Christopher Miller: Cao thủ chống khủng bố khuấy động chính quyền Trump

(Baonghean) - Vốn là quan chức chống khủng bố hàng đầu trong Hội đồng An ninh quốc gia (NSC), Christopher Miller được đánh giá là một “tay chuyên nghiệp cấp cao, dạn dày kinh nghiệm, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ và kiểm soát được tất cả các tình huống có thể xảy ra”.

Với những thế mạnh hơn người trong tay, sĩ quan quân đội Miller vừa được Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ định làm Giám đốc Trung tâm chống khủng bố quốc gia (NCTC). Theo giới quan sát, động thái này được đánh giá là sẽ góp phần không nhỏ trong việc xoay chuyển cộng đồng tình báo và các chiến lược chống khủng bố của nước Mỹ.

Người thay thế

Trước khi được chỉ định bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc Trung tâm chống khủng bố quốc gia (NCTC), ông Christopher Miller nắm giữ chức phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng, phụ trách các hoạt động đặc biệt và chống khủng bố. Ông Miller sẽ đảm nhận vai trò trước đây do ông Joseph Maguire nắm giữ. Ông Maguire từng lãnh đạo Trung tâm chống khủng bố quốc gia (NCTC) trước khi được bổ nhiệm làm quyền Giám đốc trung tâm tình báo quốc gia Mỹ. Nhưng ông Maguire cũng đã xin từ chức vị trí này mới tháng 2 vừa qua, do những bất đồng quan điểm đối với Tổng thống Donald Trump. Thay thế ông Maguire tại vị trí Giám đốc Tình báo quốc gia hiện nay là Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell - một người ủng hộ mạnh mẽ các chính sách của ông Trump. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo ở Washington D.C, Mỹ, ngày 13/3. Ảnh: THX/TTXVN
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo ở Washington D.C, Mỹ, ngày 13/3. Ảnh: THX/TTXVN

Trước sự thay đổi nhân sự như chong chóng, dư luận đặt câu hỏi, liệu “người thay thế” Christopher Miller có cơ sở nào để gắn bó lâu dài với chính quyền Trump hay không. Và liệu sức nặng của nhân vật này có thể tác động ra sao đến giới tình báo cũng như các chiến dịch tác chiến chống khủng bố đặc biệt, bí mật của nước Mỹ?

Sinh ra và lớn lên tại thành phố Iowa, thuộc tiểu bang Iowa, ông Miller bắt đầu sự nghiệp với tư cách là một bộ binh nhập ngũ trong lực lượng Quân đội dự bị từ năm 1983. Sau đó, ông phục vụ cho Lực lượng Vệ binh Quốc gia tại quận Columbia với tư cách là một cảnh sát quân sự. Năm 1987, ông được ủy nhiệm làm sĩ quan Bộ binh thông qua Quân đoàn Huấn luyện Sĩ quan trừ bị (ROTC), với bằng Cử nhân Nghệ thuật Lịch sử của Đại học George Washington.

Năm 1993, ông chuyển sang Lực lượng tác chiến đặc biệt và phục vụ ở nhiều vị trí từ nhân viên cho đến chỉ huy. Trong đó nổi bật là vai trò chỉ huy của Tiểu đoàn 2, thuộc Lực lượng tác chiến đặc biệt số 5 (SFG). Ông Miller cũng đã tham gia vào các hoạt động chiến đấu ban đầu tại Afghanistan vào năm 2001 và Iraq năm 2003. Ngoài ra, cá nhân ông cũng được cử tham gia rất nhiều chiến dịch khác liên quan đến cả hai chiến trường này, tích lũy vô số kinh nghiệm. Năm 2014, sau khi nghỉ hưu, ông Miller đã làm việc hơn 2 năm với tư cách là nhà thầu quốc phòng chuyên tư vấn và hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị tình báo và hoạt động đặc biệt bí mật, trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Christopher Miller - giám đốc trung tâm chống khủng bố quốc gia Mỹ
Christopher Miller - Giám đốc Trung tâm chống khủng bố quốc gia Mỹ. Ảnh: US Army

Còn ngay trước khi đến với NCTC, ông Miller đã giữ một loạt các vị trí liên quan đến hoạt động tình báo, bao gồm làm trợ lý đặc biệt của Tổng thống về vấn đề chống khủng bố tại Hội đồng An ninh quốc gia (NSC), cũng như trong vai trò của một quan chức giám sát tình báo trong giai đoạn từ tháng 3/2018 đến tháng 12/2019. Ở vị trí này, ông Miller chịu trách nhiệm hoạch định và thực hiện các chính sách cấp chiến lược và hỗ trợ lãnh đạo cấp cao của Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) và Nhà Trắng. Nổi bật nhất, ông Miller đã hoàn thành chiến lược chống khủng bố của Nhà Trắng, trong đó mở rộng phạm vi các mối đe dọa mà Mỹ phải đối mặt bao gồm Iran, lực lượng Hezbollah và cả các lực lượng khủng bố trong nước. Với những đóng góp không mệt mỏi, ông đã nhận được nhiều giải thưởng, bao gồm giải thưởng “Legion of Merit" và ba "Ngôi sao đồng".

