Ngày hè của học sinh huyện Đô Lương

Chung tay bảo vệ và chăm sóc trẻ em

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Tháng hành động Vì trẻ em là dịp để toàn xã hội cùng chung tay, bảo vệ và có các hành động vì sự phát triển và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Dịp này, Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn bà Lê Thị Nguyệt - Trưởng phòng Trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Không chủ quan với đuối nước

P.V: Thưa bà, vừa bắt đầu Hè nhưng chúng ta đã nghe nhiều thông tin về một số vụ đuối nước thương tâm. Sau những sự việc đau lòng này, điều bà trăn trở nhất là gì?

Bà Lê Thị Nguyệt: Hàng năm, trung bình toàn tỉnh xảy ra 52 vụ đuối nước trẻ em làm 54 em bị tử vong do đuối nước, trong đó, nhóm 5-16 tuổi chiếm nhiều nhất. Đây thực sự là những vụ việc đau lòng và không ai lại không xót xa.

Qua các vụ việc liên quan đến trẻ em bị tử vong do đuối nước trên địa bàn tỉnh, bản thân tôi quan tâm nhất đến 3 vấn đề: Thứ nhất, tỷ lệ đuối nước tại ao nhà, hồ nước gần nhà khá cao, chiếm tỷ lệ 34% (năm 2020) và 40,4% (năm 2021). Riêng trong thời điểm trẻ nghỉ học ở nhà để phòng, chống dịch Covid-19 số trẻ em bị đuối nước tăng cao hơn.

Một buổi học bơi của học sinh Trường Tiểu học và THCS Thực hành sư phạm. Ảnh: P.V

Một buổi học bơi của học sinh Trường Tiểu học và THCS Thực hành sư phạm. Ảnh: P.V

Điều này nói lên trọng trách rất lớn của gia đình trong quản lý, giám sát, chăm sóc, và một bộ phận gia đình còn chủ quan, xem nhẹ vấn đề quản lý, giám sát, giáo dục trẻ em về kiến thức, kỹ năng về bơi, cứu đuối, an toàn trong môi trường nước; chưa có khả năng đề phòng và giải quyết (sơ cứu) khi trẻ em gặp phải tai nạn đuối nước. Nhiều trường hợp bố mẹ đi vắng, các con tự chơi gần ao, hồ, sông nước nên khi sự cố xảy ra không có sự giúp đỡ, hỗ trợ, can thiệp kịp thời.

Thứ hai, chúng ta cũng thấy rằng, hiện nay tỷ lệ trẻ em, học sinh được dạy bơi, hướng dẫn kỹ năng bơi, cứu đuối, kỹ năng xử lý trong môi trường nước còn quá ít. Nếu các em không biết bơi, hoặc tuy đã biết bơi nhưng chưa được hướng dẫn kỹ năng bơi, cứu đuối, kỹ năng xử lý an toàn trong môi trường nước thì nguy cơ các em bị đuối nước rất cao.

Thứ ba, kinh tế của tỉnh dù đã có sự tăng trưởng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, nên kinh phí đầu tư các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em, trong đó có bể bơi còn thiếu; việc xã hội hóa, vận hành bể bơi còn gặp nhiều khó khăn. Từ thực tế trên càng đòi hỏi cần có những giải pháp tạo điều kiện để trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nói riêng có thể tiếp cận được các chương trình học bơi, được hướng dẫn kỹ năng bơi, cứu đuối, kỹ năng xử lý an toàn trong môi trường nước.

P.V: Nghệ An được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chọn là 1/12 tỉnh thực hiện Dự án “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước cho trẻ em tại Việt Nam" trong năm qua. Bà có thể chia sẻ thông tin về dự án này?

Bà Lê Thị Nguyệt: Được sự hỗ trợ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Quỹ Từ thiện Bloogber tài trợ kinh phí, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai thực hiện hiệu quả một số hoạt động của Dự án "Hỗ trợ can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam" năm 2021 tại 2 huyện Yên Thành và Diễn Châu của tỉnh Nghệ An.

Hướng dẫn học sinh cách sơ cứu khi gặp đuối nước. Ảnh: P.V

Hướng dẫn học sinh cách sơ cứu khi gặp đuối nước. Ảnh: P.V

Mục tiêu của dự án là nâng cao nhận thức về nguy cơ và các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em cho các cấp, các ngành, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và cộng đồng. Tăng cường dạy bơi và nâng cao kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ 6 đến 15 tuổi tại các xã triển khai dự án. Việc triển khai dự án sẽ là cơ sở để chúng ta nhân rộng trong toàn tỉnh và hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đuối nước trẻ em.

