Chủ tịch UBND tỉnh: Quy hoạch tốt để ngành du lịch phát triển, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, muốn ngành du lịch phát triển thì phải làm tốt công tác quy hoạch. Trong quy hoạch phải xác định được các không gian để tổ chức phát triển du lịch, xác định các tuyến, điểm du lịch rất rõ ràng, để ngành thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. 

Chiều 6/6, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh có buổi làm việc với Sở Du lịch để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ thời gian qua và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.

Toàn cảnh buổi làm việc của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung với Sở Du lịch. Ảnh: Phạm Bằng

Toàn cảnh buổi làm việc của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung với Sở Du lịch. Ảnh: Phạm Bằng

Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Chi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Đảng uỷ Khối Các cơ quan tỉnh; Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành.

Phấn đấu đón hơn 7 triệu lượt khách trong năm 2022

Báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác, ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Du lịch cho biết, dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020, kéo dài hơn 2 năm qua đã tác động nặng nề tới ngành du lịch. Cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị của ngành xuống cấp nghiêm trọng, các doanh nghiệp thiếu nguồn lực để tái đầu tư, thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ.

Trong năm 2020 và năm 2021, lượng khách du lịch bị suy giảm mạnh. Năm 2021, lượng khách du lịch chỉ đạt 1,888 triệu lượt, trong đó khách lưu trú đạt 1,288 triệu lượt; khách quốc tế đạt 4.323 lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 2.096 tỷ đồng, trong đó doanh thu du lịch đạt 1.115 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2019 đón 6,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt 4.581 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Du lịch báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành trong thời gian qua. Ảnh: Phạm Bằng

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Du lịch báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành trong thời gian qua. Ảnh: Phạm Bằng

Sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, Chính phủ đã có chủ trương mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022, cùng với sự hồi phục nhanh chóng của du lịch cả nước, ngành Du lịch Nghệ An đã có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ.

Dự ước 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đón và phục vụ hơn 4 triệu lượt khách, bằng 237% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khách lưu trú ước đạt 2.630.000 lượt, bằng 222% so với cùng kỳ năm 2021, khách quốc tế ước đạt 8.300 lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 7.050 tỷ đồng, trong đó doanh thu du lịch ước đạt 3.269 tỷ đồng, bằng 321% so với cùng kỳ năm 2021.

Mặt khác, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đã và đang từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch tiếp tục phát triển mạnh. Không gian phát triển du lịch được mở rộng trên 3 trụ cột chính: Du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa - lịch sử và du lịch sinh thái gắn với khám phá văn hóa cộng đồng.

Lãnh đạo Đảng uỷ Khối Các cơ quan tỉnh, UBND tỉnh, sở, ban, ngành dự buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Lãnh đạo Đảng uỷ Khối Các cơ quan tỉnh, UBND tỉnh, sở, ban, ngành dự buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Công tác tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai tích cực. Hoạt động liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước, nhất là các địa bàn trọng điểm có nguồn khách gửi lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc, các tỉnh phía Nam được triển khai có hiệu quả.

Song, du lịch Nghệ An vẫn còn một số hạn chế như: Chất lượng tăng trưởng khách thiếu vững chắc. Sản phẩm du lịch chưa tạo bước đột phá, chưa có sức hấp dẫn mạnh mẽ. Tiến độ của các dự án đầu tư về du lịch còn chậm. Chất lượng dịch vụ trong các cơ sở lưu trú có dấu hiệu đi xuống. Tình trạng thiếu hụt nhân lực ngày càng thiếu hụt trầm trọng.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngành Du lịch vẫn đặt ra mục tiêu trong năm 2022 đón và phục vụ hơn 7 triệu lượt khách du lịch, hơn 4 triệu khách lưu trú, tăng hơn 300% so với thực hiện năm 2021; tổng thu du lịch đạt hơn 11.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu dịch vụ du lịch đạt 5.957 tỷ đồng, tăng hơn 500% so với thực hiện năm 2021.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành đã đóng góp nhiều ý kiến cho ngành Du lịch như quảng bá du lịch Nghệ An trên mạng xã hội; tập trung xây dựng các sản phẩm đặc trưng tại các điểm du lịch; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch...

Đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Chia sẻ với những khó khăn của ngành Du lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long đề nghị ngành tham mưu cho UBND tỉnh khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, có nhiều sản phẩm du lịch mới hơn, phấn đấu hàng năm đón 5-6 triệu lượt khách đến Nghệ An. Mặt khác, làm tốt công tác quản lý nhà nước nhằm thoả mãn nhu cầu của khách du lịch; phối hợp tốt các ngành, địa phương để "làm giúp" việc của ngành du lịch.

