Chuẩn bị cuộc gặp Putin - Kim Jong-un?; “Dòng chảy phương Bắc 2” đe dọa Ukraine?

(Baonghean.vn) - Ngoại trưởng Triều Tiên đến Nga chuẩn bị cuộc gặp Putin - Kim Jong-un?; Chuyên gia nói gì về việc "Dòng chảy phương Bắc 2" đe dọa Ukraine?; Khủng bố đẫm máu tại Nigeria, hàng chục người chết; Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gọi Thủ tướng Israel là "khủng bố";... là những tin tức quốc tế nổi bật 24h qua.

1. Ngoại trưởng Triều Tiên đến Nga chuẩn bị cuộc gặp Putin - Kim Jong-un?

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho. Ảnh: AP
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho. Ảnh: AP
Theo NHK, Ngoại trưởng Ri Yong Ho đã có mặt tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc sau khi đáp chuyến bay từ thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên vào sáng nay 3/4. Lịch trình của ông Ri hiện chưa được tiết lộ, song các nguồn tin ngoại giao cho biết ngoại trưởng Triều Tiên dự kiến sẽ tới Baku, Azerbaijan để tham dự cuộc họp của Phong trào Không Liên Kết vào cuối tuần này.

Các nguồn tin cho biết Ngoại trưởng Ri sẽ tới Nga sau chuyến thăm tới Azerbaijin. Tại Nga, ông Ri được cho là sẽ có cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

Thông tin trên được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa kết thúc chuyến thăm kéo dài 4 ngày từ 25-28/3 tới Trung Quốc và có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Một số chuyên gia cho rằng sau chuyến thăm Trung Quốc, ông Kim Jong-un có thể tính đến chuyến thăm Nga và hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

2. Chuyên gia nói gì về việc "Dòng chảy phương Bắc 2" đe dọa Ukraine?
Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream-2)
Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream-2)
Chuyên gia Valentin Zemlyansky cho rằng dù cho việc quá cảnh khí đốt sang Ukraine có được giữ lại, thì dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vẫn sẽ làm cho hệ thống phân phối và vận chuyển khí của Ukraine trở nên thừa thãi, Kiev vẫn chưa chuẩn bị cho điều đó.

Ukraine chưa chuẩn bị cho những hậu quả do việc vận hành tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream-2) gây ra. Đây là nhận định của chuyên gia về vấn đề năng lượng Valentin Zemlyansky trong một cuộc phỏng vấn với NewsOne.

"Việc quá cảnh khí đốt qua hệ thống vận chuyển khí của Ukraine sẽ vẫn được giữ lại. Vấn đề là lượng khí đốt được giữ lại đó chưa chắc được như bây giờ. Theo hình thức này, hệ thống vận chuyển khí đốt Ukraine vẫn tồn tại, song nó không còn cần thiết…. Và giờ chúng ta cần phải nghĩ xem sẽ phải làm gì với hệ thống vận chuyển và phân phối khí", ông Zemlyansky nói.

Theo ông, việc giảm khối lượng khí quá cảnh có thể dẫn đến thực tế là trong bốn đường ống dẫn khí thì chỉ có một hoạt động. Do đó, một số lượng lớn người tiêu dùng sẽ không có nhiên liệu xanh. Ông Zemlyanskiy cho rằng, Naftogaz chưa sẵn sàng đối phó với tình huống này.

3. Khủng bố đẫm máu tại Nigeria, hàng chục người chết
Lực lượng an ninh Nigeria.
Lực lượng an ninh Nigeria.
18 người thiệt mạng, 84 người bị thương sau cuộc tấn công của Boko Haram ở Nigeria, RIA dẫn nguồn Cơ quan tình huống khẩn cấp Nigeria cho biết.

Vụ tấn công diễn ra vào rạng sáng 2/4 gần thành phố Maiduguri của Nigeria, nằm ở phía Đông Bắc nước này. Trong báo cáo của Cơ quan tình huống khẩn cấp Nigeria (SEMA) cho biết, nhiều người chết và bị thương, số còn lại cố gắng trốn thoát khỏi các vụ đụng độ giữa các chiến binh và quân đội Nigeria.

Cho đến thời điểm hiện tại, chúng tôi xác nhận được 18 người chết tại các làng Bale Shuwa và Bale Kura, cơ quan này cho biết.

Nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram hoạt động ở Nigeria với tôn chỉ chống lại mô hình giáo dục phương Tây và xây dựng cộng đồng của người Sharria trên toàn quốc.

4. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gọi Thủ tướng Israel là "khủng bố"

Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Erdogan đã lên tiếng chỉ trích nhau bằng những ngôn từ nặng nề.
Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Erdogan đã lên tiếng chỉ trích nhau bằng những ngôn từ nặng nề.
Theo hãng tin RT, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có hàng loạt những phát ngôn chỉ trích nhau sau khi quân đội Israel dùng vũ lực ở dải Gaza.

