Chúng ta dạy con cái thế nào về niềm tin?

CHÚNG TA DẠY CON CÁI THẾ NÀO VỀ NIỀM TIN?

Một đứa bé mới bước vào lớp 1 bị chết trên xe buýt trường học. Một đứa bé khác vừa học xong tiểu học, mẹ đưa đi học khóa tu luyện mùa hè, bị sư thầy bạo hành, dâm ô mỗi đêm vẫn lết ra chân Quan Âm Bồ Tát cầu mong có mẹ đến đón con về, những học sinh mầm non bị bỏng đến hơn 40 – 50% trong tiết học thoát khỏi đám cháy ở trường… Ở những môi trường tưởng như an toàn, thiện lành đang xảy ra những chuyện rúng động mà nạn nhân lại chính là trẻ nhỏ.

Tôi vẫn nghĩ, thật khó để dạy con cái mình bài học niềm tin về một cuộc sống tươi đẹp, trong hoàn cảnh bây giờ.

Thật khó để dạy con về niềm tin khi mà chính phụ huynh đang khủng hoảng cùng cực. Những cửa hàng bán đồng hồ định vị bất chợt tăng doanh số trong mấy ngày qua khi vụ tan nạn thương tâm xảy ra cùng thời điểm chuẩn bị bước vào năm học mới. Không hề là sự a dua, đơn giản là khi không tin ở con người thì người ta tin ở thiết bị máy móc (phụ huynh nào cũng có thể hoang mang nghĩ biết đâu đấy, lúc nào đấy tai ương có thể giáng lên gia đình mình, chính con mình gặp phải và một cái đồng hồ định vị có thể giúp con gọi bố mẹ bất cứ lúc nào sẽ giải quyết được bao nhiêu hậu quả).

Khủng hoảng niềm tin chẳng ở đâu xa, ở chính câu chuyện cùng một nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi cũng là một giáo chức về hưu, hôm kia tôi vừa gặp. Ông háo hức kể về mô hình giáo dục “lớp học hạnh phúc” do chính những người có tâm huyết với giáo dục tự tổ chức với phương châm cùng trẻ phát triển – chứ không phải ép trẻ học đến “đầu to mắt cận” không còn thời gian để vui, để trò chuyện cùng gia đình. Hai đứa cháu nội của ông rời trường điểm có tiếng của thành phố để theo học mô hình này từ hai năm nay đều thấy rõ tính tích cực. “Nếu cháu tin và thấy phù hợp thì cứ tìm hiểu rồi đăng ký cho con mình học; khi bé còn nhỏ, rất dễ uốn nắn”. Thú thực là tôi cũng như nhiều bố mẹ khác, có những lúc niềm tin bị lung lay khi thấy nhiều bất cập trong giáo dục, nhưng chưa đủ dũng khí và đặt niềm tin sang những lớp học hạnh phúc như nhà văn chia sẻ.

Khủng hoảng niềm tin ở chính câu chuyện các phụ huynh vẫn bàn với nhau ngay từ những ngày đầu năm học. Trẻ học lớp 1, lớp 2, phụ huynh đã nhiệt tình lập từng nhóm năn nỉ nhờ giáo viên dạy kèm, mặc kệ ngành Giáo dục vẫn ra rả “cấm dạy thêm, học thêm”. Mặc kệ, bỏ một chút mất công đưa đón, nhịn chút ăn mặc lại để tin rằng theo học cô thì con không bị “đì”. Dù thực tế là rất nhiều cô giáo kiên quyết nói không với dạy thêm, nhiều thầy cô không hề phân biệt giữa học sinh đi học thêm mình hay không học thêm mình. Chỉ đứa trẻ bé xíu, cặp to hơn người là ngáo ngơ phát tội khi xoay vòng từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối ở trường – ngoài đường, ở lớp học thêm; không còn khái niệm vui chơi, không có thời gian dành cho những đam mê hữu ích như đọc sách, trồng cây…

Chưa bao giờ câu chuyện du học lại thu hút các phụ huynh nước Việt như thời điểm này. Gia đình có điều kiện cho con đi du học đã đành, ít điều kiện nhưng vẫn sẵn sàng bán nhà đất lên ở chung cư để có tiền cho con “tị nạn giáo dục”. Những đứa trẻ 5, 6 tuổi được ba mẹ đầu tư học Anh văn ở các trung tâm đắt đỏ, uy tín trước cả học Toán, Văn… với niềm tin rằng, có “chìa khóa” Anh văn con sẽ rộng cửa vào đời; bay đi được đâu càng xa càng tốt. Trẻ đi học mẫu giáo, nhiều ba mẹ đã nghĩ chuyện để dành tiền cho con đi du học sau khi học xong phổ thông. Không ít “gà con” đi du học từ lớp 9, lớp 10 chới với, chơi vơi khi chưa đủ kỹ năng sống, chưa tự lo được những vấn đề cá nhân mình.

