Chủ tịch UBND tỉnh: Phát huy vai trò người đứng đầu, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm hoàn thành mục tiêu Đề án 06

Chủ tịch UBND tỉnh: Phát huy vai trò người đứng đầu, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm hoàn thành mục tiêu Đề án 06

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu từ nay đến cuối năm 2022, người đứng đầu các sở, ngành, địa phương phải phát huy vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện; cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân để hoàn thành được các mục tiêu trong Đề án 06 của Chính phủ. 

Chiều 7/11, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh nhằm kiểm điểm, đánh giá kết quả và triển khai Kế hoạch của UBND tỉnh về một số nội dung trọng tâm thực hiện Đề án của Chính phủ về Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06).

Các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Thiếu tướng Phạm Thế Tùng - Giám đốc Công an tỉnh đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành và 21 huyện, thành, thị.
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh kiểm điểm, đánh giá, triển khai kế hoạch trọng tâm thực hiện Đề án 06. Ảnh: Phạm Bằng

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh kiểm điểm, đánh giá, triển khai kế hoạch trọng tâm thực hiện Đề án 06. Ảnh: Phạm Bằng

KẾT QUẢ THẤP, NHIỀU VƯỚNG MẮC

Báo cáo kết quả thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh, Thiếu tướng Phạm Thế Tùng - Giám đốc Công an tỉnh, Tổ phó thường trực Tổ công tác Đề án 06 tỉnh cho biết, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, triển khai quyết liệt; huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, với vai trò nòng cốt của lực lượng Công an địa phương, tham gia triển khai thực hiện.

Các đơn vị, địa phương đã cơ bản bám sát nhiệm vụ tại Đề án 06, kế hoạch của Bộ Công an, UBND tỉnh để tham mưu, triển khai thực hiện. Đến nay, Nghệ An đã hoàn thành 4/5 nhiệm vụ Đề án 06, riêng nhóm phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp hiện đang chờ hướng dẫn, chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ và Bộ Công an.

Thiếu tướng Phạm Thế Tùng - Giám đốc Công an tỉnh, Tổ phó thường trực Tổ công tác Đề án 06 tỉnh báo cáo kết quả thực hiện và kế hoạch trọng tâm thời gian tới. Ảnh: Phạm Bằng

Thiếu tướng Phạm Thế Tùng - Giám đốc Công an tỉnh, Tổ phó thường trực Tổ công tác Đề án 06 tỉnh báo cáo kết quả thực hiện và kế hoạch trọng tâm thời gian tới. Ảnh: Phạm Bằng

Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Phạm Thế Tùng, Nghệ An được đánh giá là một trong những địa phương có kết quả triển khai thực hiện Đề án 06 nằm trong nhóm cuối của cả nước. Nguyên nhân là một số đơn vị, địa phương chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò quan trọng của Đề án 06; còn có tư tưởng coi Đề án 06 là nhiệm vụ riêng của lực lượng Công an, do đó quyết tâm chính trị chưa cao, chỉ đạo thiếu quyết liệt; chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu của Đề án 06.

Một số sở, ngành, cấp ủy, chính quyền cấp huyện chưa có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể dẫn đến các cơ quan, đơn vị, địa phương cấp dưới còn lúng túng, bị động trong quá trình triển khai thực hiện. Công tác tuyên truyền còn có mặt tồn tại, hạn chế. Nhiều bộ phận tiếp dân và trả kết quả từ cấp huyện đến xã chưa chủ động hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện dịch vụ công để người dân tìm hiểu, sử dụng.

Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Đối với dịch vụ công trực tuyến, việc phát sinh hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến còn rất thấp, toàn tỉnh chỉ đạt tỷ lệ 5,62%. Việc thực hiện số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa tài liệu theo nội dung nhiệm vụ chỉ đạo của các sở, ngành còn chậm. Các sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện chưa nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ. Đặc biệt, UBND cấp huyện hầu như không có báo cáo hàng tháng gửi Cơ quan thường trực, làm ảnh hưởng đến kết quả báo cáo của UBND tỉnh.

Nhằm nâng cao kết quả triển khai Đề án 06, UBND tỉnh sẽ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Theo đó, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành, địa phương và giao tiến độ hoàn thành đối với từng nhiệm vụ cụ thể. Kết quả thực hiện Đề án 06 là tiêu chí quan trọng để đánh giá quyết định danh hiệu thi đua của các cơ quan, đơn vị và cá nhân Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị hàng năm.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phan Nguyên Hào phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phan Nguyên Hào phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông và 2 địa phương: TP. Vinh, huyện Diễn Châu đã báo cáo kết quả thực hiện; những khó khăn, vướng mắc và các nhiệm vụ sẽ triển khai trong thời gian tới; đề xuất các kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả, tiến độ triển khai các nhiệm vụ trong Đề án 06.

NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU, TĂNG CƯỜNG

TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, Đề án 06 của Chính phủ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tác động lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từng bước hình thành và phát triển xã hội số, kinh tế số và chính quyền số. Đặc biệt, người dân và doanh nghiệp sẽ được thụ hưởng rất nhiều, tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho xã hội, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện dịch vụ công, giúp hoạt động của cơ quan nhà nước được công khai, minh bạch hơn.

