Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung tiếp công dân định kỳ tháng 6/2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Chiều 15/6, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên tiếp công dân định kỳ tháng 6/2022.

Cùng dự có đại diện lãnh đạo Ban Nội Chính Tỉnh uỷ, Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh và các sở, ngành liên quan, huyện Thanh Chương.

Toàn cảnh phiên tiếp công dân định kỳ tháng 6/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung. Ảnh: Phạm Bằng

Toàn cảnh phiên tiếp công dân định kỳ tháng 6/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung. Ảnh: Phạm Bằng

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp ông Nguyễn Đình Danh và một số công dân trú xóm Nguyệt Bống, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương.

Các công dân này phản ánh quá trình sáp nhập điểm Trường Tiểu học Ngọc Sơn không công khai, dân chủ; chưa phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và ảnh hưởng tương lai của học sinh. Đồng thời, kiến nghị chính quyền địa phương tổ chức đối thoại, lấy ý kiến nhân dân, phụ huynh, cho phép giữ lại và xây mới tại điểm trường cũ.

Công dân Nguyễn Đình Danh (trú xóm Nguyệt Bống, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương) trình bày nội dung phản ánh. Ảnh: Phạm Bằng

Công dân Nguyễn Đình Danh (trú xóm Nguyệt Bống, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương) trình bày nội dung phản ánh. Ảnh: Phạm Bằng

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Nguyễn Văn Chiến cho biết, việc sáp nhập các trường, điểm trường trên địa bàn huyện trong thời gian qua được thực hiện đúng kế hoạch, trên cơ sở rà soát quy mô mạng lưới cơ sở vật chất, tránh việc manh mún, nhỏ lẻ trong đầu tư nguồn lực. Đại bộ phận nhân dân đồng tình với phương án sáp nhập các trường, điểm trường của huyện. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân chưa đồng tình vì ngại việc di chuyển xa, không muốn con em mình sang xóm khác học...

Đối với Trường Tiểu học Ngọc Sơn có 3 điểm trường (Lam Sơn, Lam Thắng, Thanh Nam). Điểm trường Thanh Nam cách điểm trường chính Lam Sơn khoảng 2km, được xây dựng từ năm 1976, điều kiện cơ sở vật chất đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh. Trong khi, điểm chính đã xây dựng 5 phòng học, đủ cơ sở vật chất để bố trí chỗ học cho học sinh. Bên cạnh đó, khoảng cách nơi cư trú của người dân đến điểm chính trung bình khoảng 3km.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Nguyễn Văn Chiến báo cáo làm rõ vụ việc. Ảnh: Phạm Bằng

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Nguyễn Văn Chiến báo cáo làm rõ vụ việc. Ảnh: Phạm Bằng

"Việc để xảy ra các khó khăn, khúc mắc... dẫn tới chưa sáp nhập được điểm lẻ nhà trường như thời gian qua có một phần trách nhiệm của địa phương trong việc triển khai các bước quy trình thiếu bài bản, nhuần nhuyễn; công tác tuyên truyền còn hạn chế...", lãnh đạo huyện Thanh Chương thừa nhận, song khẳng định rằng, việc sáp nhập điểm trường nhằm đảm bảo cho việc triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức dạy đảm bảo quy định và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông một cách hiệu quả.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đồng tình cho rằng, việc sáp nhập điểm trường Thanh Nam vào điểm trường chính là phù hợp, vì mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học, vì sự an toàn tính mạng của học sinh, phù hợp với xu thế chung, giảm áp lực đầu tư cơ sở vật chất. Tại điểm lẻ, các em học sinh không có các phòng học bộ môn theo yêu cầu. Trong khi đó, cơ sở vật chất tại điểm chính đủ đáp ứng 5 phòng học cho học sinh của điểm Thanh Nam chuyển đến.

Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh uỷ cho ý kiến vào hướng giải quyết vụ việc. Ảnh: Phạm Bằng

Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh uỷ cho ý kiến vào hướng giải quyết vụ việc. Ảnh: Phạm Bằng

Kết luận phiên tiếp công dân, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, chủ trương sáp nhập các điểm trường lẻ vào các điểm trường chính là đúng đắn và đã được thực hiện tại nhiều địa phương trên toàn tỉnh và cả nước. Mục đích là để tập trung học sinh, đảm bảo học sinh có đầy đủ điều kiện học tập và giảm manh mún, nhỏ lẻ; tạo điều kiện bố trí các nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo.

Mặt khác, điểm trường Thanh Nam hiện nay đã bị xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho học sinh; không đáp ứng các điều kiện để tổ chức thực hiện Chương trình học phổ thông mới do không có phòng học chức năng. Tuy nhiên, cũng chia sẻ với người dân vì đa phần có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ đi làm xa, ông bà già yếu nên việc đưa con em đến trường là vất vả hơn.

Phân tích toàn diện những yếu tố dẫn đến việc người dân chưa đồng tình, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, cách thức, phương pháp và lộ trình thực hiện của huyện Thanh Chương và xã Ngọc Sơn còn hạn chế. Không thể lấy lý do trong thời điểm huyện đang thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16 để biện minh việc không phổ biến, tuyên truyền chủ trương, kế hoạch sáp nhập để người dân biết, thực hiện.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung kết luận cuộc họp. Ảnh: Phạm Bằng

Đồng chí Nguyễn Đức Trung kết luận cuộc họp. Ảnh: Phạm Bằng

"Đây là vấn đề mà huyện và xã cần thẳng thắn nhìn nhận và rút kinh nghiệm. Phải làm sao mỗi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khi triển khai thực hiện trong thực tiễn phải đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân và được người dân ủng hộ, đồng thuận", Chủ tịch UBND tỉnh nói.

Nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương trực tiếp đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân và giải quyết những vấn đề liên quan đến chủ trương, kế hoạch thực hiện việc tổ chức sáp nhập điểm trường; báo cáo kết quả cho Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 15/7. Đồng thời, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo UBND xã Ngọc Sơn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện.

Chia sẻ với những bức xúc của với công dân, song Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị công dân bình tĩnh, có tinh thần cầu thị và hợp tác với chính quyền trong việc tổ chức sáp nhập trường. Những vấn đề mà người dân còn bức xúc, chưa thỏa mãn có thể trao đổi với chính quyền nhằm tìm tiếng nói chung với mục tiêu cao nhất là đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho con em học tập./.

Tin mới