Căng thẳng giữa ông Netanyahu và ông Erdogan đã leo thang khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gọi Thủ tướng Israel là một “kẻ khủng bố” trong một bài phát biểu trên truyền hình. “Chúng tôi không phải xấu hổ khi đi xâm lược nước khác, thưa ông Netanyahu. Ông là một kẻ xâm lược và đang chiếm cứ những vùng đất không phải của mình. Cùng lúc đó ông cũng là một kẻ khủng bố”.

Đáp lại, ông Netanyahu cũng  viết trên trang Twitter cá nhân của mình rằng: “Ông Erdogan không quen bị người khác cãi lại và từ giờ ông ta phải quen với điều này. Ông ta đã chiếm cứ phía bắc đảo Cyprus và khu vực người Kurd, trở thành một tên đồ tể giết hại dân thường ở Afrin, ông ta không có quyền dạy bảo chúng tôi về giá trị đạo đức”. Khu vực Afrin tại miền Bắc Syria là nơi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự mang tên Cành Ô liu, đến nay đã bước sang tháng thứ 3.

5. Nga chỉ trích Mỹ, Anh vứt bỏ mọi phép tắc, khiêu khích "Chiến tranh Lạnh" mới

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.
Theo hãng tin RT, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov mới đây đã lên tiếng chỉ trích các phát ngôn của Anh và Mỹ về vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và nhận định rằng tình hình hiện tại còn tệ hơn cả thời Chiến tranh Lạnh.

“Đã có nhiều người nhận định rằng tình hình hiện nay còn tệ hơn cả thời Chiến tranh Lạnh, bởi vào thời đó các bên vẫn tuân thủ các quy tắc quan trọng ngay cả khi căng thẳng leo thang”, ông Lavrov nói.

Ngoại trưởng Nga cũng chỉ trích Anh, Mỹ và các nước phương Tây khác đã “vứt bỏ mọi phép tắc” và đang phát tán “những phát ngôn dối trá và không đúng sự thật”.

Vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal và con gái tại Salisbury (Anh) vào đầu tháng 3 vừa qua đã dẫn đến tình trạng căng thẳng ngoại giao tồi tệ nhất giữa London và Moscow trong vài năm trở lại đây. Anh cáo buộc Nga sử dụng chất độc thần kinh để đầu độc cựu điệp viên Nga, song Moscow đã liên tục phủ nhận cáo buộc này.

6. Tổng thống Nga Putin đến Thổ Nhĩ Kỳ bàn về S-400 và Syria

Lãnh đạo Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện tình đoàn kết trong vấn đề Syria. Ảnh: Reuters
Lãnh đạo Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện tình đoàn kết trong vấn đề Syria. Ảnh: Reuters
Mở đầu chuyến thăm kéo dài 2 ngày (3-4/4), Tổng thống Nga có bài phát biểu trước công nhân trong lễ khánh thành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ Akkuyu.

Tiếp đó, ông Putin có cuộc gặp song phương với Tổng thống nước chủ nhà Erdogan để bàn về thương vụ Nga bán tên lửa đất đối không S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, Nga sẽ cố gắng hết sức để có thể bàn giao hệ thống này cho Thổ Nhĩ Kỳ sớm nhất có thể.

Theo đó, những hệ thống đầu tiên sẽ được Nga chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2020 bất chấp việc một số đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ ở NATO, trong đó có Mỹ, đã thể hiện sự bất bình.

Ngoài ra, lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ tiến hành trao đổi về tình hình Syria cả trong các gặp song phương và với đối tác Iran. Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran là các nước bảo trợ cho lệnh ngừng bắn tại Syria và nỗ lực của bộ ba này đã giúp giảm căng thẳng cũng như dẫn đến sự thất bại của IS tại đây.

7. Hàng chục nghìn dân thường đã quay trở về nhà ở Đông Ghouta

Niềm vui của trẻ em Syria sau khi khu vực Harasta, Đông Ghouta được giải phóng ngày 28/3. (Nguồn: THX/TTXVN)
Niềm vui của trẻ em Syria sau khi khu vực Harasta, Đông Ghouta được giải phóng ngày 28/3. Nguồn: THX/TTXVN
Hãng thông tấn nhà nước SANA ngày 3/4 đưa tin tổng cộng 40.000 dân thường đã trở về nhà tại khu vực Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damacus của Syria và người dân sẽ còn tiếp tục quay trở lại khu vực này sau khi quân đội nước này tuyên bố đã giải phóng hoàn toàn Đông Ghouta. 

Cũng theo hãng tin SANA, 12.000 trẻ em từ Đông Ghouta đã trở lại trường học trong các nhà tạm trú của chính phủ. Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã sơ tán 1.100 phiến quân cùng gia đình họ từ Đông Ghouta lên phía Bắc Syria trong 24 giờ qua. 

Từ hôm 2/4, lực lượng phiến quân đã bắt đầu rời khỏi thị trấn Douma, thành trì cuối cùng ở Đông Ghouta, sau khi Nga thông báo đạt được thỏa thuận cho phép các nhóm phiến quân tại đây sơ tán. 

Tin mới