Chủ tịch UBND tỉnh: Các địa phương phải thực hiện nghiêm, hiệu quả biện pháp giãn cách xã hội

(Baonghean.vn) - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu các địa phương, đặc biệt là TP. Vinh thực hiện nghiêm, đầy đủ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp, đặc biệt là giãn cách xã hội. Bởi vì giãn cách xã hội cho đến nay vẫn đang là biện pháp hiệu quả nhất, là yếu tố quyết định để hạn chế tối đa lây nhiễm dịch bệnh, khi vắc-xin đang thiếu.

Chiều 24/8, Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh họp để nghe và cho ý kiến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua và triển khai nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

Các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh; Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh đồng chủ trì cuộc họp. Ảnh: Phạm Bằng
Các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh; Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đồng chủ trì cuộc họp. Ảnh: Phạm Bằng

CỐ GẮNG CUNG ỨNG ĐẦY ĐỦ, KỊP THỜI HÀNG HÓA CHO NGƯỜI DÂN

Tính đến 8h ngày 24/8, tỉnh Nghệ An ghi nhận 993 ca nhiễm tại 21 địa phương, 323 ca đã bình phục. Tính riêng từ 6h ngày 22/8 đến 6h ngày 24/8, tỉnh ghi nhận 165 ca nhiễm mới (trong đó 63 ca trong cộng đồng), cao nhất vẫn là TP. Vinh với 75 ca, có 33 ca trong cộng đồng. Toàn tỉnh hiện đang cách ly tập trung 13.078 trường hợp, 144.167 người được tiêm vắc - xin (khoảng 4,36% dân số).

Nhận định tình hình dịch, Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh cho rằng, TP. Vinh là địa bàn có nguy cơ rất cao với 20/25 phường, xã có ca nhiễm. Các ca nhiễm vẫn tiếp tục gia tăng, các nguồn lây nhiễm khó kiểm soát, đặc biệt vẫn ghi nhận các ca nhiễm trong cộng đồng.

Trên địa bàn tỉnh, một số địa phương có nguy cơ cao, gồm: Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, thị xã Cửa Lò.

Đồng chí Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế báo cáo công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Phạm Bằng
Đồng chí Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế báo cáo công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Phạm Bằng

PGS.TS Dương Đình Chỉnh đề nghị, thời gian tới các địa phương tiếp tục thực hiện giãn cách, cách ly xã hội đúng theo quy định; phải bảo đảm an sinh xã hội nhất là các yêu cầu y tế, lương thực, thực phẩm, dịch vụ thiết yếu và trật tự an toàn xã hội cho Nhân dân. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh thành lập Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch các cấp do Chủ tịch UBND làm người đứng đầu.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP. Vinh Trần Ngọc Tú cho biết, tính từ ngày 14/8 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 153 ca bệnh. Riêng ngày 23/8 thì có 18 ca bệnh nhưng chủ yếu là F1 trong khu cách ly, điều đó thể hiện số ca bệnh có chiều hướng giảm. Ngành Y tế phối hợp TP. Vinh tổ chức lấy 23.628 mẫu gộp PCR tại 3 phường Vinh Tân, Hồng Sơn, Lê Mao.

Đồng chí Trần Ngọc Tú - Chủ tịch UBND TP Vinh báo cáo công tác phòng, chống dịch và đề xuất giải pháp thời gian tới. Ảnh: Phạm Bằng
Đồng chí Trần Ngọc Tú - Chủ tịch UBND TP Vinh báo cáo công tác phòng, chống dịch và đề xuất giải pháp thời gian tới. Ảnh: Phạm Bằng

Đánh giá sau hơn 1 ngày thực hiện biện pháp cao hơn 1 mức so với Chỉ thị 16, Chủ tịch UBND TP. Vinh cho rằng, dư luận nhân dân rất đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh do không có thời gian chuẩn bị nên gặp không ít khó khăn trong việc bố trí hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”. Bên cạnh đó, cũng do thời gian thực hiện gấp nên trong thực tiễn đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập.

Báo cáo về hoạt động Quỹ phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Võ Thị Minh Sinh cho biết, đến nay Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 các cấp đã nhận được 200 tỷ đồng ủng hộ và hiện còn 69,6 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã thành lập được 13.276 Tổ Covid cộng đồng. Tuy nhiên, chỉ mới TP. Vinh, Hưng Nguyên, Diễn Châu bố trí kinh phí hỗ trợ cho các Tổ Covid. MTTQ các cấp đã hỗ trợ trên 7.000 hộ nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với giá trị trên 5,5 tỷ đồng, chưa kể các hoạt động hỗ trợ khác.

Đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh báo cáo tình hình Quỹ phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Phạm Bằng
Đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh báo cáo tình hình Quỹ phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Phạm Bằng

Tại cuộc họp, các thành viên Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19  tỉnh đã tập trung thảo luận về các biện pháp phòng, chống dịch trên toàn địa bàn tỉnh và đặc biệt là những giải pháp triển khai tại thành phố Vinh; triển khai công điện của Thủ tướng Chính phủ...

