Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nêu những nguy cơ đối với khu vực giàu tiềm năng nhất

(Baonghean.vn) - Những thách thức, nguy cơ về khu vực miền Tây Nghệ An được Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý khái quát: Thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người thấp, người dân sống trong khu vực rừng núi nhưng không được hưởng lợi từ rừng, khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng đô thị có nguy cơ ngày càng giãn ra.
Trong khuôn khổ chương trình gặp mặt giữa Thường trực Tỉnh ủy với cán bộ lãnh đạo cấp phòng và tương đương trong các cơ quan cấp tỉnh diễn ra vào sáng 28/9, trả lời câu hỏi của đại biểu về vấn đề phát triển kinh tế khu vực miền Tây Nghệ An, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã thẳng thắn nêu một số nguy cơ, thách thức đối với khu vực được xem là có tiềm năng bậc nhất này của Nghệ An.
Sống trong rừng nhưng không được hưởng lợi từ rừng
Đồng chí Thái Thanh Quý cho biết, miền Tây Nghệ An là khu vực chiếm 83% diện tích toàn tỉnh, trải dài trên 11 địa phương cấp huyện, dân số hơn 1 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 500 nghìn người. Đặc biệt khu vực miền Tây Nghệ An có hơn 468 km đường biên giới giáp nước bạn Lào, tại đây có 27 xã thuộc các huyện biên giới. 
Được xác định là 1 trong 3 khu vực kinh tế trọng điểm của Nghệ An, những năm qua Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương chính sách quan tâm đến đời sống đồng bào miền Tây Nghệ An. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2355-QĐ/TTg về phát triển miền Tây Nghệ An. Sau hơn 5 năm thực hiện Quyết định số 2355, diện mạo khu vực này đã có nhiều thay đổi, đời sống nhân dân được cải thiện.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý trả lời câu hỏi về phát triển miền Tây Nghệ An. Ảnh: Thành Cường
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý trả lời câu hỏi về phát triển miền Tây Nghệ An. Ảnh: Thành Cường
Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức, nguy cơ về phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An như: vấn đề thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người thấp, hộ nghèo chiếm đến 13%. Đặc biệt người dân sinh sống trên khu vực rừng núi nhưng không được hưởng lợi từ rừng. Chính vì vậy điều quan trọng nhất hiện nay của các cấp, các ngành là quy hoạch lại 3 loại rừng, từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế rừng để tạo điều kiện cho người dân.
Cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần Dược liệu Mường Lống giới thiệu mô để trồng giống sâm Puxailaileng. Ảnh: Đào Tuấn.
Cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần Dược liệu Mường Lống giới thiệu mô để trồng giống sâm Puxailaileng. Ảnh: Đào Tuấn.

Bên cạnh đó, tìm các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó, xây dựng các mô hình phát triển dược liệu dưới tán rừng. Các khu vực phù hợp để triển khai các đề án trồng cây dược liệu là những địa phương như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong... 

"Nếu phát triển cây đương quy, 1 ha có thể cho thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng" - đồng chí Thái Thanh Quý nhấn mạnh.
Không khuyến khích khai thác khoáng sản, thủy điện
Liên quan đến công tác quản lý khoáng sản, tài nguyên tại khu vực miền Tây Nghệ An, người đứng đầu UBND tỉnh cho rằng, công tác này chưa được thực hiện tốt.
Đập chứa bùn thải của Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh trên núi Lan Toong (xã Châu Thành, Quỳ Hợp) bị vỡ. Ảnh tư liệu
Đập chứa bùn thải của Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh trên núi Lan Toong (xã Châu Thành, Quỳ Hợp) bị vỡ. Ảnh tư liệu

Khẳng định khai thác tài nguyên bài bản, khoa học và có chừng mực cũng là cách để bảo vệ tài nguyên và giữ lại cho đời sau, đồng chí Thái Thanh Quý cho biết, quan điểm của lãnh đạo tỉnh là không khuyến khích khai thác khoáng sản, trong đó có các loại như: vàng, thiếc và đá. Mục đích là nhằm bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý nhấn mạnh về những nguy cơ, thách thức đối với khu vực miền Tây Nghệ An và một số giải pháp khắc phục. 
Liên quan đến vấn đề đầu tư nhà máy thủy điện trên khu vực miền Tây của tỉnh, những năm gần đây Nghệ An chủ trương hạn chế đến mức thấp nhất việc hình thành các nhà máy. Theo đó, hiện tại trên khu vực miền Tây Nghệ An chỉ còn 18 nhà máy đang hoạt động, 6 nhà máy đang nghiên cứu, khảo sát, 6 nhà máy khác đang xây dựng.

Tin mới