Chủ đầu tư nói gì về chất lượng kiên cố hóa trường lớp ở Nghệ An?

(Baonghean.vn) - Chủ đầu tư chương trình kiên cố hóa trường lớp cho rằng, do nhân sự mỏng, việc giám sát của đơn vị không được chặt chẽ. Trong khi đó, năng lực của đơn vị thi công yếu, dẫn đến tiến độ chậm và một số hạng mục có chất lượng không đạt yêu cầu.

Sau khi Báo Nghệ An đặt ra dấu hỏi về chất lượng chương trình kiên cố hóa trường học qua loạt bài viết, đại diện chủ đầu tư, ông Nguyễn Đình Hùng - Phó phòng Quản lý dự án 2 (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Nghệ An) cho biết, đơn vị đã lập tức cử một cán bộ bám sát địa bàn, để giám sát chặt chẽ, đồng thời đẩy nhanh tiến độ khắc phục những công trình bị phản ánh về chất lượng. Cho rằng những phản ánh của Báo Nghệ An là chính xác, đại diện chủ đầu tư hứa sẽ đốc thúc việc khắc phục những hạn chế, để sớm bàn giao, đưa công trình vào sử dụng.

Con đường dẫn vào một điểm trường bị cỏ dại chen lấn. Đây là công trình nằm trong chương tình kiên cố hóa nhưng chưa được bàn giao do chất lượng thấp. Ảnh: Đức Anh
Con đường dẫn vào điểm trường  tiểu học Na Lợt (Trường Tiểu học Nhôn Mai) bị cỏ dại chen lấn. Đây là công trình nằm trong chương tình kiên cố hóa nhưng chưa được bàn giao do chất lượng thấp. Ảnh: Đức Anh

Theo ông Hùng, hiện nay tại điểm Trường Mầm non Tùng Hương (xã Tam Quang, huyện Tương Dương), việc đường dây điện chạy xuyên qua phòng học đã được đơn vị thi công khắc phục.

Theo đó, đơn vị này đã trồng mới cột điện, di dời đường dây chạy ra phía sau trường. “Đơn vị thi công giải thích là do bị chủ đầu tư đốc thúc về tiến độ, trong khi phía điện lực chưa chịu di dời đường dây điện, nên họ “sáng tạo” ra việc xây ngay dưới đường dây điện như thế. Thật không thể chấp nhận được việc thi công ngay dưới đường điện rồi cho nó chạy xuyên qua phòng học như vậy”, ông Hùng nói.

 Để xảy ra những tình trạng như vậy, theo đại diện chủ đầu tư có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chính là năng lực của đơn vị thi công yếu, một số thợ xây thiếu trách nhiệm. Về phần chủ đầu tư, ông Hùng cho rằng, đơn vị cũng nhận trách nhiệm khi đã không giám sát chặt chẽ trong quá trình thi công do nhân sự mỏng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại các công trình bị địa phương và nhà trường phản ứng vì chất lượng thấp ở huyện Tương Dương, phần lớn do 2 công ty chịu trách nhiệm thi công. Đó là Công ty CP Tư vấn xây dựng Alpha có trụ sở ở TP Vinh và Công ty CP Tổng công ty xây dựng Nghệ An có trụ sở tại huyện Nghi Lộc.

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Thanh Đức - Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng Alpha thừa nhận một số công trình trường học do công ty thi công chưa đạt chất lượng và chậm tiến độ.

Đường điện dân sinh chạy xuyên qua phòng học mầm non. Ảnh: Tiến Hùng
Đường điện dân sinh chạy xuyên qua phòng học mầm non. Ảnh: Tiến Hùng
Ông Đức cho hay, công ty này nhận thầu thi công các công trình trường học ở xã Tam Quang, xã Mai Sơn, xã Xiêng My và xã Hữu Khuông. Về vấn đề đơn vị đã thi công tréo ngoe khi cho đường dây điện dân sinh chạy qua phòng học ở điểm Trường Mầm non Tùng Hương, ông Đức cho rằng có phần trách nhiệm của điện lực. Bởi trước đó, đơn vị đã thống nhất với địa phương và điện lực để di dời cột điện. Tuy nhiên, phía điện lực chần chừ nên đơn vị thi công phải tiến hành xây dựng ngay dưới lưới điện.

Tại xã Tam Quang, đơn vị này thi công 2 điểm trường mầm non. Trong quá trình xây dựng, một trong những công nhân của công ty đã nợ người dân địa phương hàng chục triệu đồng không chịu trả. Một thời gian dài, người dân kéo đến các công trình không cho nhóm thợ thi công, gây áp lực để đòi tiền nợ.

Đường diện dân sinh đã được dời ra khỏi phòng học ở mầm non Tùng Hương. Ảnh: Tiến Hùng.
Đường diện dân sinh đã được dời ra khỏi phòng học ở mầm non Tùng Hương. Ảnh: Tiến Hùng.

Giám đốc công ty cho rằng, đó cũng một trong những nguyên nhân khiến tiến độ xây dựng bị chậm. Mới đây, để đưa nhân công vào khắc phục đường dây điện ở điểm trường Tùng Hương, đích thân ông Đức đã phải thương thảo với chủ nợ này.

Lý giải về tình trạng sụt lún, bong tróc nền gạch xảy ra tại điểm trường Tiểu học Huồi Tố 1 (xã Mai Sơn), ông Đức cho rằng, do nhóm thợ thi công ẩu. Ngay sau sự cố đơn vị đã cho người lên đào bới lại đất nền để khắc phục. Nhưng sau đó, tiếp tục xuất hiện các vết sụt lún cục bộ, nhà thầu lại phải tiếp tục đưa người lên sửa chữa.