Để thực hiện Đề án 06, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 78 với 41 nhiệm vụ, giao nhiệm vụ cho 16 sở, ban, ngành và Kế hoạch triển khai thí điểm ở 2 địa phương. Do nội dung của Đề án 06 nhiều, khối lượng lớn, trong khi thời gian yêu cầu gấp gáp, trong quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh nên kết quả thực hiện của tỉnh còn thấp.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Mặc dù vậy, Nghệ An là 1 trong 14 địa phương sớm hoàn thành kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Đề án 06 của tỉnh đạt kết quả cao như: cấp mới căn cước công dân, làm sạch cơ sở dữ liệu tiêm chủng, triển khai dịch vụ công trong lĩnh vực lưu trú... Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao nỗ lực, kết quả của một số ngành, địa phương, đặc biệt là Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Tư pháp, TP. Vinh và huyện Diễn Châu.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng, các hồ sơ dịch vụ công trực tuyến rất thấp, nhiều lĩnh vực dưới 1%; công tác tuyên truyền vận động chưa thực hiện thường xuyên và chưa có nhiều hình thức sáng tạo, đây là nguyên nhân khiến nhiều người dân chưa biết, chưa thực hiện. Vai trò, trách nhiệm đứng đầu ở một số sở, ngành, địa phương trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện còn hạn chế; chế độ báo cáo chưa thực hiện nghiêm.

Để hoàn thành mục tiêu của Đề án 06 trong năm 2022, thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị người đứng đầu các sở, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt thực hiện nhiệm vụ của Đề án 06, với tinh thần quyết liệt, đồng bộ, mạnh mẽ, hiệu quả. Ngay sau hội nghị, UBND tỉnh sẽ ban hành Kế hoạch thực hiện và giao nhiệm vụ, thời gian hoàn thành cụ thể cho các ngành, địa phương.

Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Mặt khác, cần quán triệt, yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nêu cao trách nhiệm nêu gương, đi đầu trong thực hiện đăng ký, kích hoạt và sử dụng tài khoản dịch vụ công, tài khoản định danh điện tử, ứng dụng VneID phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch dân sự; đặc biệt thực hiện hoàn thành chỉ tiêu 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 trong năm 2022. Ngoài ra, tăng cường công tác tuyên truyền đến người thân, gia đình, bạn bè và người dân nơi cư trú hiểu và cùng tham gia thực hiện.

Các địa phương chủ động kiểm tra, chuẩn bị đầy đủ các nội dung, điều kiện, phục vụ việc triển khai thực hiện quy định của Luật Cư trú 2020 về việc Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022.

Người đứng đầu UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phương pháp đa dạng, dễ tiếp cận, dễ hiểu, xem đây là biện pháp ưu tiên hàng đầu nhằm nâng cao tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Phấn đấu đến cuối năm 2022, tỷ lệ các dịch vụ công thiết yếu phải đạt tỷ lệ tối thiểu 50% trở lên; các dịch vụ công khác phải đạt mức từ 20% trở lên.

Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Các sở, ngành: Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội; Tài nguyên và Môi trường; Bảo hiểm xã hội tỉnh chủ động, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu trong việc huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, đảm bảo điều kiện để có thể triển khai thực hiện nhiệm vụ số hóa và làm sạch dữ liệu của các ngành bảo đảm tiến độ đề ra.

Đánh giá việc tạo lập tài khoản an sinh xã hội cho các trường hợp thuộc diện chính sách, an sinh là nhiệm vụ rất thực tế và có ý nghĩa đặc biệt đối với người dân, góp phần tiết kiệm nguồn kinh phí cho ngân sách nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tích cực, chủ động phối hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về Trật tự xã hội (Bộ Công an) khẩn trương có phương án triển khai thực hiện sớm, quyết tâm hoàn thành và triển khai được nội dung này trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão sắp tới.

Đối với việc đánh giá kết quả chỉ đạo điểm tại 6 xã thuộc thành phố Vinh và huyện Diễn Châu, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Công an tỉnh phối hợp UBND TP. Vinh, UBND huyện Diễn Châu tổng hợp, có báo cáo cụ thể, rút ra những bài học kinh nghiệm để UBND tỉnh chỉ đạo và nhân rộng các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.

Đối với Công an tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục phát huy vai trò cơ quan thường trực Đề án 06 tỉnh; phối hợp Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, nắm sát tình hình, kết quả; báo cáo định kỳ 15 ngày 1 lần tiến độ thực hiện cho Tổ công tác tỉnh để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc. Đồng chí Giám đốc Công an tỉnh, Tổ phó thường trực Tổ công tác Đề án 06 tỉnh trực tiếp kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện của các đơn vị, địa phương. Trên cơ sở đó, chỉ rõ đơn vị, địa phương triển khai thực hiện thiếu quyết liệt, kết quả, tiến độ chậm để kịp thời chỉ đạo, xử lý.

Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Các đơn vị, địa phương chủ động bố trí nguồn kinh phí, huy động lực lượng phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, thường xuyên các giải pháp phù hợp với đặc thù của ngành, địa bàn để hoàn thành nhiệm vụ. Ngành nào, địa phương nào chậm thực hiện, thực hiện không đảm bảo tiến độ, không đạt chỉ tiêu đề ra thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, từ nay đến hết năm 2022 thời gian không còn nhiều, trong khi khối lượng công việc rất lớn. Vì vậy, đề nghị người đứng đầu các ngành, địa phương tập trung cao độ để huy động tối đa nguồn lực, khắc phục khó khăn và triển khai thực hiện quyết liệt, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành xuất sắc Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Nghệ An./.

Tin mới