Chung sức phục dựng di tích đền Choọng

(Baonghean) - Đền Choọng vừa có giá trị lịch sử, văn hóa, vừa mang ý nghĩa khoa học, thẩm mỹ, là nơi sinh hoạt tâm linh của đồng bào các dân tộc anh em trên địa bàn Quỳ Hợp cũng như các vùng lân cận.

Phục dựng ngôi đền linh thiêng ở miền Tây xứ Nghệ là thành quả của sự nỗ lực và phối hợp giữa chính quyền các cấp với nhân dân, trong đó có sự góp sức không nhỏ của các doanh nghiệp địa phương.

San lấp mặt bằng khuôn viên Đền Choọng.
San lấp mặt bằng khuôn viên Đền Choọng.

Kịp thời quan tâm

Khôi phục đền Choọng từ lâu vốn là tâm nguyện thiết tha của đồng bào các dân tộc anh em huyện miền núi Quỳ Hợp. Trên cơ sở nguyện vọng chính đáng đó, Đảng bộ và chính quyền huyện Quỳ Hợp đã có những bước đi thể hiện sự quan tâm sát sao, kịp thời hỗ trợ, chỉ đạo công tác khôi phục di tích lịch sử đầy ý nghĩa này.

Trong đó, có lẽ không thể không nhắc tới sự chuẩn bị chu đáo, công phu đề án khôi phục Di tích đền Choọng, sự đốc thúc kịp thời của lãnh đạo huyện đối với việc thành lập Ban chỉ đạo đề án, nhanh chóng xin ý kiến từ sở, ngành cấp tỉnh để sớm hiện thực hóa mong ước bấy lâu của chính quyền và nhân dân địa phương.

Ngày 8/7/2011 đã trở thành dấu mốc quan trọng khi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng ý phục hồi, tôn tạo đền Choọng, xã Châu Lý, và UBND huyện đã đồng ý cho Công ty Cổ phần Bảo tồn di sản văn hóa Việt thuộc Hội di sản văn hóa Việt Nam lập phối cảnh phục hồi tôn tạo di tích.

Cùng với đó, không thể quên nhắc đến vai trò chủ động, tích cực phối hợp của Đảng ủy, UBND xã Châu Lý với các ban ngành, đơn vị liên quan để làm tốt nhiệm vụ khôi phục đền Choọng. Trong đó, tấm gương tiên phong phải kể đến Bí thư Đảng ủy Cao Duy Thái của xã Châu Lý, người nhiều năm cần mẫn chấp bút ghi lại sử sách xứ Mường Choọng, lập trang blog trực tuyến thu hút gần 6 vạn người xem tìm hiểu về nguồn gốc và lịch sử của mảnh đất, con người nơi đây.

Những ngày cận kề lễ hội năm nay, tìm về Châu Lý, dẫu gặp được Cao Duy Thái nhưng cũng khó ngồi cà kê hỏi chuyện anh được lâu, bởi anh còn tất bật với đủ thứ đầu việc, để đảm bảo cho lễ hội diễn ra suôn sẻ, du khách về đây sẽ cảm nhận được sự chu đáo, nồng hậu của nhân dân bản địa.

Thi công sân khấu phục vụ các hoạt động của lễ hội Đền Choọng.
Thi công sân khấu phục vụ các hoạt động của lễ hội Đền Choọng.


Tấm lòng thành kính của người dân

Bên cạnh cơ chế, chính sách thuận lợi, bầu nhiệt huyết của những người gánh vác trọng trách lãnh đạo, chỉ đạo, thành công hôm nay của đề án phục dựng phế tích đền Choọng còn phụ thuộc đáng kể vào nguồn vốn xã hội hóa, hay chính là sự đóng góp từ các doanh nghiệp và người dân địa phương.

