Chương trình OCOP: 'Bà đỡ' cho sản phẩm nông thôn tiêu biểu Nghệ An

(Baonghean) - Nghệ An có diện tích rộng nhất cả nước với 16.493 km2, đất đai trù phú, sở hữu nhiều nông sản phẩm đặc sắc và có giá trị cao...Chương trình OCOP được phê duyệt sẽ là tiền đề, “bà đỡ” quan trọng nâng cao nhận thức trong sản xuất và kinh doanh, hỗ trợ phát triển cho các sản phẩm địa phương.
TIỀM NĂNG TO LỚN CHƯA ĐƯỢC ĐÁNH THỨC
Các quốc gia trên thế giới có nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn trong phát triển sản phẩm nông thôn tiêu biểu, điển hình là phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) của Nhật Bản từ cuối những năm 1970; Chương trình "Mỗi cộng đồng một sản phẩm" (OTOP) của Thái Lan từ năm 2000. Ở Việt Nam đề án “Mỗi làng một nghề” cũng đã được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2005 - 2017.
Khách quốc tế tham quan đồi chè Thanh Chương. Ảnh: P.V
Khách quốc tế tham quan đồi chè Thanh Chương. Ảnh: P.V

Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) dựa trên các kinh nghiệm học hỏi từ OVOP quốc tế và thực tiễn về sản phẩm tại cộng đồng và đã đạt được những kết quả quan trọng sau hơn 4 năm triển khai thực hiện.

Từ kết quả của Quảng Ninh, ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 490/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 - 2020.

Chương trình OCOP là gì? Đó là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây được coi là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

Du lịch cộng đồng sẽ là một sản phẩm tiêu biểu của nông thôn Nghệ An được OCOP hỗ trợ. Ảnh: tư liệu
Du lịch cộng đồng sẽ là một sản phẩm tiêu biểu của nông thôn Nghệ An được OCOP hỗ trợ. Ảnh: tư liệu 

Trọng tâm của OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện nhằm chắp cánh cho các sản phẩm đó đến rộng rãi với người tiêu dùng hơn, có sức sống bền vững hơn, người sản xuất có thu nhập cao hơn.  

Ở Nghệ An, nhiều nông sản phẩm lợi thế của địa phương có thể kể đến như: tương, sen, bột sắn dây Nam Đàn, nhút Thanh Chương, trám Thanh Chương, cam Vinh, bưởi hồng Quang Tiến, gà đồi Yên Thành, cá thu Cửa Lò, tôm nõn Diễn Châu, mực một nắng, nước mắm Vạn Phần, chè gay, chè xanh, thổ cẩm, du lịch cộng đồng Khe Rạn, mây tre đan Nghi Phong, trà... Tuy nhiên, dễ nhận thấy các sản phẩm này đang được sản xuất thô, tiêu thụ nội địa, chưa có nhiều sản phẩm được tiêu thụ mạnh trong cả nước và quốc tế. 

Chè hoa vàng - một sản vật quý của huyện Quế Phong. Ảnh: Lâm Tùng
Chè hoa vàng - một sản vật quý của huyện Quế Phong. Ảnh: Lâm Tùng

Nghệ An hiện nay mới bắt đầu triển khai Chương trình OCOP, mục đích của OCOP là các sản phẩm được chuẩn hóa quy trình sản xuất, đề cao các giá trị truyền thống, đặc định địa phương gắn liền với mỗi sản phẩm. Như tên gọi của nó, OCOP tập trung vào các sản phẩm nhỏ, giúp sức cho các địa bàn xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, tạo ra việc làm và thu nhập bền vững cho người dân.

Từ năm 2008 - 2019, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã công nhận thêm 104 làng nghề, đưa tổng số làng nghề đến cuối năm 2019 lên 158 làng nghề; gồm 10 nhóm nghề sau: Nghề mây, tre đan có 46 làng; Nghề chế biến lương thực, thực phẩm có 29 làng; Nghề sản xuất chổi đót, chiếu cói, giấy dó có 10 làng; Nghề mộc dân dụng và mỹ nghệ, đóng tàu thuyền, trống có 23 làng; Nghề chế biến hải sản có 10 làng; Nghề dâu tằm tơ, móc sợi, dệt thổ cẩm có 18 làng; Nghề chẻ chu hương, sản xuất hương có 12 làng; Nghề sản xuất gạch, ngói có 3 làng; Nghề cơ khí có 1 làng;  Nghề trồng cây cảnh có 7 làng. Thu nhập làng nghề nông thôn đạt 50 triệu đồng/năm. 
Làng nghề nước mắm truyền thống ở Diễn Châu. Ảnh: Tư liệu (Hải Vương - Nguyễn Thành - Sách Nguyễn)
Làng nghề nước mắm truyền thống ở Diễn Châu. Ảnh tư liệu (Hải Vương - Nguyễn Thành - Sách Nguyễn)
Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” ở Nghệ An sẽ có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn nhằm khơi dậy sự tự lực, sáng tạo của cộng đồng, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm, đặc sản của địa phương bao gồm cả nông, lâm, hải sản, sản phẩm du lịch lợi thế... làm thay đổi tập quán sản xuất, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, từ đó người dân có thêm việc làm, thu nhập ổn định. 

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh,  Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh

6 BƯỚC CHUẨN HÓA QUY TRÌNH OCOP

Chương trình OCOP chuẩn hóa các sản phẩm của mỗi xã theo chu trình 6 bước trên cơ sở nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng”. Bao gồm: Tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP; Nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm; Nhận phương án, dự án sản xuất, kinh doanh; Triển khai phương án, dự án; Đánh giá và xếp hạng sản phẩm và cuối cùng là xúc tiến thương mại.

Đồ họa: Lâm Tùng
Chương trình OCOP chuẩn hóa các sản phẩm của mỗi xã theo chu trình 6 bước. Đồ họa: Lâm Tùng

Chu trình tiến hành đề xuất nhu cầu từ dưới lên, theo nhu cầu và khả năng của hộ sản xuất, HTX và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trên cơ sở đề án của tỉnh được duyệt, các xã nhận đăng ký sản phẩm, trình lên cấp huyện, cấp huyện chọn và chỉ đạo hỗ trợ. 

Cách làm OCOP ở Diễn Châu, theo ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Hiện nay, huyện thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác giúp việc hỗ trợ cho các sản phