Chủ tịch UBND tỉnh: Thắt chặt quản lý tài nguyên, khoáng sản miền Tây Nghệ An

(Baonghean.vn) - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý yêu cầu các địa phương miền Tây của Nghệ An cần thắt chặt quản lý tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu địa phương; khắc phục những hậu quả do khai thác tài nguyên khoáng sản làm ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.

Sáng 22/7, Đoàn kiểm tra số 7 theo Kế hoạch số 179 ngày 14/2/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn có cuộc làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhằm đánh giá tình hình thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây đến năm 2020 theo Quyết định 2355/QĐ ngày 4/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

a
Dự cuộc làm việc có Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo các huyện miền Tây của tỉnh. Ảnh: Thanh Lê

7 chỉ tiêu quan trọng khó đạt

Sau 5 năm triển khai Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây, bộ mặt kinh tế - xã hội khu vực này có nhiều khởi sắc, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; quốc phòng - an ninh được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Lê
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Lê

Phát triển nông nghiệp được cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến nông, lâm sản. Lâm nghiệp phát triển mạnh về trồng rừng nguyên liệu, cây gỗ lớn phục vụ cho công nghiệp chế biến.

Trên địa bàn miền Tây có 5 khu công nghiệp (KCN) trong quy hoạch. Trong đó có 3 KCN được phê duyệt quy hoạch chi tiết; các KCN trên địa bàn đã thu hút được 2 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký 3.650,77 tỷ đồng.

Đến nay, các cụm công nghiệp ở miền Tây đã thu hút được 106 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký 1.227 tỷ đồng; giá trị sản xuất hàng năm đạt 1.335 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 3.000 lao động, nộp ngân sách hàng năm 56 tỷ đồng. Hoạt động thương mại - du lịch phát triển khá nhanh.

Tổng giá trị tăng trưởng của miền Tây Nghệ An năm 2018 đạt 22.640 tỷ đồng, tăng 1,62 lần so với năm 2012; đóng góp giá trị tăng trưởng trên địa bàn miền Tây Nghệ An vào mức chung toàn tỉnh ổn định ở mức khoảng 22-23%. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2013 - 2018 trên địa bàn miền Tây đạt 8,4%; giá trị tăng trưởng bình quân đầu người năm 2012  đạt 16,4 triệu đồng, đến năm 2018 đạt 20,09 triệu đồng.

Tổng thu ngân sách hàng năm trên địa bàn các huyện miền Tây chiếm khoảng 10-12% so với tổng thu ngân sách trên địa bàn toàn tỉnh; năm 2018 đạt 1.772 tỷ đồng; mục tiêu đến năm 2020 là 7.294 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Độ báo cáo kết quả thực hiện Đề án 2355 về phát triển kinh tế - xã hội miền Tây của tỉnh. Ảnh: Thanh Lê
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Độ báo cáo kết quả thực hiện Đề án 2355 về phát triển kinh tế - xã hội miền Tây của tỉnh. Ảnh: Thanh Lê

Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo đánh giá rõ: Tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; một số chỉ tiêu phát triển kinh tế quan trọng kết quả đạt còn thấp; khai thác tiềm năng lợi thế về đất đai, tài nguyên rừng, khoáng sản hiệu quả chưa cao; việc thu hút đầu tư còn nhiều hạn chế; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu; còn nhiều bản và hàng ngàn hộ dân chưa có điện lưới,…

Thảo luận tại cuộc làm việc, lãnh đạo các huyện miền Tây trao đổi những tồn tại, khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

Khu vực miền Tây Nghệ An có diện tích rộng lớn, nhưng phát triển rất thấp; dân trí, phong tục tập quán còn lạc hậu đã kìm hãm sự đầu tư phát triển; thiên tai thường xuyên xảy ra; hệ lụy các công trình thủy điện gây ảnh hưởng lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội của các địa phương. Việc thu hút các doanh nghiệp để liên kết sản xuất, khai thác phát huy hiệu quả, tiềm năng lợi thế tiềm năng của khu vực miền Tây còn hạn chế,…

Ý kiến các địa phương kiến nghị đề xuất với tỉnh, để miền Tây phát triển bền vững cần đánh giá được khó khăn, thuận lợi cũng như chọn được khâu đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội,…
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Lê
Phát biểu tại buổi làm việc, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh, hệ lụy của các dự án thủy điện gây ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội khu vực miền Tây Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Trong 27 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội và môi trường đến năm 2020 nêu trong Quyết định 2355, có 20 chỉ tiêu dự báo đạt và vượt, 7 chỉ tiêu khó đạt. Đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế; GRDP bình quân đầu người/năm; cơ cấu kinh tế; thu ngân sách; tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi được cả 4 mùa; số dược sỹ đại học/vạn dân; tỷ lệ che phủ rừng.

