Chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù

(Baonghean.vn)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021; 10 năm thực hiện Nghị định 55 của Chính phủ về công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh Nghệ An chiều 20/12.
Toàn ảnh hội nghị. Ảnh: KL
Toàn ảnh hội nghị. Ảnh: KL

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong phổ biến, giáo dục pháp luật

Giai đoạn 2017-2021, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã xác định được nhiệm vụ PBGDPL là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành. Nhiều đề án được phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành đã tạo điều kiện để công tác phổ biến pháp luật đi vào chiều sâu.

Việc tuyên truyền, PBGDPL cho các đối tượng đặc thù được quan tâm. Điển hình như việc duy trì các CLB “Hỗ trợ cộng đồng trong phòng chống mua bán người’’ tại vùng sâu, vùng xa; tổ chức đối thoại về chính sách về di cư an toàn và phòng chống mua bán người; biên soạn, cấp phát 8000 tờ gấp, tờ rơi; 08 phim chuyên đề về phòng chống tội phạm ma túy, mua bán người, di cư trái pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho 4.800 lượt phạm nhân.

Đồng chí Lê Hồng Vinh- Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBDGPL tỉnh. Ảnh: KL
Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBDGPL tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: KL

Nhiều mô hình điểm trong PBGDPL được xây dựng và nhân rộng. Nổi bật như mô hình CLB thời sự pháp luật ở 7 phường  trên địa bàn thị xã Cửa Lò với hơn 1000 hội viên; mô hình PBGDPL thông qua các phiên tòa giả định ở các huyện Diễn Châu, Quế Phong, Thanh Chương, mô hình Giáo họ bình yên không có người vi phạm pháp luật ở Thái Hòa, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc; mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải, tố giác tội phạm ở Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, mô hình nông dân tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới ở Anh Sơn…

Công tác PBGDPL được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt nhất là nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các ngành, các địa phương đã đẩy mạnh triển khai đề án đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền PBGDPL trên địa bàn tỉnh. Riêng trong năm 2021, toàn tỉnh tổ chức được 6.365 hội nghị PBDGPL trực tiếp cho 1.900.149 lượt người tham gia; 772 cuộc thi tìm hiểu pháp luật chủ yếu theo hình thức trực tuyến cho 392.220 lượt người tham gia.

Cán bộ Đồn Biên phòng phối hợp với các ban ngành cấp ở Na Loi, Kỳ Sơn tuyên truyền lưu động và phát khẩu trang miễn phí cho người dân. Ảnh: KL
Cán bộ Đồn Biên phòng phối hợp với các ngành đoàn thể ở  xã Na Loi, Kỳ Sơn tuyên truyền lưu động và phát khẩu trang miễn phí cho người dân. Ảnh: KL

Hội đồng GDPB pháp luật tỉnh cũng đã quan tâm củng cố, kiện toàn, bổ sung đội ngũ báo cáo viên pháp luật và tuyên truyền viên pháp luật các cấp. Hiện, toàn tỉnh có 110 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; 843 báo cáo viên cấp huyện; 4.378 báo cáo viên cấp xã.

Tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân lực phục vụ cho công tác  tuyên truyền, GDPB pháp luật vẫn chưa đảm bảo về số lượng và chất lượng. Nhiều đơn vị địa phương chưa bố trí đủ số lượng người làm công tác tuyên truyền GDPB pháp luật hoặc bố trí kiêm nhiệm nên hiệu quả công tác chưa cao. Công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong thực hiện các chương trình, đề án tuyên truyền PBGDPL chưa thường xuyên. Nguồn kinh phí cho công tác này còn hạn chế, việc lựa chọn nội dung tuyên truyền PBGDPL của một số ngành, một số địa phương chưa trọng tâm, trọng điểm…

Trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong  5 năm thực hiện chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021
Trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021. Ảnh KL

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đề nghị trong thời gian tới, cần duy trì thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án PBGDPL. Trong đó, chú trọng các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật, người lao động và sử dụng lao động trong các doanh nghiệp; cán bộ nhân dân vùng biên giới, hải đảo, người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ. Đồng thời thúc đẩy ứng dụng CNTT trong công tác tuyên truyền PBGDPL phù hợp với xu thế phát triển của xã hội và hội nhập quốc tế hiện nay.

Kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong bố trí cán bộ pháp chế

Dịp này, UBND tỉnh cũng tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ_CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

 Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị Định 55, công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đi vào nề nếp và hoạt động có hiệu quả. Các tổ  chức pháp chế, cán bộ pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và các doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND tỉnh quản lý ngày càng phát huy rõ vai trò trong tham mưu, giúp thủ trưởng cơ quan đơn vị thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác pháp chế góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở các địa phương.

Trao bằng khen của Chủ tịch UBND tinh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh KL
Trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh KL

Tuy nhiên theo Nghị định số 55 thì việc thành lập tổ chức pháp chế ở 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh là bắt buộc. Trong khi đó, tại các thông tư liên tịch giữa Bộ nội vụ và Bộ quản lý chuyên ngành thì trong cơ cấu tổ chức của 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh không quy định có phòng pháp chế.

Vì vậy, quá trình triển khai không thực hiện được. Các sở, ngành không thành lập tổ chức pháp chế, không có cán bộ pháp chế chuyên trách mà chỉ cử cán bộ văn phòng, thanh tra kiêm nhiệm  công tác pháp chế. Điều này dẫn đến việc nắm bắt đầu mối liên hệ để triển khai thực hiện các nhiệm vụ còn khó khăn.

Về vấn đề này, tỉnh Nghệ An kiến nghị Chính phủ quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong  việc kiện toàn bộ máy, sắp xếp bố trí cán bộ, công chức làm công tác pháp chế theo hướng chuyên môn hóa nghiệp vụ. Quy định về mô hình tổ chức pháp chế nằm trong một số đơn vị chuyên môn thuộc một số cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh như Điều 9, Nghị định 55.

6 tập thể, 5 cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện nghị định 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2021 của Chính phủ về công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh
Có 6 tập thể, 5 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị định 55 của Chính phủ về công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh. Ảnh: KL

Các đơn vị này sẽ thực hiện thêm chức năng, nhiệm vụ về công tác pháp chế với chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Như vậy, sẽ không gặp khó khăn trong công tác bố trí biên chế và linh động trong cách sử dụng cán bộ. Đối với các cơ quan còn lại, bố trí cán bộ kiêm nhiệm phụ trách công tác pháp chế.

Tại hội nghị, có 7 tập thể, 9 cá nhân nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021; 6 tập thể, 5 cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện nghị định 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ về công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Tin mới