Chung tay xóa mù chữ trên toàn thế giới

(Baonghean.vn) - Ngày quốc tế xóa nạn mù chữ được thành lập bởi UNESCO  sau Hội nghị thế giới để xóa nạn mù chữ vào tháng 9/1965 tại Tehran và lần đầu tiên tổ chức vào ngày 8/9/1966.

Năm 2017 kỷ niệm 51 năm Ngày quốc tế xóa nạn mù chữ. Đây là dịp để cùng nhìn lại những cam kết, nỗ lực, tiến bộ đạt được ở cấp quốc gia và quốc tế nhằm cải thiện tỷ lệ biết chữ trên toàn thế giới; đồng thời giải quyết những thách thức hiện tại và tìm kiếm giải pháp sáng tạo để nâng cao hơn nữa hiểu biết trong tương lai.

Theo Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), khả năng biết đọc, biết viết là "khả năng nhận biết, hiểu, sáng tạo, truyền đạt, tính toán và dùng chữ được in và viết ra, liên kết cùng với văn cảnh khác nhau". Và mù chữ được hiểu là tình trạng người không biết đọc, không biết viết.

Biết đọc, biết viết là một quyền của con người .Ảnh minh họa
Biết đọc, biết viết là một quyền của con người .Ảnh minh họa

Cách đây 51 năm, UNESCO đã quyết định chọn ngày 8/9 hàng năm để kỷ niệm Ngày quốc tế xóa nạn mù chữ. Ngày này được kỷ niệm lần đầu tiên vào năm 1966, với mục đích nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc phổ cập giáo dục cho các công dân, các cộng đồng và toàn xã hội; đồng thời tích cực vận động cộng đồng quốc tế và thúc đẩy công cuộc xóa nạn mù chữ như một công cụ để trao quyền cho các cá nhân, cộng đồng và xã hội.

Biết đọc, biết viết là một quyền của con người, một công cụ quyền lực của cá nhân và là một nhân tố phát triển xã hội và con người. Các kỹ năng đọc và viết là điều kiện tiên quyết cho việc học tập rộng hơn các kiến thức, kỹ năng, thái độ và những giá trị cần thiết để tạo ra các xã hội bền vững. Việc xóa nạn mù chữ sẽ mở ra khả năng tiếp cận với giáo dục cho con người.

Xóa nạn mù chữ là trung tâm của 6 mục tiêu Giáo dục cho mọi người được đề ra năm 2000. Đây cũng là việc làm mấu chốt để hạn chế đói nghèo, giảm thiểu tỷ lệ tử vong ở trẻ em, ngăn chặn đà tăng trưởng dân số, thiết lập bình đẳng giới và bảo đảm phát triển bền vững, hòa bình và dân chủ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một nền giáo dục cơ sở tốt sẽ mang đến cho người học các kỹ năng đọc, viết, giúp họ trong suốt cuộc đời và cho phép họ có thể tiếp nhận các kiến thức khác; những bậc phụ huynh biết chữ gửi con em họ tới trường nhiều hơn; những người biết chữ cũng mong muốn được tiếp tục đào tạo lên các cấp cao hơn; và vì vậy, xã hội biết chữ có thể tiến bộ hơn, có đủ khả năng loại bỏ các thách thức của sự phát triển.

Chúng ta đang thực hiện Chương trình phát triển bền vững vào năm 2030, do vậy, tầm nhìn về việc xóa nạn mù chữ gắn với cơ hội học tập suốt đời và tập trung đặc biệt vào đội ngũ thanh niên và người trưởng thành.

Xóa nạn mù chữ là một phần của mục tiêu số 4, phát triển bền vững, nhằm mục đích để "bảo đảm tiếp cận phổ cập giáo dục chất lượng trên cơ sở bình đẳng, và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời". Mục tiêu là đến năm 2030, tất cả các thanh niên và một tỷ lệ đáng kể người trưởng thành, nam giới và phụ nữ, biết đọc, viết và đếm (mục tiêu 4.6 của các Mục tiêu phát triền bền vững).

Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là cho tới thời điểm hiện tại, khi thập kỷ đầu của thế kỷ XXI đã trôi qua, vẫn có hàng triệu người chưa biết chữ và việc xoá mù chữ vẫn là vấn đề mang tính cấp bách được cả thế giới quan tâm.