Bí thư Đảng uỷ Khối Các cơ quan tỉnh Nguyễn Thị Kim Chi ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch và song cho rằng, cần phải thay đổi tư duy, phương pháp làm du lịch của mỗi cộng đồng, mỗi người dân để khai phá các tiềm năng của mỗi vùng miền, không nên quá trông chờ vào "bầu" ngân sách. Sở Du lịch cũng cần tiếp tục phát huy sự ổn định, đoàn kết, phát huy vai trò của người đứng đầu để ngành có những khởi sắc trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi - Bí thư Đảng uỷ Khối Các cơ quan tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi - Bí thư Đảng uỷ Khối Các cơ quan tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Phải thay đổi nhận thức, tư duy về phát triển du lịch

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đây là lần thứ 3 Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với ngành Du lịch trong vòng 6 năm kể từ khi tái lập đến nay, điều đó thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với ngành Du lịch nói riêng và đối với phát triển lĩnh vực du lịch nói chung.

Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao nỗ lực của ngành trong suốt thời gian qua, đặc biệt là trong 2 năm 2020 - 2021 khi dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến hoạt động du lịch. Qua đó, đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, ghi nhận sự trăn trở, tâm huyết, trách nhiệm ngành nói chung và cá nhân đồng chí Giám đốc Sở Du lịch vì sự phát triển du lịch của tỉnh.

Phân tích sâu những tồn tại, hạn chế mà ngành nêu ra, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, bản chất sâu xa là tỉnh chưa thực sự có hệ sinh thái các sản phẩm du lịch hấp dẫn; chất lượng nguồn nhân lực của ngành chưa chuyên nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Khẳng định lãnh đạo tỉnh rất quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo cho phát triển du lịch, thể hiện bằng Nghị quyết số 05, Chương trình hành động số 55 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; các Nghị quyết của HĐND tỉnh, Quyết định của UBND tỉnh, trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, ngành cần có sự điều chỉnh, thay đổi nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, "đây là yếu tố hết sức quan trọng".

Phải xác định, việc phát triển du lịch với vai trò là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng cao, thì tất cả các ngành, các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đúng nghĩa, đạt được các mục tiêu đã đặt ra. Hiệu quả của ngành du lịch không chỉ ở kinh tế mà còn ở văn hoá, xã hội. Phấn đấu đến năm 2030, đóng góp của ngành du lịch vào GRDP của tỉnh từ 9-10% theo Chương trình hành động số 55 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh

Để ngành du lịch phát triển, điều kiện tiên quyết phải xuất phát từ vấn đề chúng ta làm tốt công tác quy hoạch, phải được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch phải xác định được các không gian để tổ chức phát triển du lịch, tuyến điểm du lịch rất rõ ràng. Từ đó, làm cơ sở để thực hiện các mục tiêu phát triển, thu hút đầu tư cho ngành du lịch.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành huy động nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất cho ngành du lịch. Vì hiện nay, kết cấu hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất cho ngành du lịch của tỉnh vẫn đang còn thiếu và yếu. Cố gắng thu hút các nhà đầu tư, xây dựng cơ sở vật thực sự chuyên nghiệp, từ đó sẽ thay đổi sự nhìn nhận hình ảnh du lịch của tỉnh.

Lãnh đạo Sở Du lịch tham dự buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Lãnh đạo Sở Du lịch tham dự buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Về cơ cấu sản phẩm du lịch, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, chuỗi sản phẩm du lịch trên 3 trụ cột chính là du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa - lịch sử và du lịch sinh thái gắn với khám phá văn hóa cộng đồng hiện vẫn chưa có tính kết nối và yêu cầu phải có sản phẩm du lịch trọng tâm và tính kết nối chuỗi sản phẩm du lịch của tỉnh. Ví dụ như khách đến quê Bác, phải mua một sản phẩm đặc trưng mà không nơi nào có được.

Trong cơ cấu khách du lịch, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, ngoài đối tượng là khách nội địa, phải mạnh dạn đặt mục tiêu thu hút lượng khách quốc tế cao hơn, phải mở ra nhiều thị trường khách quốc tế để họ biết đến du lịch Nghệ An.

Người đứng đầu UBND tỉnh cho rằng, trong công tác tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch, không thể bỏ qua các hình thức tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch trên các nền tảng đa phương tiện, mạng xã hội, số hoá... Nhưng cái quan trọng là phải xây dựng được các câu chuyện hấp dẫn, khẳng định giá trị riêng của du lịch Nghệ An. Mặt khác, quảng bá, xúc tiến nhưng phải có tính liên kết sản phẩm, liên kết giữa các địa phương trong tỉnh, giữa các tỉnh trong vùng.

Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng, muốn phát triển du lịch thì phải có nguồn nhân lực trong quản lý nhà nước và trong hoạt động kinh doanh. Nguồn nhân lực này phải đạt 2 yếu tố: năng lực, phẩm chất và tính chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm, yêu nghề.

Bên cạnh đó, phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành. Trước hết, là đổi mới phương thức quản lý, tăng cường ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số, từng bước số hoá các nội dung quản lý nhà nước. Trong điều kiện nguồn lực hạn chế thì phải lựa chọn những lĩnh vực ưu tiên để tập trung thực hiện quản lý hiệu quả./.

Tin mới