Chông chênh đường đến giảng đường của nữ sinh người Thái

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Vượt lên những khó khăn, rất nhiều học sinh là người dân tộc thiểu số đã thi tốt nghiệp đạt điểm cao và trúng tuyển vào những trường đại học hàng đầu của cả nước. Nhưng, để được đi học, thực không dễ dàng.

10 ngày sau lịch nhập học chính thức, Xã Thị Hồng Hậu (học sinh lớp 12A1 - Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh) mới từ Lâm Đồng ra Đại học Dược Hà Nội để làm thủ tục. Vì sự chậm trễ này, nên trước đó mấy ngày Hậu đã gọi ra Ban tuyển sinh của nhà trường để xin lùi ngày nhập học. Biết được hoàn cảnh của em, nhà trường đã tạo điều kiện để Hậu được lùi ngày đến nhập trường và không quên dặn dò “cố gắng mà đi học đại học, đừng bỏ dở em nhé”.

Xã Thị Hồng Hậu là học sinh người dân tộc Thái, sinh và và lớn lên tại bản Lau, xã Thạnh Giám, huyện Tương Dương. Cách đây 3 năm, với điểm số khá khiêm tốn, Hậu may mắn thi đậu vào Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh. Những ngày mới vào học, Hậu tự nhận mình là học sinh “yếu kém và nằm ở tốp dưới”. Trong một tập thể, nhiều học sinh khá giỏi, có thành tích học tập tốt, Hậu luôn là một nữ sinh mặc cảm với nhiều tự ti về hoàn cảnh gia đình, về năng lực học tập.

Học sinh Xã Thị Hồng Hậu khi đang học tại Trường PT DTNT tỉnh. Ảnh: NVCC

Học sinh Xã Thị Hồng Hậu khi đang học tại Trường PT DTNT tỉnh. Ảnh: NVCC

Sự tiến bộ của Hậu, bắt đầu từ cuối năm lớp 10 khi dịch Covid-19 bùng phát và Hậu phải học trực tuyến ở nhà, thay vì học tập trung ở trường. Điều này, nghe có vẻ nghịch lý nhưng với Hậu em có lý do riêng để lý giải cho điều này: Ở lớp, nhiều bạn giỏi nên em ngại phát biểu, ngại thể hiện trước đám đông vì sợ sai. Nhưng khi học trực tuyến, em đã mạnh dạn thể hiện chính kiến của mình.

Lấy được sự tự tin, từ năm lớp 11, Hậu bắt đầu học tiến bộ. Để khắc phục hạn chế của mình, Hậu thường xem và làm trước bài tập. Vì vậy, khi lên lớp, nếu thầy cô có giảng bài mới em không còn gặp lúng túng. Sang lớp 12, trong khi nhiều bạn trong lớp mua các gói học trực tuyến trên mạng thì Hậu chủ yếu học thầy cô trên lớp và “canh” những giờ học trực tuyến miễn phí để học thêm vì em không có tiền. Sự cố gắng, nỗ lực của Hậu đã hái quả ngọt khi tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT em đạt gần 26 điểm và cộng với điểm ưu tiên, em có nhiều cơ hội để trúng tuyển vào các trường đại học. Hậu cũng đã mạnh dạn đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Dược Hà Nội.

Gian nan đến giảng đường

Đó cũng là ngôi trường mơ ước của Hậu trong 3 năm học phổ thông nhưng thay vì vui mừng, Hậu lại mang trên vai nỗi âu lo về việc “lấy tiền đâu để học đại học”. Biết trước được tương lai của mình nên đầu tháng 8, ngay sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, Hậu được một người bạn thân giới thiệu ra Hà Nội làm việc với lời hứa “việc nhẹ, lương cao”. Ngờ đâu, đó lại là một cái bẫy khiến một chút nữa em trở thành kẻ lừa đảo, bán hàng đa cấp.

Kể thêm về điều này, Hậu cho biết: Em được bạn giới thiệu ra ở xóm trọ ở Hà Nội và được yêu cầu nạp 300.000 đồng để đặt cọc việc làm. Ở đó, có rất nhiều người làm việc dưới sự chỉ đạo của một chị đã khá nhiều tuổi. Khi gặp em, chị này còn nói “em đừng đi học đại học vì học xong cũng chỉ đi làm thuê. Còn nếu em theo chị em sẽ được làm bà chủ”…

Xã Thị Hồng Hậu đã nhập học Trường Đại học Dược Hà Nội. Ảnh: Vân Anh

Xã Thị Hồng Hậu đã nhập học Trường Đại học Dược Hà Nội. Ảnh: Vân Anh

Nghe thì có vẻ bùi tai nhưng nhìn cảnh khu trọ và những người đang làm việc, Hậu hoài nghi về công ty này. Về tra trên mạng, em đọc ngay được thông tin đây là công ty đa cấp lừa đảo. Sợ có nhiều người sẽ cũng hoàn cảnh với mình, Hậu vào nhóm bạn bè để thông tin cho mọi người cảnh giác. Ngờ đâu, người bạn thân của em cũng đọc được thông tin này và chụp lại màn hình gửi cho những người khác nơi xóm trọ…Từ đó, Hậu bị người đứng đầu quản lý chặt chẽ và hạn chế Hậu sử dụng điện thoại. Trong thời điểm khó khăn, Hậu vẫn cố gắng liên lạc với người nhà và sau đó em được chị gái từ Lâm Đồng ra đón về. Số tiền đặt cọc để xin vào làm công ty cũng không thể lấy lại.

