Chung tay loại trừ bệnh dại khỏi cộng đồng

(Baonghean.vn) - Thực hiện Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021, Nghệ An đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Thành quả từ sự nỗ lực
Ông Đặng Văn Minh - Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phấn khởi cho hay: “Trong thời gian qua, các cấp chính quyền trong toàn tỉnh đã thực sự quan tâm đến công tác phòng chống bệnh dại, đặc biệt là tuyến cơ sở trước đây thường “bỏ ngỏ” cho lực lượng thú y thì nay đã quán triệt, chỉ đạo các ban, ngành cùng phối hợp vào cuộc, chung tay loại trừ bệnh dại ra khỏi cộng đồng”.
Bệnh dại dần được đẩy lùi, các ca bệnh người tử vong do bệnh dại giảm dần theo từng năm và rất đáng mừng là từ đầu năm đến nay chưa phát sinh trường hợp tử vong; số người bị tử vong do bệnh dại giai đoạn 2017 - 2021 là 33 người, giảm 14 trường hợp so với giai đoạn 2013 - 2016. Nhận thức của người dân về quản lý đàn chó nuôi cũng dần thay đổi, bà con cơ bản đã xác định được chó nuôi là mối nguy cơ cao dẫn đến bệnh dại ở người, từ đó nâng cao ý thức trong phòng, chống bệnh dại, tiêm phòng, quản lý đàn chó nuôi; người khi bị chó cắn đi tiêm phòng ngay, hạn chế tối đa các biện pháp sử dụng thuốc nam để điều trị bệnh dại.
Cán bộ thú y huyện Đô Lương tiêm phòng vắc-xin cho đàn chó nhà của người dân. Ảnh: Phú Hương
Cán bộ thú y huyện Đô Lương tiêm phòng vắc-xin cho đàn chó nhà của người dân. Ảnh: Phú Hương
Có được kết quả đó, là nhờ sự nỗ lực của tất cả các cấp ngành cũng như sự chung tay nỗ lực của người dân. Công tác tiêm phòng vắc xin được thực hiện 2 vụ/năm. Công tác tuyên truyền được tăng cường thường xuyên bằng nhiều hình thức như báo, đài, tập huấn, băng rôn, loa phóng thanh, giúp người dân hiểu về sự nguy hiểm của dịch. Công tác giám sát phát hiện, báo cáo dịch được thực hiện kịp thời từ cơ sở, hộ chăn nuôi đến huyện, tỉnh nên việc chống dịch, xử lý ổ dịch được thực hiện nhanh chóng. Khi có dịch bệnh xảy ra,  cơ quan chuyên môn thú y phối hợp với cơ quan y tế, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, xử lý trong diện hẹp, không để lây lan ra diện rộng. Công tác thu thập và chia sẻ thông tin giữa ngành Thú y và Y tế được thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm phát hiện, xử lý sớm các trường hợp chó, mèo nghi mắc bệnh dại, bị bệnh dại. 
Vẫn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh
Thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Nghệ An hiện có 485.765 con chó, trong đó trên 85% được nuôi ở vùng nông thôn. Thực tế, chó là đối tượng vật nuôi phổ biến ở các hộ gia đình, đặc biệt vùng nông thôn, miền núi; chủ yếu nuôi nhỏ lẻ, tận dụng với mục đích giữ nhà là chính, chưa hình thành chăn nuôi theo hình thức tập trung mà thường thả rông; việc nuôi chó, mèo cảnh đang dần trở nên phổ biến tại một số địa phương như thành phố Vinh, TX Thái Hòa, TX Cửa Lò.
Chó là động vật hung dữ, nuôi thả rông là chủ yếu nên việc bắt giữ, tiêm phòng, giám sát gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa
Chó là động vật hung dữ, nuôi thả rông là chủ yếu nên việc bắt giữ, tiêm phòng, giám sát gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa
Từ năm 2017 đến hết tháng 5/2021, toàn tỉnh có 34 ổ dịch bệnh dại tại 14 huyện, thị là Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu, Đô Lương, Nam Đàn… Bệnh chủ yếu xảy ra ở các huyện miền núi và vùng nông thôn, trung bình mỗi năm có khoảng 9.500 người bị chó, mèo cắn, cào phải đi điều trị dự phòng bệnh dại. “Khó khăn nhất, chó là động vật hung dữ, nuôi thả rông là chủ yếu nên việc bắt giữ, tiêm phòng, giám sát gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, một số người dân chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tác dụng của tiêm phòng, còn lơ là, chủ quan cho rằng hiện không có ổ dịch dại, và chỉ khi nào có dịch mới tiêm phòng hoặc chỉ tiêm phòng cho chó vào thời điểm nắng nóng, nhất là tại các huyện miền núi, vùng dân cư thưa thớt, vì thế tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin dại chó đạt rất thấp.
Trong khi thực tế, những trường hợp chó phát dại đều chưa được tiêm phòng vắc-xin hoặc đã tiêm phòng nhưng hết thời gian miễn dịch. Bên cạnh đó, các hành vi vi phạm như không tiêm vắc-xin, không đeo rọ mõm… chỉ mới được nhắc nhở, chưa áp dụng nghiêm chế tài xử phạt.