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng, vấn đề cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân vẫn rất quan trọng, không chỉ ở địa bàn TP. Vinh mà nhiều địa phương khác. Vì vậy, các địa phương phải xây dựng phương án kết nối, tiêu thụ, cung ứng hàng hóa cụ thể, hợp lý, kịp thời cho người dân. Bên cạnh đó, các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thu hoạch lúa; kêu gọi xã hội hóa hỗ trợ Tổ Covid cộng đồng và các lực lượng tuyến đầu…

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Phạm Bằng
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Phạm Bằng

Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Hóa đề nghị các địa phương tạo "luồng xanh" cho những đơn vị đảm bảo đủ điều kiện vận chuyển hàng hóa. Trong phương án cung ứng hàng hóa, lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân của TP. Vinh thì cần phân vùng hợp lý, khoa học; tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp... 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long cho rằng, thời gian tới vẫn phải tiếp tục thần tốc lấy mẫu xét nghiệm trên địa bàn TP. Vinh, với quan điểm rút kinh nghiệm ngày đầu để hoàn thành xong công tác này trong thời gian 3 ngày. Nghiên cứu phát phiếu đi chợ và thành phố Vinh tổ chức lực lượng đi chợ thay cho người dân có nhu cầu. 

 KHẮC PHỤC HẠN CHẾ ĐỂ TỔ CHỨC THỰC HIỆN HIỆU QUẢ HƠN

Kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đánh giá, trong thời gian qua tỉnh đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt, nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần mạnh, nhanh.

Thể hiện là có 14 địa phương thực hiện Chỉ thị 16, 7 địa phương thực hiện Chỉ thị 15, riêng TP. Vinh áp dụng biện pháp trên mức Chỉ thị 16. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn đang phức tạp, đặc biệt là tại TP. Vinh, huyện Yên Thành, huyện Diễn Châu. Song có những địa phương diễn biến dịch chuyển biến tích cực, như Anh Sơn, Tương Dương.

Trong những ngày qua, các địa phương và TP Vinh đã thực hiện nghiêm, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp giãn cách xã hội với sự vào cuộc toàn diện, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, được phần lớn người dân ủng hộ, đồng hành, chấp hành và sự tham gia tích cực của lực lượng tuyến đầu. Đặc biệt, có sự chia sẻ, hỗ trợ của tỉnh Hà Tĩnh trong việc chi viện 152 cán bộ y tế hỗ trợ TP. Vinh lấy mẫu xét nghiệm. Đây là những điểm tích cực để thấy sự triển vọng trong việc kiểm soát dịch trên địa bàn tỉnh nói chung và TP. Vinh nói riêng.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh kết luận tại cuộc họp. Ảnh: Phạm Bằng
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh kết luận tại cuộc họp. Ảnh: Phạm Bằng

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng cho rằng, trong quá trình thực hiện vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, hạn chế. Trên địa bàn tỉnh, có lúc, có nơi, có địa phương chưa cập nhật các kịch bản phòng, chống dịch trong tình hình mới và việc chuẩn bị phương án “4 tại chỗ”; việc tổ chức khu cách ly tập trung, các khu điều trị F0, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân có lúc, có nơi làm chưa tốt; công tác tiêm vắc - xin chưa đảm bảo nhu cầu của nhân dân.

Riêng TP. Vinh, sau khi Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh có quyết định áp dụng biện pháp cao hơn một mức so với Chỉ thị 16 thì thành phố đã vào cuộc nhanh, nhưng không tránh khỏi những lúng túng, khó khăn, mà nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan. Các văn bản hướng dẫn chưa đồng bộ, chưa đúng với tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh. Việc tổ chức xét nghiệm tầm soát để bóc tách F0 ra cộng đồng là nhiệm vụ ưu tiên số 1 nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn những lúng túng; việc tổ chức đưa F0 đi đến cơ sở điều trị vẫn còn lúng túng và thành phố phải rà soát quy trình, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm những người liên quan.

Nhiệm vụ thời gian tới, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm, đầy đủ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp, đặc biệt là các biện pháp về giãn cách xã hội. Bởi vì biện pháp giãn cách xã hội cho đến thời điểm này vẫn đang là biện pháp hiệu quả nhất, là yếu tố quyết định để hạn chế tối đa lây nhiễm dịch bệnh, khi số lượng vắc - xin đang còn thiếu. Đồng thời, rà soát các kịch bản phòng, chống dịch để đưa ra biện pháp, phương án ứng phó phù hợp với tình hình và cố gắng thông tin sớm với người dân biết để chủ động.

Tập trung cao độ cho công tác tổ chức xét nghiệm để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng với tinh thần thần tốc, triệt để, theo đúng đối tượng, chặt chẽ. Những người đã được xét nghiệm, có kết quả còn hiệu lực và không có nhu cầu xét nghiệm thì xem xét điều chỉnh hợp lý. Đây là nhiệm vụ tối quan trọng của thành phố.

