Chương trình Giáo dục phổ thông mới: Nhiều băn khoăn, lo lắng

(Baonghean.vn) - Sau hơn một tháng, dự thảo chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của những người làm công tác giáo dục Nghệ An. Tuy nhiên, bên cạnh những kỳ vọng thì chương trình Giáo dục phổ thông mới vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn, lo lắng. 

Thầy giáo Nguyễn Văn Tuấn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai - Hưng Nguyên:

Chương trình dự thảo vẫn còn quá tải với học sinh tiểu học

Bậc tiểu học, với học sinh vẫn còn là học mà chơi, chơi mà học. Vì vậy chương trình giáo dục phổ thông mà Bộ đưa ra là còn nặng so với các cháu. Quan điểm của tôi là cần tích hợp một số kiến thức trong một số môn học để học sinh có điều kiện tiếp cận. Còn như dự thảo nếu chia nhiều môn như vậy là quá tải.

Tôi tính ra, có 7 môn học bắt buộc và hai hoạt động giáo dục nhưng trên thực tế nhiều hơn thế. Trong đó, chưa kể học sinh có nhiều chương trình, hoạt động bổ trợ khác như dạy kỹ năng sống, kiến thức an toàn giao thông, kiến thức phòng chống đuối nước... Đành rằng, việc dạy những chương trình này là cần thiết nhưng cần gọt dũa để ngắn đi, số lượng cung cấp vừa phải không để học sinh phải học căng quá và phù hợp với tâm sinh lý của từng đối tượng. Đôi khi dạy quá nhiều chương trình sẽ khiến học sinh sợ khi nhìn thấy ma trận đó. Trong khi đó, những kiến thức trên sau này, các cháu sẽ còn phải học lại.

Cô giáo Trần Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Hương - Thị xã Cửa Lò:

Giảm bớt các kiến thức về lý thuyết 

Hiện nay chương trình giáo dục ở bậc THCS có từ 11 - 13 môn cho học sinh. Theo cảm nhận của bản thân, số lượng môn như vậy đối với học sinh là quá nhiều môn. Thời lượng trên lớp của học sinh mỗi buổi sáng 5 tiết cũng là quá sức với các cháu. Chính vì lẽ đó, khi dự thảo mới về chương trình giáo dục tổng thể, điều đầu tiên tôi mong muốn với các cháu bậc THCS đó là các cháu sẽ được giảm số lượng các môn học. Thứ 2 là giảm thời lượng các tiết trên lớp, nên chăng chỉ 4 tiết là vừa. Thứ 3, tôi mong muốn học sinh được giảm tải các kiến thức về lý thuyết hàn lâm và tăng thời gian thực hành, thời gian trải nghiệm và nhất là ứng dụng vào cuộc sống, giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Giờ học ngoại khoa của học sinh trường THCS Nghi Hương. Ảnh: Mỹ Hà
Giờ học ngoại khóa của học sinh trường THCS Nghi Hương. Ảnh: Mỹ Hà

Bên cạnh đó, ngoài đổi mới chương trình và sách giáo khoa thì theo tôi có những đổi mới khác cần phải thực hiện gấp mới thành công được. Đó là đổi mới về đội ngũ cán bộ và chất lượng giáo viên. Đây là lực lượng quyết định sự thành công của chương trình. Nếu đội ngũ giáo viên chưa thích hợp được với chương trình mới thì sẽ không mang lại hiệu quả. Song hành với đó là đổi mới về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, có như vậy mới đáp ứng được mục tiêu đổi mới chương trình sách giáo khoa. Ngoài ra cần đổi mới về kiểm tra, đánh giá.

Thầy Lê Xuân Hường - Hiệu trưởng trường THPT Thanh Chương 1:

Giáo viên phải là những người đi đầu trong đổi mới

Trước đến nay, giáo dục của chúng ta nặng về lý thuyết, và tại đất học xứ Nghệ, nó lại càng trọng tính hàn lâm, “khoa cử”. Chính vì thế mà học sinh thiếu kiến thức tổng thể, đặc biệt là khả năng tích hợp các môn học, chỉ “học để thi”. Theo dự thảo chương trình phổ thông tổng thể, học sinh sẽ được giáo dục toàn diện trước ở tất cả các lĩnh vực từ khoa học tự nhiên, xã hội đến thể dục thể thao, nghệ thuật, kỹ năng sống... Sau đó được phân ban, phân luồng, hướng nghiệp để lựa chọn hướng đi phù hợp nhất cho mình. Đây là điều rất đáng mừng trong mục tiêu của dự thảo chương trình phổ thông tổng thể. Bởi vì, có được cái nền tảng ban đầu vững chắc, sau đó các em mới tự nhận thức, và đi vào học chuyên sâu theo từng lĩnh vực có khả năng và lợi thế.

Tuy nhiên, giữa lý tưởng và hiện thực vẫn là một khoảng cách xa. Dự thảo khi được áp dụng tại các trường học cần một hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo. Ví dụ như học sinh THPT, ngoài các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, việc cho phép học sinh lớp 11 và lớp 12, được tự chọn 1 chuyên đề học tập và 3 môn học (trong số 11 môn học nêu trong dự thảo CT tổng thể) phù hợp với nguyện vọng của bản thân và điều kiện tổ chức của nhà trường, về cơ bản tương tự như hình thức “tín chỉ” như ở các trường đại học, cao đẳng. Như vậy, cơ cấu lớp học, số lượng học sinh mỗi lớp sẽ có sự thay đổi, không cố định như trước kia. Việc tổ chức lớp học, trang thiết bị dạy học để đáp ứng với các lớp phân ban, phân luồng này cũng cần có sự đầu tư.