“Với những điều kiện nuôi thực tế trên địa bàn tỉnh, trong nhiều năm tới,  nguy cơ tiềm ẩn và xảy ra dịch bệnh vẫn đang ở mức cao do vi rút dại vẫn đang lưu hành, tồn tại trong môi trường và vật nuôi”.

Ông Ngô Đức Quỳnh - Chi cục Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp
Xác định tiêm phòng là giải pháp ưu tiên hàng đầu để tạo miễn dịch chủ động, hạn chế dịch bệnh bùng phát và lây lan nên công tác này luôn được Nghệ An chú trọng. Mỗi năm, toàn tỉnh có hai đợt tiêm phòng tập trung, ngoài ra tiêm bổ sung cho chó mới nhập đàn, mới sinh. Tuy nhiên, kết quả tiêm phòng đang ở mức rất thấp, từ 16-30%. Trong giải pháp nhằm tiến tới loại trừ bệnh dại, những năm tới, Nghệ An tiếp tục nỗ lực nâng cao tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin bệnh dại. Theo đó, đề nghị Trung ương hỗ trợ vắc-xin cho các xã thuộc khu vực miền núi khó khăn, UBND tỉnh hỗ trợ vắc-xin cho vùng ổ dịch cũ, vùng nguy cơ cao đối với bệnh dại, vùng tập trung đông dân cư, vùng du lịch.
Tiêm phòng là giải pháp ưu tiên hàng đầu để tạo miễn dịch. Ảnh minh họa
Tiêm phòng là giải pháp ưu tiên hàng đầu để tạo miễn dịch. Ảnh minh họa
Đặc biệt, trong điều trị dự phòng, tỉnh đang đề nghị Trung ương hỗ trợ tiêm vắc-xin miễn phí cho người nghèo ở khu vực có nguy cơ cao,  như vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; hoặc tiêm vắc-xin miễn phí dự phòng trước phơi nhiễm cho người có nguy cơ cao như cán bộ thực hiện nhiệm vụ chống dịch, lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, tiêm phòng cho chó; làm tốt công tác điều tra và xử lý ổ dịch. Đồng thời, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực này, như hỗ trợ công tác kiểm dịch vận chuyển chó, mèo ra khỏi địa bàn cấp tỉnh; có nguồn dự trữ quốc gia về vắc-xin dại để cấp phát cho các địa phương tiêm bao vây khẩn cấp ổ dịch dại động vật… Nâng cao năng lực chẩn đoán, xét nghiệm bệnh dại cho phòng thí nghiệm của các Chi cục Thú y vùng, bảo đảm đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống; hỗ trợ vắc-xin, chi phí xét nghiệm cho vùng xây dựng an toàn dịch bệnh dại động vật./.

Tin mới