Mặc dù dân số thế giới đã tăng lên đáng kể song số lượng thanh niên không biết chữ giảm 25% trong giai đoạn năm 1990   2015. Tiến bộ này đã phát huy cho nữ giới khi tại 43 quốc gia, cân bằng về giới đã ghi nhận nhiều bước tiến đáng kể. Ngoài ra, phong trào giáo dục toàn cầu cho tất cả mọi người cũng bắt đầu có nhiều thay đổi tích cực.

​UNESCO lo ngại tình trạng trẻ em bị thất học trên thế giới
​UNESCO lo ngại tình trạng trẻ em bị thất học trên thế giới.

Hiện vẫn còn 75 triệu người trưởng thành, trong đó 2/3 là phụ nữ, vẫn chưa biết đọc và biết viết. Bị gạt ra bên lề của xã hội, họ không được hưởng bất kỳ một lợi ích nào của quá trình toàn cầu hóa, nhưng lại phải chịu mọi phí tổn.

Những người phụ nữ và nam giới này phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe, bị lạm dụng và bị vi phạm các quyền con người. Họ có nhiều khả năng bị thất nghiệp và được trả lương ít hơn khi họ có một việc làm. Không có khả năng đọc hay viết, họ không thể thực hiện hết tiềm năng của mình, và những cộng đồng này luôn bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của nghèo đói, bạo lực và xung đột.

Trong bối cảnh đó, xóa nạn mù chữ đồng nghĩa với xóa bỏ đói nghèo. Đó cũng là cam kết thực hiện trong Chương trình phát triển bền vững vào năm 2030. Xóa nạn mù chữ là nền tảng mà từ đó chúng ta sẽ xây dựng một tương lai bền vững hơn cho tất cả mọi người.

UNESCO công bố giải thưởng quốc tế về xóa nạn mù chữ 2017

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công bố các cá nhân và tập thể giành Giải thưởng Xóa mù chữ quốc tế năm 2017 vì những nỗ lực và sáng kiến xuất sắc của họ trong việc thúc đẩy xóa mù chữ trên khắp thế giới.

Các giải thưởng năm nay thuộc về 5 cá nhân và tập thể đến từ Canada, Colombia, Jordan, Pakistan và Nam Phi.

Theo Ban tổ chức: Các giải thưởng được chia thành 2 hạng mục mang tên “Khổng tử” do Trung Quốc tài trợ và “Vua Sejong” do Hàn Quốc tài trợ.

Giải “Khổng tử” được trao cho các dự án của Columbia, Pakistan và Nam Phi trong việc thúc đẩy xóa nạn mù chữ ở phụ nữ và thanh niên, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Trong khi đó, giải “Vua Sejong” đã tìm được chủ nhân xứng đáng tại Canada và Jordan với đóng góp lớn cho giáo dục và dạy tiếng mẹ đẻ.

Theo thông cáo của UNESCO, các giải thưởng năm nay tập trung vào “xóa nạn mù chữ trong thế giới số hóa”. Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova (I-ri-na Bô-cô-va) nhấn mạnh công nghệ số hóa hiện nay đang mở ra nhiều cơ hội lớn để nâng cao đời sống dân trí và kết nối toàn cầu.

Tuy nhiên, những người thiếu kỹ năng cơ bản như đọc viết lại khó tiếp cận được những công nghệ tiên tiến này. Mỗi cá nhân hoặc tập thể giành giải thưởng trên sẽ nhận được 20.000 USD cùng với huy chương và giấy chứng nhận. Giải thưởng trên sẽ chính thức được trao cho các chủ nhân vào Ngày Quốc tế xóa mù chữ (8/9).

Kể từ năm 1967, UNESCO đã trao Giải thưởng Xóa mù chữ quốc tế cho hơn 475 dự án của các cá nhân, chính phủ và tổ chức phi chính phủ trên khắp thế giới. Theo số liệu của UNESCO, hiện vẫn có 750 triệu người trên thế giới thiếu những kỹ năng đọc viết cơ bản, trong đó có 102 triệu người ở độ tuổi 15-24 tuổi.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới