Chương trình nào đang có giá quảng cáo cao nhất trên VTV?

Phim "Quỳnh búp bê" gây bão ở thời điểm phát sóng nhưng chỉ có giá quảng cáo là 100 triệu/ 30s. Trong khi Gương mặt thân quen dù đã giảm sức hút vẫn có giá lên tới 200 triệu/ 30s.

Nhờ thay đổi tư duy làm phim, cùng việc đầu tư về bối cảnh, kịch bản và công nghệ, phim truyền hình Việt trên sóng VTV phát triển mạnh mẽ và có bước chuyển mình rõ rệt trong những năm gần đây.

Theo thống kê từ VietNam-Tam - Hệ thống đo lường định lượng khán giả, 2 năm trở lại đây, rating phim truyền hình tăng vượt bậc, đỉnh điểm là Sống chung với mẹ chồngNgười phán xử - hai bộ phim gây bão năm 2017.

Ở thời điểm phát sóng vào tháng 8/2017, giá quảng cáo trong phim Người phán xử cao gấp gần 3 lần phim cùng khung giờ. Theo đó, phim Việt phát sóng cùng khung giờ 21h30-22h30 trên kênh VTV3 là Vực thẳm hô hình chỉ có giá 80 triệu đồng/ 30s nhưng Người phán xử là 220 triệu/ 30s.

220 triệu/ 30s cũng là giá quảng cáo "đạt đỉnh" mà phim truyền hình Việt từng có. Đây cũng là mức giá tương đương, thậm chí còn cao hơn một vài game show, chương trình truyền hình thực tế phát sóng vào khung giờ vàng cuối tuần (thứ bảy, chủ nhật).

Chương trình nào đang có giá quảng cáo cao nhất trên VTV? ảnh 1
Cả một đời ân oán là phim có giá quảng cáo cao nhất trên sóng VTV hiện nay.

Phim nào đang có giá quảng cáo cao nhất trên VTV?

Sau Người phán xử Sống chung với mẹ chồng, phim truyền hình Việt tiếp tục phát triển. Cuối năm 2017, VTV gây chú ý với Thương nhớ ở ai.

Đến năm 2018, VTV có một vài dự án phim được quan tâm, trong đó nổi bật nhất là Cả một đời ân oán (phần 1, 2), Ngày ấy mình đã yêu. Và không thể thiếu Quỳnh búp bê - tác phẩm gây nhiều ồn ào trước khi bị tạm dừng phát sóng.

Từ khi có chủ trương phim Việt chất lượng cao trên sóng giờ vàng, mỗi tuần trên VTV thường có khoảng 4 bộ phim được lên sóng. Phim Việt được phát sóng ở hai khung giờ vàng, bao gồm: từ thứ 2 đến thứ 6 trong khung giờ 20h45-21h45 trên VTV1, và từ thứ 2 đến thứ 5 trong khung giờ 21h45-22h45 trên VTV3.

Mỗi khung giờ sẽ có hai phim lần lượt thay phiên nhau lên sóng trong tuần. Hiện tại, khung giờ 20h45-21h45 trên VTV1, từ thứ 2 đến thứ 4 phát phim Mỹ nhân Sài thành, thứ 5 và thứ 6 phát phim Hạnh phúc không có ở cuối con đường (trước đó là Quỳnh búp bê).

Tương tự, khung giờ 21h45-22h45 trên VTV3 cũng phát 2 phim Việt trong một tuần. Ngày ấy mình đã yêu lên sóng thứ 2, thứ 3. Trong khi, Cả một đời ân oán được phát sóng hai buổi tối còn lại là thứ 4 và thứ 5. Từ tối thứ 6 đến hết cuối tuần, sóng VTV3 sẽ dành cho game show và truyền hình thực tế.

Chương trình nào đang có giá quảng cáo cao nhất trên VTV? ảnh 2
Phim truyền hình trên sóng VTV hiện tại có giá quảng cáo thấp hơn nhiều Người phán xử - bộ phim gây bão năm 2017. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Dù cùng là phim truyện trên sóng giờ vàng VTV, mức giá quảng cáo của phim có sự chênh lệch. Theo khảo sát của phóng viên, giá quảng cáo phim trên VTV3 thường cao hơn VTV1.

Đó là lý do cùng là phim gây bão năm 2017, nhưng Sống chung với mẹ chồng (phát trên VTV1) có giá quảng cáo đỉnh điểm là 180 triệu/ 30s, trong khi Người phán xử (phát trên VTV3) là 220 triệu/ 30s.

Sức nóng của bộ phim được cho là yếu tố có tính quyết định đến giá quảng cáo. Từ đầu năm đến nay, trên sóng VTV chưa có phim nào vượt qua được mức giá quảng cáo của Người phán xử cũng như Sống chung với mẹ chồng.

