Chốt mức giá đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam

Việc xác định mức giá và lộ trình tăng phí là điều kiện tiên quyết để có thể tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho 8 phân đoạn đường cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP, được triển khai từ nay đến năm 2020.

Đặc thù giá dịch vụ

Giá dịch vụ sử dụng đường bộ là cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền Quốc hội mà Chính phủ muốn các đại biểu Quốc hội thông qua trong Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020, được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày vào cuối tuần này.

Cụ thể, để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho 8 phân đoạn cao tốc Bắc - Nam được lựa chọn đầu tư theo hình thức BOT, cần phải xác định mức giá ngay từ khi phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và xây dựng hồ sơ mời thầu.

Chốt mức giá đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc – Nam.
Chốt mức giá đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc – Nam.

Sở dĩ Chính phủ phải xin cơ chế đặc thù này cho các dự án PPP có thời hạn hoàn vốn kéo dài khoảng 24 năm là bởi theo quy định pháp luật về giá, giá dịch vụ sử dụng đường bộ do Nhà nước quản lý.

Cụ thể, nguyên tắc xác định giá được quy định tại khoản 1, Điều 20, Luật Giá: “Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường; phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, với nguyên tắc: “Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường”, mức giá dịch vụ cần thiết là khoảng 2.500 đồng/PCU/km, không thay đổi trong suốt quá trình kinh doanh khai thác dự án (PCU là phương tiện quy đổi lấy xe 5 chỗ ngồi làm chuẩn).

Tuy nhiên, mức giá 2.500 đồng/PCU/km tại thời điểm bắt đầu kinh doanh khai thác là khá cao, vượt quá sức chi trả của người dân, không thu hút các phương tiện, nên không đảm bảo hiệu quả đầu tư. Trường hợp áp dụng mức giá trung bình hiện nay là 1.500 đồng/PCU/km và không thay đổi trong suốt quá trình kinh doanh khai thác dự án sẽ phù hợp với sức chi trả của người dân, nhưng hỗ trợ của Nhà nước cho các dự án triển khai giai đoạn 2017 - 2020 sẽ tăng khoảng 25.380 tỷ đồng.

Cần cơ sở tiên liệu để đấu thầu

Theo người đứng đầu ngành GTVT, với nguyên tắc mức giá dịch vụ phải “phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển KT-XH của Nhà nước trong từng thời kỳ”, khi đó khung giá đã đấu thầu có thể phải điều chỉnh khi chính sách của Nhà nước thay đổi. Điều này không thể tiên liệu trước, nên không thể tính toán được phương án tài chính để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

“Để có mức giá ban đầu hợp lý, phù hợp với sức chi trả của người dân và tăng sức hấp dẫn thu hút phương tiện sử dụng tuyến đường, đồng thời làm cơ sở để tính toán phương án tài chính và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, kiến nghị Quốc hội cho phép quyết định khung giá dịch vụ ngay từ đầu và mức giá không bị điều chỉnh theo chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ”,  tờ trình của Chính phủ nêu rõ.

Cần phải nói thêm rằng, trong thẩm tra Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất 2 phương án xin ý kiến đại biểu Quốc hội,

Theo đó, phương án 1 - chấp thuận về nguyên tắc xác định cụ thể mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ làm cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật, phù hợp với khả năng chi trả của người dân và khả năng hoàn vốn của nhà đầu tư. Phương án 2 - xác định giá theo thị trường trên cơ sở chỉ số giá xây dựng trong từng thời kỳ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, ý kiến chung trong Ủy ban đề nghị chọn phương án chấp thuận về nguyên tắc xác định cụ thể mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ làm cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật đấu thầu, phù hợp với khả năng chi trả của người dân và khả năng hoàn vốn của nhà đầu tư.

“Đề xuất của Chính phủ và ý kiến chung của Ủy ban Kinh tế liên quan đến mức giá ban đầu là phù hợp với thông lệ quốc tế và là cơ sở để có thể tiến hành đấu thầu cạnh tranh lựa chọn nhà đầu tư”, ông Tống Trần Tùng, Phó chủ tịch Hội Khoa học - Kỹ thuật cầu đường Việt Nam nhận xét.

Theo Báo Đầu tư

TIN LIÊN QUAN

Tin mới