Chủ tịch Quốc hội: 'Bảo ký mà không được nói gì thêm thì làm sao ký được'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh điều này khi thảo luận dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán Nhà nước; đồng thời đề nghị rà soát kỹ quy định để đảm bảo tính khả thi.

"Dễ thì đã làm lâu rồi"

Góp ý vào dự thảo tại phiên họp 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 13/2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác chuẩn bị của Kiểm toán Nhà nước - cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đến nay vẫn chưa có văn bản nào quy định về vấn đề xử phạt hành chính trong lĩnh vực này. Đây là lĩnh vực đặc thù, khó, vì “dễ người ta đã làm lâu rồi”.

Dự thảo thể hiện 7 nhóm loại hành vi vi phạm (là các hành vi phổ biến, xảy ra thường xuyên trên thực tế). Đối với mỗi hành vi thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt hành chính bao gồm phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền (đến 50 triệu đồng đối với cá nhân và đến 100 triệu đồng đối với tổ chức). Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ phạm vi, xử phạt ai, cái nào bị xử phạt theo quy định của pháp lệnh này, hành vi nào theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, trường hợp nào theo Luật Cán bộ, công chức…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

“Trong này chưa được rõ lắm, do đó lấn sang cả chuyện biện pháp khắc phục, như quy định nộp lại số tiền được hưởng lợi do hành vi vi phạm. Ví dụ người ta hối lộ, mua chuộc thì chỉ ông kiểm toán viên, người nhà kiểm toán viên mới được hưởng lợi chứ không đi mua chuộc có được hưởng lợi đâu? Vậy thì chủ thể phải là anh nhận tiền mà chưa đến mức bị xử lý hình sự” – ông Vương Đình Huệ phân tích và lưu ý “quy định ban hành mà anh em lúng túng không vận hành được cũng gay”.

Hay hành vi mua chuộc, hối lộ nhưng mới qua “trung gian” mà chưa đến người nhận theo quy định thì xử lý thế nào, theo ông, cũng phải cần làm rõ.

Liên quan quy định xử phạt hành vi không ký biên bản kiểm toán, ông Vương Đình Huệ chia sẻ, thời gian giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước ông chứng kiến có những người dứt khoát không ký biên bản, không ký báo cáo.

“Bảo anh ký vào đây nhưng không nói gì thêm thì làm sao mà ký được, bút sa gà chết. Nhưng nếu có bảo lưu thì người ta sẽ ký xác nhận cuộc làm việc, đồng ý với điểm nào, bảo lưu ý kiến điểm nào. Như vậy ngang bằng cả về quyền và trách nhiệm. Người ta phải có quyền của người ta chứ, đến lúc đó anh đè ra phạt, bảo ký vào đây không được nói gì thêm thì làm sao ký được” – ông Vương Đình Huệ nói.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát kỹ, nhất là về tác động, tính khả thi và khi “các giải trình được cái này thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới yên tâm bấm nút thông qua dự thảo, nếu không ban hành ra chỉ giải quyết được một “khe” rất hẹp”.

Can thiệp hoạt động kiểm toán: Phạt ai?

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng băn khoăn về tính khả thi ở một số điều khoản, nhất là về biện pháp khắc phục.

Dẫn quy định hành vi vi phạm che giấu hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán, ông Nguyễn Phú Cường lưu ý phạm vi, nội hàm rất lớn nên việc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp là rất khó vì một số trường hợp không hưởng lợi, vô tình.

Hay xử phạt không thực hiện một số kiến nghị kiểm toán, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, có một số kiến nghị kiểm toán không thực hiện được mà bị phạt tiền thì không thỏa đáng.

“Đến giờ này nhiều kiến nghị kiểm toán không thực hiện được. Ví dụ thu hồi doanh nghiệp này 50 triệu, 100 triệu mà doanh nghiệp phá sản rồi thì không thực hiện được. Hoặc một số kiến nghị chưa sát thực tế cũng không thực hiện” – ông Cường nói.

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.

Quy định xử phạt hành vi can thiệp trái pháp luật vào kết luận kiểm toán, theo ông Cường, cũng chưa rõ: “Bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh, bộ trưởng không can thiệp được; chỉ có tổng kiểm toán, phó tổng kiểm toán can thiệp được. Cái này phạt ai đây?”

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị làm rõ sự khác nhau giữa hành vi không cung cấp thông tin tài liệu và hành vi từ chối cung cấp thông tin tài liệu vì hiện dự thảo quy định mức xử phạt khác nhau.

“Vì sao hành vi không cung cấp thông tin lại bị phạt thấp hơn việc từ chối cung cấp thông tin? Phạt không trả lời nhẹ hơn việc từ chối trả lời?” – bà Lê Thị Nga đặt vấn đề.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng cho rằng còn quy định chưa triệt để, không đáp ứng yêu cầu. Dự thảo quy định xử phạt hành vi từ chối gửi báo cáo; không cung cấp hoặc từ chối cung cấp thông tin, tài liệu; không trả lời hoặc từ chối trả lời, giải trình… Tuy nhiên, theo Luật xử lý vi phạm hành chính, thì một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử lý một lần, nên ông Bùi Văn Cường cho rằng thể hiện như dự thảo thì nộp phạt là xong và họ không có trách nhiệm gửi báo cáo hay trả lời nữa.

“Đây chính là việc phạt cho tồn tại, không hợp lý, thiếu răn đe và tạo kẽ hở để cá nhân, tổ chức không cung cấp thông tin, nhằm che đậy vi phạm khác” – Tổng Thư ký Quốc hội nói.

Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết đồng ý về mặt nguyên tắc, giao Kiểm toán Nhà nước và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh dự thảo để trình lại bằng văn bản, ban hành trong tháng 2/2023, có hiệu lực từ ngày 1/5/2023./.

Tin mới