P.V: Như chúng ta đã biết, để làm tốt công tác phòng, chống đuối nước thì không chỉ riêng vai trò của ngành Lao động mà còn có sự phối hợp của nhiều ban, ngành. Trong những năm qua, việc phối hợp của Nghệ An đã được thực hiện như thế nào thưa bà? Hiện, đây cũng là một công việc rất khó khăn và để làm tốt công tác này, theo bà chúng ta cần có giải pháp gì?

Bà Lê Thị Nguyệt: Tôi có thể khẳng định thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã vào cuộc mạnh mẽ thực hiện công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em, nhất là công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em. Những năm qua, chúng ta đã tổ chức hàng trăm buổi truyền thông, xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn” xây dựng môi trường an toàn cho trẻ tại gia đình, trường học và cộng đồng gắn với việc xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em trên địa bàn.

Một buổi truyền thông về phòng, chống đuối nước ở Trường THCS Hưng Bình. Ảnh: P.V

Một buổi truyền thông về phòng, chống đuối nước ở Trường THCS Hưng Bình. Ảnh: P.V

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã triển khai mô hình "Trẻ em toàn xã biết bơi", "Học sinh toàn trường biết bơi" và mở hàng chục lớp học bơi miễn phí cho hàng nghìn học sinh. Các tổ chức Đoàn Thanh niên, các trường học đã làm tốt công tác tuyên truyền đến tận các gia đình, phụ huynh và học sinh, nhắc nhở phụ huynh giám sát, quản lý chặt chẽ con, em mình trong dịp nghỉ Hè; tổ chức rà soát cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra đuối nước. Trong điều kiện khó khăn, nhiều đơn vị đã cải tạo, vệ sinh môi trường tại các khe, đập nước và mở các lớp tập bơi miễn phí cho các em trong dịp Hè.

Tuy nhiên, phải nói rằng, công tác phòng, chống đuối nước hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập và ngoài sự nỗ lực của các ban, ngành cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự quan tâm, chăm lo của các gia đình. Với đặc thù của Nghệ An, chúng ta cần tiếp tục tổ chức kiểm tra, rà soát, làm rào chắn, san lấp, cắm biển báo, biển cấm, khoanh vùng tại các hố công trình, bãi biển, sông, suối, kênh, đập, ao, hồ, các bến đò ngang, khu vực nước sâu… Đồng thời, chuẩn bị dự phòng các dụng cụ cứu đuối tại các điểm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em, nhất là trong dịp Hè và mùa mưa lũ.

Để có nhiều kỷ niệm đẹp trong mùa Hè

P.V: Việt Nam vừa trải qua hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tác động đến mọi mặt của xã hội. Điều này ảnh hưởng thế nào đến con trẻ, thưa bà?

Bà Lê Thị Nguyệt: Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp và bùng phát trên diện rộng ở các huyện, thành, thị, trẻ em cũng là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề. Điều thấy rõ ràng nhất là các em bị gián đoạn học tập; các em không được đến trường và phải chuyển sang dạy học trực tuyến. Một số trẻ độ tuổi mẫu giáo, mầm non bố mẹ đi làm, một số gia đình có cả bố và mẹ thực hiện theo phương án “3 tại chỗ” nên phải nhờ người thân hoặc anh, chị em tự chăm sóc nhau nên chưa thật sự được đảm bảo về kiến thức nuôi dưỡng, an toàn, vệ sinh...

Gần 3 năm qua, các em bị hạn chế vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động xã hội, tương tác cộng đồng. Bên cạnh đó, việc tăng thời gian sử dụng Internet và mạng xã hội, dễ bị ảnh hưởng của thông tin xấu, độc, bị bắt nạt, lợi dụng, xâm hại thông qua môi trường mạng.

Lớp học năng khiếu của Trường Mầm non Hoa Sen. Ảnh: Đức Anh

Lớp học năng khiếu của Trường Mầm non Hoa Sen. Ảnh: Đức Anh

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn tăng lên, nhiều em bỗng dưng trở thành mồ côi. Thời gian qua, thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện tốt việc huy động nguồn lực hỗ trợ các em.

P.V: Trong bối cảnh đặc biệt trên, theo bà, chúng ta nên tổ chức một mùa Hè như thế nào để thực sự có ý nghĩa với con trẻ? Bà có đồng tình với việc học sinh phải đi học quá nhiều trong dịp Hè không?