Điểm trường mầm non bản Tam Liên (xã Tam Quang) có thời điểm bị người dân địa phương ngăn cản không cho thi công do thợ xây dựng công trình nợ tiền. Ảnh: Mỹ Hà
Điểm trường mầm non bản Tam Liên (xã Tam Quang) có thời điểm bị người dân địa phương ngăn cản không cho thi công do thợ xây dựng công trình nợ tiền. Ảnh: Mỹ Hà

Tương tự, tại điểm trường Tiểu học Huồi Xá, mặc dù xây không có trụ nhưng đơn vị thi công vẫn không đan gạch giữa những bức tường giao nhau theo như nguyên tắc xây dựng, mà chỉ xây độc lập rồi móc thép vào, ông Đức cho rằng trách nhiệm do thợ. “Khi xây dựng ở điểm trường đó, giám sát kỹ thuật của công ty xin nghỉ việc, không có người giám sát nên mới xảy ra việc đó.

Sau khi nhận được phản ánh, chúng tôi đã cho đục để đan gạch lại”, ông Đức nói và cho biết, việc khắc phục sửa chữa ở những điểm trường chưa đạt yêu cầu đang được tiến hành rốt ráo. Dự kiến tháng sau sẽ nghiệm thu, bàn giao để đưa vào sử dụng. Về các vết nứt xuất hiện sau khi xây dựng xong không lâu, ông Đức cho rằng nguyên nhân có thể do vật liệu, dùng gạch không nung (gạch táp lô). Tuy nhiên, đơn vị phải chờ vết nứt lớn thêm mới có thể khắc phục được.

Phía chính quyền địa phương và nhà trường ở xã Nhôn Mai không hài lòng vì chất lượng công trình. Ảnh: Mỹ Hà.
Phía chính quyền địa phương và nhà trường ở xã Mai Sơn không hài lòng vì chất lượng công trình. Ảnh: Mỹ Hà.

Còn ông Trương Công Giáp - Phó Giám đốc Công ty CP Tổng công ty xây dựng Nghệ An cho biết, đơn vị đã phê duyệt chi tiết các hạng mục cần phải sửa chữa do không đạt yêu cầu. Trong đó, một số điểm phải thay mới hoàn toàn vì không thể sửa chữa được. Công ty này là nhà thầu thi công 5 điểm trường tiểu học ở xã Nhôn Mai. Tuy nhiên, theo đơn vị thụ hưởng là lãnh đạo xã và nhà trường, cả 5 điểm trường với 20 phòng học này đều “có vấn đề” về chất lượng dù đến nay vẫn chưa bàn giao, chưa đưa vào sử dụng.

Ông Giáp cũng thừa nhận, một số điểm công nhân của ông đã làm “không thể chấp nhận được”. Trong đó, phải kể đến điểm trường tiểu học ở Huồi Cọ. Tại đây, chỉ có 5 phòng học nhưng 3 phòng đã xuất hiện các vết nứt rộng, chạy dài hơn 1m. Các bức tường đã bị rấm, thấm nước nghiêm trọng, mỗi lần mưa, nước mưa đổ xuống mái bê tông rồi thấm dột xuống phòng học... Đặc biệt, các tấm tôn được bắn không khớp, bị bung ra.

Trong khi chờ điểm trường mới được bàn giao, học sinh ở bản Huồi Xá (Mai Sơn) phải học tạm trong những ngôi trường đã xuống cấp. Ảnh: Đức Anh
Trong khi chờ điểm trường mới được bàn giao, học sinh ở bản Huồi Xá (Mai Sơn) phải học tạm trong những ngôi trường đã xuống cấp. Ảnh: Đức Anh

“Công nhân làm quá ẩu, cực kỳ ẩu. Lợp mái tôn mà còn bắn đinh không trúng đường hoành phía dưới thì không chấp nhận được. Lợp tôn là để chống mưa, đằng này lại bị như thế, giờ phải đi chống thấm”, ông Giáp nói về điểm trường ở Huồi Cọ.

Ông Trường Công Giáp cũng nhận trách nhiệm với tư cách lãnh đạo nhà thầu, đồng thời cam kết sẽ sớm hoàn thành việc khắc phục. “Với vai trò là nhà thầu thi công, chúng tôi nhận trách nhiệm. Các thông tin mà Báo Nghệ An đã phản ánh hoàn toàn chính xác, chúng tôi tiếp thu và sẽ sớm sửa chữa xong”, ông Giáp nói.

Chương trình kiên cố hóa trường lớp giai đoạn 2017 - 2020 toàn tỉnh Nghệ An có 86 công trình với tổng số vốn gần 270 tỷ đồng, phần lớn từ trái phiếu Chính phủ. Dự án ban đầu được dự kiến sẽ giao cho các huyện làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, năm 2017, Ban quản lý các dự án chuyên ngành GD&ĐT, được thành lập, trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An. Vì thế, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ủy quyền cho ban này làm đại diện chủ đầu tư.
Tuy nhiên, chưa đầy 3 năm sau khi thành lập, Ban này đã phải giải thể để sáp nhập với 4 Ban quản lý khác thành Ban quản lý dự án các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Nghệ An, do UBND tỉnh quản lý. Ông Nguyễn Mẫu Lương - Giám đốc Ban quản lý các dự án chuyên ngành GD&ĐT tiếp tục được bổ nhiệm làm quyền giám đốc sau khi sáp nhập.

Tin mới