Theo báo giá của Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình của VTV, phim truyện đang có giá quảng cáo cao nhất VTV hiện tại là Cả một đời ân oán với báo giá 160 triệu/ 30s. Trong khi những phim khác thấp hơn, Ngày ấy mình đã yêu là 140 triệu/ 30s, Mỹ nhân Sài thành là 75 triệu/ 30s, còn Hạnh phúc không có ở cuối con đường là 100 triệu/ 30s.

Chương trình nào đang có giá quảng cáo cao nhất trên VTV? ảnh 3
Báo giá phim Ngày ấy mình đã yêuQuỳnh búp bê của Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ Truyền hình của VTV.

Game show 'nguội' vẫn đắt giá hơn phim 'hot'?

Trong khi giá quảng cáo phim truyện hiện nay dao động từ 75-160 triệu/ 30s, giá quảng cáo game show lại cao hơn hẳn. The Debut có mức giá quảng cáo là 210 triệu/30s. Gương mặt thân quen là 200 triệu/30s, trong khi The Voice dẫn đầu với 220 triệu/30s.

Làm phép tính đơn giản cũng có thể thấy chỉ với 10 phút quảng cáo trong thời gian phát sóng The Debut, VTV đã thu được khoảng 4,2 tỷ đồng. Với mức tương tự, ở Gương mặt thân quen, nhà đài thu được 4 tỷ, còn The Voice là 4,4 tỷ.

Gương mặt thân quân bị nhận xét là giảm sức hút khi tổ chức đến mùa thứ 6 nhưng giá quảng cáo vẫn là 200 triệu/ 30s
Gương mặt thân quân bị nhận xét là giảm sức hút khi tổ chức đến mùa thứ 6 nhưng giá quảng cáo vẫn là 200 triệu/ 30s

Như vậy, giá quảng cáo giữa game show, truyền hình thực tế với phim truyện có chênh lệch tương đối lớn. Duy nhất chỉ có phim Người phán xử của năm 2017 là có mức giá quảng cáo tương đương với game show. Từ đó đến nay, chưa có phim nào trên sóng VTV có thể "ngang ngửa" game show về giá quảng cáo.

Thậm chí, một bộ phim truyền hình được cho là "hot" cũng vẫn có giá thấp hơn một game show đã giảm nhiệt. Dẫn chứng là trường hợp của phim Quỳnh búp bê và game show Gương mặt thân quen.

Quỳnh búp bê là bộ phim nhận được nhiều sự chú ý của khán giả ở thời điểm phát sóng nhưng giá quảng cáo là 100 triệu/ 30s. Trong khi đó, Gương mặt thân quân bị nhận xét là giảm sức hút khi tổ chức đến mùa thứ 6 nhưng giá quảng cáo vẫn là 200 triệu/ 30s, gấp đôi phim Quỳnh búp bê.

Đại diện của một công ty truyền thông và quảng cáo - đơn vị chuyên làm công việc trung gian giữa doanh nghiệp và Trung tâm Quảng cáo của VTV - cho biết sở dĩ có sự chênh lệch như vậy vì Gương mặt thân quen phát sóng vào giờ vàng cuối tuần trên VTV3, mỗi tuần chỉ có một tập và rating vẫn cao hơn phim.

Thực tế, theo báo cáo thống kê của Hệ thống đo lường, định lượng khán giả, giờ vàng tối thứ 7 và chủ nhật vẫn thường có rating cao hơn giờ vàng các ngày khác trong tuần. Đây là khoảng thời gian các chương trình trên đài thu hút lượng khán giả lớn nhất, đông đảo nhất và mang lại nguồn thu không nhỏ.

Vì rating cao hơn, giờ vàng tối thứ 7 và chủ nhật trở nên "đắt giá" hơn giờ vàng tối thứ 6 và các ngày khác trong tuần, được các doanh nghiệp và nhãn hàng săn đón hơn.

Chương trình nào đang có giá quảng cáo cao nhất trên VTV? ảnh 5
Giá quảng cáo game show ca nhạc trên sóng VTV3 hiện nay.

Trên sóng VTV3 hiện nay, những buổi tối cuối tuần (tối thứ 6, 7, chủ nhật) gần như dành trọn cho game show, bao gồm cả game show ca nhạc, game show hài kịch và các chương trình truyền hình thực tế khác.

Các game show đang lên sóng là The Debut (Dự án số 1), Quý ông đại chiến, Gương mặt thân quen và The Voice. Không khó để nhận ra, game show về âm nhạc vẫn chiếm ưu thế với 3 chương trình.

Tất cả game show kể trên đều do đơn vị sản xuất tư nhân thực hiện, tự sáng tạo format hoặc mua bản quyền chương trình từ nước ngoài, sau đó hợp tác phát sóng với VTV.

Với truyền hình thực tế, VTV thường không can thiệp nhiều vào khâu sản xuất. Đơn vị tư nhân gần như quyết định mọi việc từ tài chính, kêu gọi tài trợ, hình thức thi, lựa chọn giám khảo, tuyển thí sinh.

Nhưng giá quảng cáo trước và trong chương trình vẫn do Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ của VTV thông báo.

Tin mới