Chống luận điệu xuyên tạc việc từ chức, miễn nhiệm của cán bộ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị đã lợi dụng vấn đề miễn nhiệm, từ chức của cán bộ cấp cao trong các cơ quan Đảng, Nhà nước để đưa ra nhiều thông tin tiêu cực, lệch lạc nhằm thực hiện mục đích chống phá.

Việc miễn nhiệm, từ chức của cán bộ cấp cao trong các cơ quan Đảng, Nhà nước là một trong những hoạt động của công tác xây dựng Đảng, sắp xếp bộ máy Nhà nước. Thế nhưng, lợi dụng vấn đề này, các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị đã đưa ra nhiều thông tin tiêu cực, lệch lạc nhằm thực hiện mục đích chống phá.

Xung quanh lĩnh vực này, Thiếu tá Phí Văn Thanh - Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an có những trao đổi như sau:

P.V: Thưa Thiếu tá Phí Văn Thanh, xoay quanh việc miễn nhiệm từ chức của cán bộ thời gian qua, lực lượng phản động, thù địch đã tung ra những thông tin xuyên tạc như thế nào?

Thiếu tá Phí Văn Thanh: Vấn đề nhân sự, nhất là nhân sự cấp cao trong các cơ quan Đảng, Nhà nước từ lâu vẫn là đề tài thu hút sự quan tâm của dư luận. Đặc biệt, với những vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, chính quyền, việc ai được bổ nhiệm sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai, vận mệnh của dân tộc. Do vậy, mọi sự thay đổi trong công tác nhân sự của Đảng, Nhà nước đều nhanh chóng nhận được sự theo dõi của cộng đồng.

Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ảnh: dangcongsan.vn

Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ảnh: dangcongsan.vn

Lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù địch, các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với chế độ, núp bóng dân chủ, nhân quyền đã lập ra hàng nghìn trang mạng xã hội, nhất là các nền tảng xã hội Facebook và YouTube để truyền tải thông tin xuyên tạc tới quần chúng nhân dân.

Một mặt, chúng vẫn tái diễn luận điệu vu khống cho rằng, đây là kết quả của việc “tranh giành quyền lực”, “đấu đá phe phái”. Mặt khác, chúng tích cực lan truyền các thông tin suy diễn vô căn cứ, lập ngôn, cắt ngọn thông tin, lấy hiện tượng để xuyên tạc bản chất. Chúng cố tình bẻ cong luận điệu, nguỵ tạo luận cứ, luận chứng, nhằm lèo lái công chúng hiểu sai lệch bản chất vấn đề. Theo kiểu “một cán bộ giấu tên cho biết”, “theo giới thạo tin”, “nguồn tin bên lề”…

P.V: Đồng chí đánh giá như thế nào về liều lượng, tần suất, mức độ tinh vi và sự nguy hiểm của những thông tin đó?

Thiếu tá Phí Văn Thanh: Một trong những phương thức hiệu quả nhất của các thế lực thù địch nhằm chống phá chúng ta là sử dụng không gian mạng. Bởi hiện nay, chúng ta có gần 100 triệu dân và số người sử dụng điện thoại thông minh và các phương tiện thiết bị sử dụng mạng xã hội lên tới 70 triệu người.

Đặc biệt, xu hướng tích hợp trí tuệ nhân tạo vào mạng xã hội đang bùng nổ, người xem chỉ cần xem, truy cập vào một trang xấu, độc thì ngay lập tức sẽ được gợi ý xem hàng trăm trang khác có nội dung tương tự. Hiện nay, có khoảng 63% người dùng đọc phải tin tức giả trên mạng, 200 kênh YouTube hàng ngày đăng tải hơn 300 video xấu, độc.

Các thế lực thù địch lập các trang mạng xã hội, nhất là các nền tảng xã hội Facebook và YouTube để truyền tải thông tin xuyên tạc. Ảnh tư liệu

Các thế lực thù địch lập các trang mạng xã hội, nhất là các nền tảng xã hội Facebook và YouTube để truyền tải thông tin xuyên tạc. Ảnh tư liệu

Do đó, việc lan truyền thông tin xấu ngày càng nhanh hơn, nguy hiểm hơn, ngay lập tức tác động đến nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, từ đó gây hoài nghi vào hệ thống chính trị, vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, gieo rắc sự hoang mang, tâm lý bi quan ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân và dẫn đến tâm lý tiêu cực, phản kháng…

P.V: Đồng chí có thể phân tích những chiêu thức điển hình mà các phần tử phản động, thù địch thường sử dụng để làm lung lạc, làm thay đổi suy nghĩ, nhận thức của người dân và cán bộ, đảng viên về vấn đề từ chức, miễn nhiệm nói riêng, công tác cán bộ của Đảng nói chung?

