Dân nói. Đi để nói cho Dân hiểu. Đi để làm cho Dân tin,...

Việc chống bệnh quan liêu là một yêu cầu thường xuyên, liên tục. Mỗi đảng viên, cán bộ phải nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, phong cách làm việc và năng lực công tác. Rèn luyện phong cách làm việc gần dân, bám sát thực tế. Thực hiện nghiêm chế độ làm việc với cơ sở.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát chế độ đi cơ sở. Nội dung của kiểm tra, giám sát quan tâm chất lượng nắm bắt tình hình, chất lượng tham mưu của mỗi tổ chức, bộ phận, của mỗi cán bộ, công chức.

Trong sinh hoạt, cần thực hiện nghiêm chế độ tự phê bình và phê bình về chống bệnh quan liêu, hành chính sự vụ, “bàn giấy”. Khi ban hành cũng như khi thực hiện các chủ trương chính sách cần nắm vững tâm tư, nguyện vọng chính đáng của công dân, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Tin mới