Hành trình du học của con cũng chính là hành trình nước mắt của không ít bà mẹ. Bạn tôi kể, bạn khóc từ trước ngày tiễn con đi cho đến ngày đón con về nghỉ lễ. Và hành trình ấy lặp lại cho đến hơn hai năm sau, khi con 17 tuổi, tạm đủ lông, đủ cánh cứng cáp nơi xứ người. Không khóc sao nổi khi ngày đi, thằng bé chỉ biết rửa bát và… nấu mì. Không ít du học sinh về nước lại phải tự mình tìm cách “hòa nhập” trên chính quê mình. Trách con một thì phải trách bố mẹ chín, mười. Lại thầm ước ao có một môi trường giáo dục đủ tin cậy để có thể neo giữ con gần mình trước khi con đủ cứng cáp.

* * * * *

Hôm kia, tôi dành cả buổi sáng để cho con gái xem những clip hướng dẫn thoát hiểm khi ô tô bị đóng mà mình chưa kịp thoát ra ngoài. Những cách thoát hiểm này, thú thực tôi chưa bao giờ xem suốt 36 năm qua, từ khi mình là đứa trẻ cho đến khi đã là mẹ của những đứa trẻ. Và chắc cũng không ít ông bố, bà mẹ như tôi, giật mình cùng con học trên mạng, sau tai nạn đau lòng của một đứa trẻ nơi xa. Ngoại trừ phòng tránh đuối nước, hỏa hoạn đã quá phổ biến (cả nhà trường và gia đình cùng nhắc nhở các con nhiều lần) bao lần trước đó cũng rơi vào tình huống thụ động tương tự: Dạy con an toàn, biết bấm chuông khẩn cấp khi đi thang máy, khi có một em bé bị dâm ô, dạy con biết tránh vào nhà người khác hoặc đi chơi với người khác giới khi chỉ có một mình khi có một bé gái bị hàng xóm hại, biết tránh xa người lạ và phân biệt người lạ tốt, xấu khi đọc tin trẻ bị bắt cóc… Mà điều lạ kỳ thay, ngoài không ít bà mẹ thụ động trong cách dạy con, không ít trường học cũng thụ động tương tự. Rất nhiều trường, lớp chỉ gióng lên hồi chuông cảnh báo khi có đứa trẻ nào đó không may và thầm nghĩ trong âu lo: May quá không phải ở trường lớp, gia đình mình. Trong không ít trường hợp tai họa, không dám tin rằng không bao giờ có chuyện tương tự như thế xảy ra với chính mình.

Những bài học về niềm tin tôi kể cho con gái nho nhỏ, đơn giản thôi, như hôm nay con gieo những hạt hoa xuống đất, chăm bẵm và yêu thương cái cây, nhất định sẽ có hoa trái đáp đền. Nếu con chăm chỉ học đàn, hôm nay con kéo dở, nhưng nhất định năm sau sẽ hay hơn. Tôi thường ghi lại clip để con so sánh thật cụ thể. Những bài học về niềm tin với độ tuổi của con đa số vẫn chỉ là qua cổ tích, ngụ ngôn. Là câu chuyện “Sói đến rồi” có cậu bé chăn cừu nói dối sẽ bị mất niềm tin của mọi người, hậu quả là cả đàn cừu bị ăn thịt, cậu bé may mắn chạy thoát. Là chuyện niềm tin và lòng tốt đặt sai chỗ khi bác nông dân cứu con rắn bị ngất xỉu vì lạnh ngoài đường, ủ ấm cho nó nhưng không may bị con rắn cắn chết sau khi tỉnh lại. Là chuyện niềm tin nếu gieo lòng tốt sẽ gặt lòng tốt, cả bồ câu lẫn kiến đều có thể cứu mạng nhau khi mang chung lòng nhân ái… Tất cả thế giới niềm tin ấy đều có trong cuốn ngụ ngôn La Phông Ten bé thích.

Và tôi ước gì, trong cuộc sống này, chỉ cần kể cho con những bài học về niềm tin giản đơn như vậy thôi…