Chủ động giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi có thể tái phát tại nhiều địa phương, để kịp thời phòng, chống bệnh dịch này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành nhiều văn bản quan trọng chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ công tác phòng, chống dịch bệnh, đồng thời, cử các đoàn kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc công tác triển khai phòng, chống dịch ở cơ sở. Cùng đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cấp kịp thời hóa chất, vật tư để xử lý các ổ dịch trong diện hẹp.

Cơ quan chức năng kiểm tra công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại cơ sở. Ảnh: Xuân Hoàng.
Cơ quan chức năng kiểm tra công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại cơ sở. Ảnh: Xuân Hoàng.

Với sự tham mưu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 21/CĐ-UBND ngày 11/8/2023 về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn trái phép qua biên giới vào tỉnh Nghệ An; Công văn số 7296/UBND-NN ngày 30/8/2023 về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh và sử dụng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi; Công văn số 8276/UBND-NN ngày 29/9/2023 về việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản trong mùa mưa bão; Báo cáo số 606/BC-UBND ngày 18/8/2023 về kết quả rà soát và đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật.

Mặc dù vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh phát sinh một số ổ dịch tả lợn châu Phi nhỏ lẻ tại một số địa phương với quy mô nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp chống dịch, xử lý kịp thời, khống chế trong diện hẹp. Trong đó, khẩn trương lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm kịp thời, sớm có kết quả, cung ứng vật tư phòng, chống dịch.

Nguyên nhân xảy ra một số điểm bệnh dịch tả lợn châu Phi vừa qua, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, các ổ dịch xảy ra tại các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ chưa đảm bảo điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. Trong khi đó, mầm bệnh tồn lưu trong môi trường chăn nuôi nhiều, công tác tiêu độc, khử trùng chưa được thường xuyên, vật nuôi bị mắc bệnh chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh… Đặc biệt, có hiện tượng một số hộ chăn nuôi do thiếu hiểu biết về bệnh dịch tả lợn châu Phi, nên khi có lợn bị ốm đã không báo cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y mà tự ý bán lợn ốm cho thương lái mang đi tiêu thụ. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến bệnh dịch bùng phát và lây lan ra diện rộng.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát đã gây thiệt hại đến kinh tế cho nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn. Ảnh: Xuân Hoàng.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát đã gây thiệt hại đến kinh tế cho nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn. Ảnh: Xuân Hoàng.

Để người dân chăn nuôi nhận biết được dấu hiệu vật nuôi bị bệnh dịch tả lợn châu Phi và cách phòng, chống, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền. Nếu xảy ra ổ dịch, phải xử lý kịp thời, quyết liệt, triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan. Bố trí địa điểm tiêu hủy lợn, sản phẩm của lợn tiêu hủy do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng quy định. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức để cán bộ, đảng viên, các tổ chức, người chăn nuôi và cộng đồng nắm vững, nắm chắc, hiểu rõ mức độ nguy hiểm, các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và các chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và sự chỉ đạo của cấp có thẩm quyền trong phòng, chống dịch bệnh.

Ông Đặng Văn Minh – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Nghệ An là địa phương có tổng đàn lợn hơn 981.000 con. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, hiện nay, thời tiết đang bước vào mùa mưa bão, sắp tới có thể có các đợt rét đậm, rét hại bất thường làm giảm sức đề kháng, sức khỏe của đàn vật nuôi, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển và gây bệnh; trong khi đó, chăn nuôi, giết mổ, buôn bán chủ yếu nhỏ lẻ, chưa đảm bảo yêu cầu phòng dịch; mầm bệnh lưu hành nhiều trong môi trường chăn nuôi… Do đó, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh và lây lan trong thời gian tới rất cao.

Phun chất khử trùng môi trường tại nơi xẩy ra ổ dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Xuân Hoàng.
Phun chất khử trùng môi trường tại nơi xẩy ra ổ dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Xuân Hoàng.

“Để phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi cần thực hiện các giải pháp tiêu độc, khử trùng môi trường, mua con giống rõ nguồn gốc, sạch bệnh… đặc biệt là tiêm phòng vắc-xin. Chính quyền địa phương các cấp cần chỉ đạo cả hệ thống chính trị tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu về sự nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đặc biệt, hiện nay, Việt Nam đã có vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, đã được nhiều tỉnh, thành phố triển khai tiêm trong diện rộng và cho kết quả an toàn và hiệu lực”, ông Đặng Văn Minh khuyến cáo.

Từ tháng 5/2022 đến nay, Việt Nam đã có 2 loại vắc-xin dịch tả lợn châu Phi (NAVET-ASFVAC do Công ty CP Thuốc thú y Trung ương NAVETCO nghiên cứu, sản xuất và AVAC ASF LIVE do Công ty CP AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất) được đăng ký và cấp Giấy chứng nhận lưu hành theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các tiêu chuẩn kỹ thuật của quốc tế đối với vắc-xin thú y. Đây là những vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi thương mại đầu tiên được cấp phép lưu hành. Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, hiện nay, đã có hơn 40 tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước được tiêm vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Lợn được tiêm phòng đều khỏe mạnh và sinh trưởng bình thường, tỷ lệ lợn được tiêm vắc-xin có đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể cao, đạt trung bình trên 95%.

Khi xẩy ra dịch, các địa phương thực hiện các giải pháp phòng chống dịch theo quy định của cơ quan chuyên môn. Ảnh: Xuân Hoàng.
Khi xẩy ra dịch, các địa phương thực hiện các giải pháp phòng chống dịch theo quy định của cơ quan chuyên môn. Ảnh: Xuân Hoàng.

Vì vậy, để hạn chế tối thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra, trước hết người chăn nuôi cần thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của cơ quan thú y.