Gặp phải lừa đảo ngay lần đầu tiên bước chân ra Hà Nội, cũng khiến Hậu nản hơn về tương lai của mình. Theo chị gái vào Lâm Đồng, Hậu lại tiếp tục nhận được lời khuyên là không nên học đại học vì không có tiền theo học. Biết hoàn cảnh gia đình chị khó khăn (chị gái Hậu đi làm thuê), Hậu theo chị đi làm ở một nhà vườn ở Lâm Đồng. Sau đó, em lại đi làm thuê ở một quán ăn, tiền thù lao cho một ngày công khoảng 200.000 đồng.

Thời điểm Hậu vào Lâm Đồng cũng là khi các trường đại học bắt đầu công bố kết quả và Hậu biết em đã thi đậu vào Trường Đại học Dược Hà Nội. Vừa mừng lại vừa lo, ngày ngày Hậu vẫn đi làm thuê để gia đình yên tâm. Nhưng đêm về khát vọng được đi học lại thôi thúc em. Trong những ngày ngổn ngang nỗi lo, em đã mạnh dạn nhắn tin cho cô giáo Nguyễn Thị Kiều Hoa - Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh kể về hoàn cảnh của mình và bày tỏ mong muốn được đi học đại học và nhờ thầy cô giúp đỡ.

Em Xã Thị Hồng Hậu đã nhập học tại Trường Đại học Dược Hà Nội nhưng điều kiện còn nhiều khó khăn.

Em Xã Thị Hồng Hậu đã nhập học tại Trường Đại học Dược Hà Nội nhưng điều kiện còn nhiều khó khăn.

Nhận được tin nhắn của Hậu và nhiều học trò khác, cô giáo Kiều Hoa mang trong mình nhiều tâm trạng, bởi chị vừa thương học trò nhưng cũng không biết nhìn vào đâu để lo cho các em một khoản tiền lớn vào đại học. Tuy vậy, trong những lúc các em khó khăn, chị vẫn thường xuyên nhắn tin động viên để Hậu yên tâm, cố gắng chuẩn bị để nhập học vào đại học. Song song với đó, chị cũng liên hệ với các mạnh thường quân, nhờ chính quyền địa phương đến tận nhà Hậu ở Tương Dương để vận động bố mẹ Hậu cho Hậu đi học. Bản thân Hậu, dù biết rằng, việc đi học đại học là điều hết sức gian nan nhưng em cũng chưa bao giờ trách bố mẹ, bởi em biết nhà mình nghèo, nhà tranh vách đất, cơm còn chưa no lấy đâu tiền cho con ra học Hà Nội. Hai chị gái của Hậu, cũng vì đói nghèo nên phải xa quê vào Nam làm ăn, cuộc sống hết sức vất vả.

Vì lo và thương cho cô học trò nhỏ nên cô giáo Kiều Hoa và những người bạn của mình thời gian qua vẫn cố gắng thuyết phục Hậu đi nhập học. Trong khi đó, số tiền hơn 7 triệu đồng để đóng góp, Hậu vẫn chưa thể hoàn thành và xin nhà trường đóng chậm lại. Chưa kể những ngày tháng tới của Hậu sẽ như thế nào khi trước mắt em còn rất nhiều nỗi lo về sách vở, chi phí sinh hoạt và nhiều khoản đắt đỏ khác. Mới đây thông qua nhóm Nghệ nhân và sự kết nối của một số nhà thiện nguyện, Hậu cũng đã nhận được sự giúp đỡ hỗ trợ về học phí và một phần chi phí khác. Tuy vậy, trong hoàn cảnh hiện nay, chặng đường sắp tới của em vẫn còn rất khó khăn…

Trải qua những ngày đầu tiên nhập học gian nan, vất vả và nhận được nhiều sự yêu thương, Hậu lại tự nhủ lòng phải nỗ lực học tập, không phụ lòng thầy cô, gia đình và những người đã giúp đỡ mình. Nữ sinh này cũng dự định sẽ đi làm thêm, sẽ không ngừng phấn đấu để học thật tốt, có học bổng để bớt phần nào chi phí… Đường đến giảng đường của em đã chính thức bắt đầu nhưng phía trước chưa hết khó khăn.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về em Xã Thị Hồng Hậu, Trường Đại học Dược Hà Nội. SĐT: 0374848152.

Số tài khoản: 3710072004 Ngân hàng Quân đội MB

Tin mới