Thiếu tá Phí Văn Thanh: Chúng ta có thể thấy mục đích cao nhất của các đối tượng này là làm nhiễu loạn, bất ổn xã hội, dẫn đến suy yếu thể chế chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội, đối với đất nước và sự nghiệp cách mạng của chúng ta.

Thực chất các hoạt động tuyên truyền của các thế lực thù địch, phần tử xấu là để gây chia rẽ nội bộ. Thông qua việc thường xuyên dựng chuyện, thổi phồng sai lầm, thiếu sót của cán bộ, đảng viên, qua đó, gây hoang mang, tạo bức xúc trong dư luận xã hội, kích động người dân gây mất an ninh, trật tự… hòng hạ bệ uy tín cán bộ, phá vỡ khối đoàn kết trong Đảng, chia rẽ Đảng với dân. Sau quá trình bị tác động bởi những thông tin xấu một cách thụ động thì người dân đã tìm đến các thông tin này một cách chủ động. Đây là việc cực kỳ nguy hiểm.

Cơ quan Công an Nghệ An làm việc với đối tượng đăng tin lên mạng xã hội nội dung sai sự thật. Ảnh minh họa: Đức Vũ

Cơ quan Công an Nghệ An làm việc với đối tượng đăng tin lên mạng xã hội nội dung sai sự thật. Ảnh minh họa: Đức Vũ

P.V: Vậy người dân cần phải làm như thế nào để phân biệt được đâu là thông tin thật, đâu là thông tin sai trái, có tính chất xuyên tạc, chống phá, thưa đồng chí?

Thiếu tá Phí Văn Thanh: Để tích cực phòng, chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, mỗi người cần trang bị cho mình vốn hiểu biết và những kỹ năng cần thiết, như:

- Về hình thức: Người dân cần phải cần xem xét kỹ các tiêu đề của mỗi bài viết; chú ý tới các đường dẫn liên kết; kiểm chứng cơ sở nguồn tin, xem thông tin đó đến từ nguồn nào, nếu đến từ một người lạ, thông tin không rõ ràng cần cảnh giác, có thể xem mục giới thiệu để kiểm tra. Ngoài ra, cần nắm rõ chủ thể đăng tải. Nếu là những nick ảo, không chính danh và nội dung trang có thái độ nhìn nhận không phù hợp với quan điểm chính thống thì cần loại bỏ. Đồng thời, kiểm tra tên miền của trang mạng đăng tải thông tin, thường nguồn phát của thông tin xấu, độc là những trang mạng có tên miền nước ngoài (.com, .org), không có đuôi tên miền Việt Nam “.vn”.

Hình ảnh minh họa: Tư liệu

Hình ảnh minh họa: Tư liệu

- Về nội dung: những thông tin chống phá thường có nội dung gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng, thay đen”, làm lẫn lộn đúng - sai, thật - giả; đó là các dạng thông tin có nội dung không phù hợp về chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong, mỹ tục như: kích động bạo lực, bôi nhọ đời tư, vu khống, tin đồn thất thiệt, thông tin nhảm nhí, rùng rợn…; thông tin cổ vũ, lôi kéo tham gia vào các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, lô đề, cờ bạc, cá độ, vay nặng lãi, tham gia vào các hội kín, nhóm kín trên mạng xã hội dẫn đến vi phạm kỷ luật, pháp luật; thông tin sai trái, độc hại có tính chất tội phạm Tin học như: lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin, mật khẩu, tán phát virus…

P.V: Với đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng cần phát huy vai trò, trách nhiệm như thế nào trong việc chống lại luận điệu xuyên tạc của lực lượng thù địch, phản động, thưa đồng chí?

Thiếu tá Phí Văn Thanh: Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao tư duy biện chứng, tư duy phản biện và nhận thức đúng về những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội; nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận vững vàng, am hiểu thực tiễn chính trị - xã hội đất nước và thế giới sẽ giúp cán bộ, đảng viên vững vàng, tự tin để phản biện, chống lại các thông tin xấu, độc, bảo vệ đất nước, bảo vệ chế độ.

Mỗi cán bộ, đảng viên cũng cần phải có trách nhiệm lan tỏa những thông tin chính thống, chất lượng, chuẩn mực, kiên trì quan điểm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu” thông qua vận động bạn bè, người thân, đồng nghiệp, cộng đồng hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Mặt khác, mỗi cán bộ, đảng viên cần nắm vững các quy định của Luật An ninh mạng, chấp hành tốt các quy định về quyền thông tin, phạm vi thông tin theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 tránh những hành vi vi phạm có khi chỉ là vô tình nhưng gây ảnh hưởng tiêu cực cho bản thân và xã hội. Đồng thời, tích cực tham gia vạch trần, cảnh báo đến người dùng mạng xã hội những biểu hiện xào xáo thông tin, lưu truyền thông tin xấu, độc, thông tin thiếu chính xác…

P.V: Xin cảm ơn Thiếu tá Phí Văn Thanh!

Tin mới