Chưa đánh thuế nhà thứ 2?

Bộ Tài chính đã đề xuất nghiên cứu, xây dựng luật thuế tài sản để hạn chế đầu cơ và sử dụng bất động sản lãng phí, trong đó có quy định thu thuế đối với căn nhà thứ 2.

Bộ Tài chính đã đề xuất nghiên cứu, xây dựng luật thuế tài sản để hạn chế đầu cơ và sử dụng bất động sản lãng phí, trong đó có quy định thu thuế đối với căn nhà thứ 2. Nhiều ý kiến cho rằng, chưa nên áp dụng quy định này.

Tác động tiêu cực lên thị trường

Trong buổi tọa đàm mới đây, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, sắc thuế này sẽ hạn chế hoạt động đầu tư trên đất và kìm hãm sự phát triển thị trường bất động sản (BĐS). Nếu được áp dụng sẽ tác động tiêu cực trong phân khúc BĐS nhà ở thương mại, nguồn cung BĐS nhà ở cho thuê cũng sẽ hạn chế do thuế cao nên không khuyến khích đầu tư... trong khi nhiều quốc gia vẫn không đánh thuế vào nhà ở và tài sản đầu tư trên đất.

Theo ông Võ, hiện ngân sách nhà nước đang khó khăn, nợ công cao, bội chi lớn, nguồn thu hẹp lại do đó việc mở rộng nguồn thu mới là cần thiết, nhưng cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Đánh thuế vào nhà ở nói chung chưa phải là giải pháp đúng hiện nay.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đánh thuế nhà thứ 2 sẽ tác động tiêu cực lên thị trường, tâm lý khách hàng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đánh thuế nhà thứ 2 sẽ tác động tiêu cực lên thị trường, tâm lý khách hàng.

Bà Cẩm Tú, CEO Công ty Exim Land, lo ngại thị trường hiện nay chỉ mới phục hồi được thời gian ngắn sau mấy năm “đóng băng”. Thị trường cũng chưa có dấu hiệu tăng trưởng nóng hay đầu cơ trên diện rộng nên chưa cần thiết phải đánh thuế căn nhà thứ 2. 

Thực tế cho thấy, thị trường BĐS rất nhạy cảm, nên cần rất thận trọng trước khi đưa ra một chính sách, đặc biệt là chính sách thuế. Đưa ra không đúng thời điểm sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý khách hàng, thị trường và các nhà đầu tư.

Ở góc độ doanh nghiệp, một lãnh đạo công ty BĐS cho rằng, nếu đánh thuế nhà ở thứ 2 sẽ triệt tiêu thị trường nhà cho thuê, vì người mua nhà thứ 2 đa số để cho thuê. Trong khi đó, phần lớn người dân hiện nay đang có thu nhập rất thấp, chưa thể mua được nhà mà phải đi thuê. Nếu hạn chế nguồn cung, giá nhà sẽ tăng và người ở nhà thuê sẽ phải chịu phần tăng giá.

Không nên thu thuế này

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng không nên thu thuế này đối với nhà ở xã hội, nhà cấp 4 trở xuống ở nông thôn; nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại có giá trị dưới 1 tỉ đồng; các hộ gia đình nghèo dù đã có một căn nhà nay mua thêm nhà thứ 2, thứ 3 nhưng tổng diện tích các căn hộ nhỏ này không vượt quá 77 m2.

Ông Châu đề nghị nếu Bộ Tài chính vẫn thực hiện lộ trình ban hành luật này trước năm 2020 như dự kiến trước đây thì nên đồng thời ban hành sắc thuế sử dụng đất khi nhà nước giao đất hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thay thế chính sách và cơ chế thu tiền sử dụng đất hiện nay, để đảm bảo tính đồng bộ và sự thống nhất.

Cần hoàn thành nhanh việc cấp "sổ đỏ" cho các BĐS nhà, đất; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu quốc gia, trong đó có cơ sở dữ liệu nhà, đất quốc gia, liên thông các ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và được cập nhật theo thời gian thực. Đặc biệt cần phải hoàn thành thật nhanh, thật chuẩn xác việc cấp thẻ căn cước công dân, xác định mã số định danh cá nhân, để biết rõ người đang sở hữu nhà ở, sử dụng đất ở.

“Tiền sử dụng đất không phải một sắc thuế, cũng không phải là phí nhưng thực sự là một khoản thu lớn trong ngân sách của địa phương, là gánh nặng của doanh nghiệp và người mua nhà, không minh bạch, và tạo cơ chế xin - cho. Tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành nhà ở, khoảng trên dưới 10% đối với chung cư; khoảng trên dưới 30% đối với nhà phố; khoảng trên dưới 50% đối với biệt thự. Do vậy, nếu ban hành luật Thuế tài sản mà không sửa đổi chính sách và cơ chế thu tiền sử dụng đất thì sẽ không hợp lý”, ông Châu bình luận.

Theo Báo Thanh niên

TIN LIÊN QUAN

Tin mới