Bà Lê Thị Nguyệt: Sau một năm học dài với nhiều bài tập và thi cử, những buổi học thêm liên tục có thể ảnh hưởng đến thời gian sinh hoạt của các bạn nhỏ. Vì thế, Hè là khoảng thời gian lý tưởng để các con cân bằng lại chế độ sinh hoạt của mình bằng những việc đơn giản như đi ngủ và thức dậy đúng giờ, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng… và có một sức khỏe thật tốt cho năm học sắp tới.

Để có một mùa Hè bổ ích và ý nghĩa, có nhiều kỷ niệm đẹp, tôi thiết nghĩ, trong dịp Hè, các bố, mẹ không nên bắt con phải học các môn về văn hóa quá nhiều. Thay vào đó, bố mẹ hãy giúp trẻ rèn luyện được ý thức tự học, để các em tự ôn tập và học thêm các kiến thức có trong sách giáo khoa. Ngoài ra, nên cho các con học thêm các môn về thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Ngày Hè của học sinh xã Hưng Tân (Hưng Nguyên). Ảnh: M.H

Ngày Hè của học sinh xã Hưng Tân (Hưng Nguyên). Ảnh: M.H

Hè là khoảng thời gian lý tưởng nhất để bố mẹ dạy con mình làm việc nhà mà không sợ ảnh hưởng tới thời gian học tập. Chính từ những việc nhà mà có thể giúp trẻ tìm thấy niềm vui và trưởng thành hơn. Ngày Hè cũng trở nên ý nghĩa nếu các con được về quê, tham gia các buổi sinh hoạt Hè tại địa phương… Tôi tin rằng, sau gần 3 năm các con bị hạn chế các hoạt động thì năm nay các con sẽ có một mùa Hè bổ ích và lý thú.

P.V: Tháng hành động Vì trẻ em năm nay được thực hiện với chủ đề "Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”. Đây phải chăng cũng là vấn đề nhức nhối hiện nay và chúng ta cần phải làm gì để Tháng hành động Vì trẻ em năm nay thực sự có ý nghĩa thiết thực?

Bà Lê Thị Nguyệt: 3 năm gần đây, số lượng vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý trên địa bàn tỉnh có giảm, nhưng tỷ lệ giảm không nhiều. Từ năm 2019 đến năm 2021, toàn tỉnh có 81 vụ/93 bị can/85 trẻ bị hại. Điều đáng nói các vụ việc xâm hại trẻ em ngày càng nguy hiểm, có những trường hợp trẻ em bị xâm hại tuổi còn quá nhỏ. Phần lớn các đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em đều có quan hệ nhất định với người thân hoặc chính trẻ em bị xâm hại, như: bố, mẹ, bạn bè, hàng xóm, giáo viên, người có trách nhiệm chăm sóc, người quen của trẻ em.

Học sinh huyện Đô Lương tham gia Câu lạc bộ "Hát dân ca". Ảnh: M.H

Học sinh huyện Đô Lương tham gia Câu lạc bộ "Hát dân ca". Ảnh: M.H

Theo thống kê, cuối năm 2021, tỉnh ta có 13.619 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 126.919 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, đây là nhóm trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực cao. Trong khi đó, nhận thức về công tác bảo vệ trẻ em nói chung và công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại, mua bán trẻ em, bạo lực học đường nói riêng của người dân, học sinh chưa đầy đủ, sâu sắc. Công tác truyền thông vận động, nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, về giới tính, tâm, sinh lý lứa tuổi trẻ em có nơi còn hạn chế. Một số gia đình thiếu kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, hiểu biết về luật pháp, về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em còn hạn chế. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các đoàn thể, chính quyền cơ sở trong quản lý, giám sát, chăm sóc trẻ em ở một số nơi chưa chặt chẽ, có lúc chưa hiệu quả.

Đây sẽ là những thách thức cho chúng ta và hơn bao giờ hết, cả cộng đồng phải cùng chung tay để lên án hành động này và bảo vệ trẻ em bằng nhiều việc làm thiết thực và ý nghĩa. Chúng ta cần tăng cường nhận thức hành vi của xã hội, của cộng đồng dân cư và phải mạnh dạn lên tiếng, tố cáo các hành vi, các nghi ngờ về xâm hại trẻ em. Đừng để xảy ra vụ việc khi quá phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng rồi thì chúng ta mới giải quyết, mới can thiệp.

P.V: Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Tin mới