Chủ tịch huyện vùng biên tìm trường giúp thanh niên học nghề

(Baonghean.vn) -  Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Thanh Hoàng cho biết đã làm việc với 2 trường nghề trên địa bàn TP.Vinh để liên kết tuyển sinh đào tạo nghề cho thanh niên huyện.

Đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đến khảo sát trực tiếp tại gia đình hộ nghèo ở xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Thành Duy
Đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đến khảo sát trực tiếp tại hộ nghèo ở xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Thành Duy

Chiều 13/4, giải trình với đoàn giám sát của HĐND tỉnh về công tác đào tạo nghề, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, mỗi năm địa phương này có khoảng 1.000 học sinh tốt nghiệp cấp 3 và cấp 2 nhưng không tiếp tục học lên cần giải quyết việc làm.

Chia sẻ câu chuyện đau lòng là thanh niên huyện đi đào vàng ở Quảng Nam và xảy ra tai nạn lao động dẫn đến tử vong trong năm 2016, ông Hoàng nêu lên sự bức thiết trong hướng nghiệp, đào tạo nghề cho thanh niên địa phương nhằm giảm nghèo bền vững.

Ngày 13/4, đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh do đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã đến giám sát kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 -2016 tại huyện Kỳ Sơn. Cùng đi có đồng chí: Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh; Nguyễn Thanh Hiền - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, cùng lãnh đạo các ban HĐND tỉnh và một số ngành của tỉnh.

Từ thực tế đó, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết đã trực tiếp làm việc với trường Cao đẳng GTVT miền Trung và Trường cao đẳng nghề số 4, Bộ Quốc phòng ở TP.Vinh để tuyển sinh đào tạo nghề cho thanh niên địa phương. Các trường này đã lên khảo sát tại địa bàn huyện.

Tuy nhiên, đánh giá vấn đề khó khăn nhất trong công tác giảm nghèo, trong đó đào tạo nghề là phải thay đổi tư duy, nhận thức của người dân để không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Kỳ Sơn đang triển khai công tác tuyên truyền đến tận bản, dự kiến hoàn thành trong quý II/2017 về các nội dung hướng nghiệp dạy nghề để việc đào tạo thực sự hiệu quả, đối tượng đi học không bỏ học giữa chừng.

Lãnh đạo huyện cũng đã giao phòng GD&ĐT giao cho giáo viên chủ nhiệm tư vấn học nghề cho học sinh. “Cốt lõi nhất để làm sao cho họ tự đi học, tự nguyện để phát triển kinh tế, nếu bằng một quyết định hành chính để "ép" họ thì không bền”, ông Hoàng nói và cho biết thêm, Ban Thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện xác định việc tuyên truyền, tư vấn để thay đổi nhận thức là vấn đề cốt lõi để phát huy nội lực nhằm thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững.

Bởi trước đó, theo báo cáo của huyện Kỳ Sơn, tổng kinh phí huy động thực hiện chương giảm nghèo trong giai đoạn 2012 – 2015 hơn 641 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương hơn 532 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 86 tỷ đồng.

Đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo huyện Kỳ Sơn
Đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo huyện Kỳ Sơn

Hiện nay, Kỳ Sơn đang triển khai các chính sách giảm nghèo Quyết định số 1722/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020.

Nguồn lực này giúp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trường, lớp học, đường giao thông, các công trình thuỷ lợi, nước sinh hoạt… đã từng bước được đầu tư xây dựng. Đến nay, tất cả các xã của huyện đã có điện lưới quốc gia vào đến trung tâm, trong đó 85/193 bản đã có điện, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên, Kỳ Sơn vẫn còn là một trong những huyện nghèo nhất cả nước, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc. Địa phương này còn 20 xã và 172 bản đặc biệt khó khăn. Đến cuối năm 2016, huyện còn 9.322 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 60,24%; 2.040 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 13,18%.

Có những nguyên nhân khách quan và chủ quan được chỉ ra như: Trình độ, năng lực quản lý của một số ngành cấp huyện và cơ sở còn hạn chế; thiếu cán bộ chuyên môn có năng lực; các ban quản lý là kiêm nhiệm nên trách nhiệm chưa cao.

Việc tiếp cận các dịch vụ sản xuất nông nghiệp, như khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư của các hộ nghèo còn nhiều hạn chế. Các mô hình kinh tế có hiệu quả chưa được đầu tư nhân rộng, phát triển theo hướng hàng hóa...

“Tư tưởng trông chờ, ỷ lại vẫn còn trong một bộ phận không nhỏ cán bộ và nhân dân, dẫn đến không muốn ra khỏi danh sách hộ nghèo. Phong trào thi đua làm kinh tế giỏi còn chưa sâu rộng trong quần chúng nhân dân”, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Vi Thị Quyên thẳng thắn nói.

Tại cuộc làm việc, các ý kiến đã tập trung thảo luận, phân tích về việc thực hiện các chính sách công tác giảm nghèo như: xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế, đào tạo nghề, cho vay sản xuất trên địa bàn huyện Kỳ Sơn.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lê Hồng Vinh cho rằng, Kỳ Sơn cần đánh giá lại tiềm năng, lợi thế của huyện, từ đó để gắn với xây dựng mô hình để giảm nghèo bền vững.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền chia sẻ những khó khăn về điều kiện tự nhiên, địa lý của huyện Kỳ Sơn, song huyện đã đạt được nhiều kết quả rõ nét trên các lĩnh vực, nhất là chuyển biến về hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, xóa nhà dột nát... qua đó nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.

Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Đồng chí Lê Hồng Vinh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Mặt khác, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị huyện Kỳ Sơn tiếp thu các ý kiến của thành viên đoàn giám sát để hoàn thiện báo cáo gửi HĐND tỉnh. Trong đó, huyện cần rà soát và đánh giá đầy đủ mức độ hiệu quả các chính sách giảm nghèo triển khai trên địa bàn như: đào tạo nghề, vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội, vai trò quản lý Nhà nước trong xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng; xác định những trọng tâm, trọng điểm trong đầu tư phát triển kinh tế.

Sáng cùng ngày, đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh chia thành 2 tổ thực hiện giám sát công tác giảm nghèo tại xã Hữu Lập và Hữu Kiệm của huyện Kỳ Sơn. Xã Hữu Lập còn 309 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 49,7%. Xã Hữu Kiệm còn 399 hộ nghèo, chiếm 39,12%.

Đoàn giám sát đã đến tìm hiểu thực tế một số hộ tái nghèo, các hộ thoát nghèo và làm việc với lãnh đạo xã về thực hiện các chính sách xóa đói giảm nghèo.

Kỳ Sơn đặt mục tiêu phấn đấu cuối năm 2017, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 55%, thu nhập bình quân đầu người 18 triệu đồng/năm và đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 40%, và thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/năm.

Thành Duy

TIN LIÊN QUAN

Tin mới