Một số DN đã tiến hành test nhanh Covid-19 cho công nhân sau khi bùng phát dịch bệnh. Ảnh: PV
Một số DN đã tiến hành test nhanh Covid-19 cho công nhân sau khi bùng phát dịch bệnh. Ảnh: PV

Khi phát hiện F0 thì tổ chức truy vết F1 thật nhanh và sớm đưa F0 đến cơ sở điều trị. Công an phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để không tạo ra bất cập trong thời gian qua. Tiếp tục đảm bảo các điều kiện để cách ly tập trung các trường hợp F1 bằng việc mở rộng các khu cách ly tập trung tại các địa phương, chưa xem xét cho cách ly F1 tại nhà. Nhưng ngành Y tế cũng cần tính đến phương án này để chuẩn bị cho thời gian tới.

Về các cơ sở điều trị, hiện tỉnh có 4 bệnh viện dã chiến và đang chuẩn bị thêm 2 bệnh viện để đảm bảo điều trị khoảng 2.000 ca bệnh. Đồng thời, tỉnh sẽ đề nghị Quân khu 4 chuẩn bị bệnh viện dã chiến để điều trị F0 trên địa bàn tỉnh với kịch bản có 5.000 ca bệnh.

Ngành Y tế tổ chức kế hoạch tiêm vắc xin theo đúng đối tượng, đặc biệt là xem xét, quan tâm tiêm cho các cán bộ, người lao động tại các doanh nghiệp có đóng góp ngân sách, cho Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh. Khi được phân bổ thì có phương án tiêm sớm nhất, nhanh nhất, đảm bảo đúng tiến độ, cập nhật lên bản đồ tiêm của Trung ương.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu TP. Vinh chủ động đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu đến tận nhà cho từng hộ gia đình. Đặc biệt, quan tâm đến các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, đối tượng yếu thế trong xã hội, không để người dân thiếu ăn. Ngành Công Thương chủ động các kênh cung ứng, đảm bảo đủ lượng hàng hóa cho người dân, thông tin kịp thời cho người dân biết.

Nguồn lương thực, thực phẩm của "Gian hàng 0 đồng" do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chịu trách nhiệm cung cấp. Ảnh: Đức Anh
Nguồn lương thực, thực phẩm của "Gian hàng 0 đồng" do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chịu trách nhiệm cung cấp. Ảnh: Đức Anh

Trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội thì vẫn phải duy trì một số hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các ngành hướng dẫn các địa phương phương án giúp người dân thuận lợi trong việc thu hoạch lúa.

Về việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Vinh trong thời gian áp dụng biện pháp cao hơn Chỉ thị 16, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, chính quyền sẵn sàng chia sẻ, lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp để bàn biện pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng cần hy sinh một phần lợi ích kinh tế, ủng hộ các biện pháp để sớm kiểm soát, khống chế được dịch.

Đồng thời yêu cầu Công an tỉnh tiếp tục đảm bảo nghiêm tình hình ANTT, an toàn xã hội trong thời gian giãn cách xã hội, các ngành cũng cần có chia sẻ với lực lượng Công an. Ngành Công an cũng phải đảm bảo việc lưu thông, phân luồng, vận chuyển hàng hóa; đảm bảo cán bộ, công chức được di chuyển thực hiện nhiệm vụ thuận lợi.

Người đứng đầu UBND tỉnh cũng đề nghị Công an tỉnh, các ngành, địa phương tạo thuận lợi cho đội ngũ phóng viên báo chí đã được tiêm 2 mũi vắc - xin được tác nghiệp đưa tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh; phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông trong việc vận động Nhân dân ủng hộ, chia sẻ, đồng hành, chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và phản bác những thông tin không tích cực, xử lý nghiêm những đối tượng thông tin sai lệch về công tác phòng, chống dịch của tỉnh.

Lực lượng công an kiểm tra giấy tờ người dân ra đường. Ảnh: Thành Cường
Lực lượng công an kiểm tra giấy tờ người dân ra đường. Ảnh: Thành Cường

Về thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh sẽ kiện toàn, thành lập Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch cấp tỉnh. Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh là Chỉ huy trưởng Trung tâm phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh; đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh là Phó Chỉ huy Thường trực Trung tâm phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh; Thủ trưởng các ngành: Công an, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Y tế làm Phó Chỉ huy Trung tâm phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh.

Bên cạnh đó, thành lập bộ phận thường trực của Sở chỉ huy tại Văn phòng UBND tỉnh để trực 24/24h và thiết lập đường dây nóng tại các Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 các cấp, để người dân, doanh nghiệp phản ánh các vướng mắc, khó khăn.

Liên quan đến việc sử dụng Quỹ phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh cơ bản thống nhất với dự thảo phân bổ của Ủy ban MTTQ tỉnh với quan điểm sử dụng nguồn quỹ này đúng quy định, hợp lý, hiệu quả./.

Tin mới