Thắt chặt quản lý tài nguyên khoáng sản

Kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý đánh giá cao kết quả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các huyện miền Tây đạt được trong thời gian qua, bộ mặt miền Tây của tỉnh có bước phát triển mới, giữ vững ổn định chính trị vùng biên giới của tỉnh.

Nhìn nhận lại kết quả thực hiện Đề án 2355, Chủ tịch UBND tỉnh nêu băn khoăn về việc theo dự kiến có 7/27 chỉ tiêu cơ bản khó đạt, trong đó có 4 chỉ tiêu kinh tế quan trọng.
Phát triển trồng rừng ở Tương Dương. Ảnh: Thanh Lê
Phát triển trồng rừng ở Tương Dương. Ảnh: Thanh Lê

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ một số nguyên nhân của tồn tại, hạn chế. Đó là công tác chỉ đạo về nhiều mặt chưa quyết liệt, thậm chí còn buông lỏng, thiếu chặt chẽ trong quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản; đầu tư nguồn lực còn hạn hẹp, trong đó có đầu tư công; các cơ chế chính sách chưa đủ mạnh cho khu vực miền Tây để thu hút doanh nghiệp, huy động nguồn lực.

Trong đó, nguyên nhân của mọi nguyên nhân là nguồn lực còn hạn chế trong khi việc khai thác tiềm năng chưa khoa học, rõ nhất là thủy điện và tài nguyên, khoáng sản.

“Thời gian tới, yêu cầu các địa phương cần thắt chặt quản lý quy hoạch và tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu địa phương. Đối với những dự án đã đi vào hoạt động phải quản lý chặt hoạt động khai thác; khắc phục những hậu quả do khai thác tài nguyên, khoáng sản như hạ tầng xuống cấp, xả lũ ảnh hưởng đến đời sống dân sinh” - đồng chí Thái Thanh Quý nói.

Bên cạnh đó lưu ý miền Tây của tỉnh có diện tích rừng rộng lớn, để phát triển hiệu quả diện tích đất rừng, các địa phương cần chuyển đổi rừng nghèo sang rừng sản xuất, để có đất sản xuất cho người dân.

Sản xuất lúa nước trên ruộng bậc thang ở Keng Đu (Kỳ Sơn). Ảnh: Đào Thọ
Sản xuất lúa nước trên ruộng bậc thang ở xã Keng Đu (Kỳ Sơn). Ảnh: Đào Thọ

Đối với việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, khi thẩm định dự án trồng rừng, quan điểm là: chỉ quy hoạch vùng nguyên liệu, không giao đất trực tiếp cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng cần có chính sách khuyến khích, động viên người dân trồng rừng cung cấp nguyên liệu.

Cùng đó, cần nghiên cứu chính sách để đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển các loại cây dược liệu dưới tán rừng - đây là hướng đi cho bà con miền Tây.

Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Lê Văn Giáp
Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Lê Văn Giáp kiến nghị: Phát triển miền Tây cần thu hút doanh nghiệp tạo công việc, khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng đất này. Ảnh: Thanh Lê

Các cấp, ngành cần quan tâm kiểm soát tình hình an ninh biên giới, hạn chế di dịch cư tự do, buôn bán người và tệ nạn ma túy; kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai; tập trung tháo gỡ đầu tư công cho miền Tây.

Đồng thời, lựa chọn đầu tư một số công trình trọng điểm về hạ tầng giao thông để thúc đẩy phát triển vùng miền Tây; Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực chế biến, phát triển du lịch sinh thái; quan tâm chăm lo xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở, nhất là sắp xếp, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ có chất lượng…

Tin mới