Gió có xuôi chiều?

Theo thông báo chính thức của Nhà Trắng, nhiệm vụ chính của ông Miller trong vai trò mới - Giám đốc Trung tâm chống khủng bố quốc gia (NCTC) sẽ là tập trung vào các chính sách liên quan đến việc chống khủng bố của Mỹ. Cụ thể, “trong vai trò này, ông Miller xây dựng việc hướng dẫn và giám sát việc thực hiện tất cả các chính sách, chiến lược và kế hoạch của Bộ Quốc phòng liên quan đến các hoạt động đặc biệt và chống khủng bố”. Những lĩnh vực bao gồm hoạt động hỗ trợ thông tin quân sự, các nguy cơ chiến tranh bất thường, các tác chiến trực tiếp, kế hoạch trinh sát đặc biệt, phòng thủ đối ngoại, hoạt động đặc biệt nhạy cảm, vấn đề phục hồi nhân phẩm hay con tin, săn lùng tàn dư của al-Queda, tạo sức ép cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS...

Biểu tượng Trung tâm chống khủng bố quốc gia Mỹ (NCTC). Ảnh: NCTC
Biểu tượng Trung tâm chống khủng bố quốc gia Mỹ (NCTC). Ảnh: NCTC

Cần nhắc lại, Trung tâm chống khủng bố quốc gia (NCTC) được thành lập ngay sau sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001. Đáng chú ý, đây là một phần của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia với vai trò thống nhất tình báo chống khủng bố nội địa và nước ngoài, đồng thời thúc đẩy hành động của toàn chính phủ để bảo vệ đất nước khỏi các cuộc tấn công. Đáng lưu ý nữa là người tiền nhiệm Joseph Maguire của ông Miller trước đó đã phải từ chức, sau khi Tổng thống Trump tỏ ra không hài lòng về việc một quan chức tình báo đã tổ chức một cuộc họp giao ban về vấn đề an ninh bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 với Ủy ban Tình báo Hạ viện, trong đó cho rằng, Nga đã giành sự "quan tâm" cho ông Trump. Điều đó có nghĩa, chỉ cần một động thái khác biệt về quan điểm hay ý tưởng, sẽ lại có một Giám đốc Miller phải ra đi!

Chưa hết, Nicholas J.Rasmussen - người lãnh đạo Trung tâm chống khủng bố quốc gia (NCTC) giai đoạn 2014 - 2017 bình luận, hiện nay, điều quan trọng nhất của ông Miller hay bất cứ nhân vật nào được đặt vào vị trí này, đó là bảo vệ sự toàn vẹn và độc lập quyết đoán của NCTC như một tổ chức tình báo. Thời gian qua, khi tổ chức khủng bố Nhà nước hồi giáo IS suy giảm, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia đang cân nhắc cắt giảm tài chính và nhân sự cho Trung tâm chống khủng bố quốc gia, chuyển trọng tâm sang các ưu tiên khác như Trung Quốc, Iran hay Nga.

Ông Christopher Miller từng tham gia tại chiến trường Afghanistan vào năm 2001 - Trong ảnh: Quân đội Mỹ tại chiến trường Afghanistan. Ảnh: US Army
Ông Christopher Miller từng tham gia tại chiến trường Afghanistan vào năm 2001. Trong ảnh: Quân đội Mỹ tại chiến trường Afghanistan. Ảnh: US Army

Hiện NCTC gồm khoảng 1.000 thành viên có nhiệm vụ chính là thu thập, tổng hợp và phân tích các thông tin từ các nguồn khác nhau, từ đó đưa ra dữ liệu tổng thể, đề xuất các chính sách chống khủng bố theo từng giai đoạn cho chính phủ. Và theo nhiều ý kiến, thực tế này cần điều chỉnh khi các đối tượng khủng bố đã thay đổi và suy giảm.

Bởi thế, một trong những thách thức của tân Giám đốc Miller đó là thiết lập tiếng nói tự chủ mạnh mẽ về tương lai mô hình phát triển của cơ quan này trong giai đoạn tới. Thế nhưng, việc duy trì nguồn tài chính và nhân lực trong bối cảnh nước Mỹ đang đối diện với nhiều thách thức như dịch bệnh, các cuộc cạnh tranh địa chiến lược khác, thì đây có lẽ là đề xuất mà Tổng thống Trump sẽ khó tán thành. Cho dù đó là tân Giám đốc Christopher Miller hay bất kỳ ai!

Tin mới