Ông Võ Toàn Thắng - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa của huyện cho biết, sau khi Quỳ Hợp thành lập Ban vận động đóng góp tôn tạo và phục dựng đền Choọng mà nòng cốt là Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa của huyện, tính sơ bộ đến nay khoảng 40 doanh nghiệp đã hỗ trợ, tài trợ tiền mặt, máy móc, ngày công, hệ thống cây xanh, cây cảnh và cung tiến bằng các hiện vật khác…, với tổng giá trị hơn 7 tỷ đồng trong quá trình phục dựng khuôn viên Khu di tích lịch sử Đền Choọng. Trong số này, tiêu biểu có Công ty CP Đá và Khoáng sản Phủ Quỳ ủng hộ 850 triệu đồng, Công ty CP Khoáng sản và Thương mại Trung Hải ủng hộ 465 triệu đồng, Doanh nghiệp tư nhân Long Anh ủng hộ 400 triệu đồng,…

Người dân địa phương và các vùng phụ cận cũng nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể để quá trình phục dựng, tu bổ công trình đền diễn ra đúng tiến độ và kế hoạch đề ra. Các hộ dân sinh sống lâu năm quanh ngôi đền đều sẵn sàng di dời, hiến đất để giải phóng mặt bằng thi công các hạng mục. Các lực lượng thanh niên, dân quân tự vệ, hội phụ nữ, cựu chiến binh,... cũng hăng hái đóng góp ngày công, dành ra khoảng thời gian rảnh rỗi phát quang cây cỏ, san lấp đất đá, trồng cây xanh,...

Nhìn chung, trên tinh thần huy động mọi nguồn lực khả thi, công trình đền Choọng cũng như lễ hội năm nay đã được tiếp thêm sức mạnh cả về nhân lực, tài lực và vật lực, qua đó phản ánh vị thế của đền trong tâm thức mỗi người con quê hương Quỳ Hợp.

Lực lượng dân quân tự vệ dọn dẹp cảnh quan trong khuôn viên Đền Choọng trước thềm lễ hội.
Lực lượng dân quân tự vệ dọn dẹp cảnh quan trong khuôn viên Đền Choọng trước thềm lễ hội.


Xây dựng địa chỉ lịch sử, văn hóa tâm linh

Nhờ sự chung sức đồng lòng của các bên, đến nay, thành quả đạt được là công trình đền Thượng và một số hạng mục đã hoàn thành, đền Choọng đi vào hoạt động và có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương và du khách xa gần.

Đánh giá chung về kết quả phối hợp giữa chính quyền và nhân dân để cùng phục dựng lại ngôi đền thiêng của người Thái, ông Võ Sỹ Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, Trưởng Ban Quản lý đền cho biết: “Phục dựng đền Choọng và lễ hội là việc làm hợp lòng dân, được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều thành phần. Trong thời gian qua, công tác phục dựng diễn ra suôn sẻ, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện; bên cạnh sự chung sức, đồng lòng, tự nguyện di dời, giải phóng mặt bằng từ phía người dân; sức người, sức của đóng góp từ các doanh nghiệp, ngôi đền thiêng đã được khoác lên mình diện mạo mới. Người dân xã Châu Lý nói riêng và Quỳ Hợp nói chung hiện rất háo hức, chờ đợi ngày khai hội đền Choọng, tin rằng lễ hội sẽ thành công rực rỡ”.

Đền Choọng phục dựng.
Diện mạo mới của đền Choọng sau khi phục dựng.

Về với đền Choọng năm nay, du khách không khỏi ấn tượng trước dáng vẻ uy nghiêm, đẹp đẽ của ngôi đền sau khi đã hoàn tất các hạng mục cơ bản. Đó là minh chứng cho quyết tâm phấn đấu của những người con trên mảnh đất Phủ Quỳ, để đưa đền Choọng sớm trở thành ngôi đền đẹp nhất, bề thế nhất miền Tây Nghệ An.

Thu Giang

TIN LIÊN QUAN

Tin mới