Giờ học Tin học của học sinh huyện Đô Lương. Ảnh: Mỹ Hà
Giờ học Tin học của học sinh tiểu học huyện Đô Lương. Ảnh: Mỹ Hà

Nhưng cơ sở vật chất có thể bổ sung dần dần, và có cách để “khéo co thì ấm”. Đáng lo nhất là đội ngũ giáo viên, chính là những người đi đầu trong đổi mới.

Như đã nói, giáo dục của chúng ta có một giai đoạn dài “bị lệch lạc”, và rất đông đội ngũ cán bộ giáo viên hiện nay, chính là sản phẩm của quá trình giáo dục lệch lạc đó, thì làm sao để đáp ứng, để dạy được chương trình mới toàn diện, tích hợp? Chưa kể không ít giáo viên ngại đổi mới, muốn ổn định và theo lề lối cũ.

Thầy giáo Lê Xuân Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Đại học Vinh:

Còn nhiều việc phải thực hiện để chương trình thực sự khả thi

Đọc Dự thảo về chương trình giáo dục phổ thông mới tôi có cảm nhận đầu tiên là tính khoa học cao của nó. Thể hiện qua những nội dung chính của chương trình đều có cơ sở và căn cứ xác đáng. Chương trình thể hiện rõ tính liên thông giữa các cấp học. Đồng thời cũng trao quyền và trách nhiệm cao cho các địa phương và các nhà trường; tạo điều kiện để các địa phương, các cơ sở giáo dục và giáo viênvừa chủ động,vừa phát huy được năng lực ở mức cao trong việc thực hiện nội dung, kế hoạch giáo dục.

Điều mà sẽ rất nhiều người băn khoăn, lo lắng là tính khả thi. Khi triển khai chương trình GDPT mới chúng ta sẽ gặp những thách thức như thiếu giáo viên ở một số nội dung giáo dục, sức ỳ của một bộ phận không nhỏ giáo viên, công tác quản lý, trang thiết bị, cơ sở chất … Để khắc phục, theo tôi: Năng lực đội ngũ là vấn đề quyết định đến việc thành bại của chương trình. Vì vậy, sau khi chương trình GDPT tổng thể được phê duyệt cần khẩn trương hoàn thành chương trình môn học và công bố sớm để các địa phương tổ chức xây dựng nội dung dạy học, tạo cơ hội để giáo viên được tham gia xây dựng nội dung dạy học.

Thầy giáo Lê Xuân Sơn (ngoài cùng, bên phải) và các học trò. Ảnh: Mỹ Hà
Thầy giáo Lê Xuân Sơn (ngoài cùng, bên phải) và các học trò. Ảnh: Mỹ Hà

Bên cạnh đó, chương trình môn học cần làm rõ vai trò của từng môn học, mối quan hệ với các môn học khác trong việc hình thành phẩm chất và năng lực cho học sinh. Đặc biệt cần đầu tư xây dựng nội dung và hướng dẫn việc tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo vì hoạt động này liên quan đến nhiều môn học và nó cũng có vai trò lớn trong việc hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh. Trong chương trình bồi dưỡng giáo viên cần tập trung vào việc bồi dưỡng phương pháp dạy học tích cực, kĩ thuật dạy học hiện đại và phương pháp đánh giá theo phẩm chất và năng lực.

Nên có cuộc khảo sát và phân loại về khả năng đáp ứng của các địa phương và cơ sở giáo dục để có hướng dẫn lộ trình thực hiện cho mỗi loại, đặc biệt là ở những địa phương đang có nhiều khó khăn.

Thực hiện ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng đã tổ chức lấy ý kiến ở các trường, tập trung vào hai nội dung chính, đó là: nội dung dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và điều kiện thực hiện. Qua hơn 1 tháng, có nhiều ý kiến đã được gửi đến. Trong số này, có nhiều góp ý quan trọng bày tỏ sự băn khoăn trong quá trình triển khai.

Ví dụ, Môn Thiết kế và Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc, Tìm hiểu tin học, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, Khoa học máy tính theo các giáo viên là khó khả thi trong giai đoạn hiện nay thiếu giáo viên chuyên trách và điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường còn hạn chế.

Ngoài ra, theo Sở Giáo dục và Đào tạo: Dự thảo tổng thể đã tiếp cận xu hướng phát triển của các nước tiên tiến, tuy nhiên thời lượng dạy học vẫn còn cao so với một số nước. Ví dụ: Với cấp Tiểu học: Chương trình mới vẫn quá cao so với các nước: Tổng thời lượng lớp 1-3 của Việt Nam là 1.147 tiết, ở lớp 4-5 là 1.184 tiết. Trong khi đó, thời lượng học của học sinh Nhật Bản cao nhất là 1.215 tiết ở lớp 1-3, với Phần Lan là 945 tiết... Bên cạnh đó, dự thảo đã kế thừa các chương trình giáo dục phổ thong đã có của Việt Nam trước đây, song vẫn còn nặng về thời lượng dạy học các môn học.


Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN

Tin mới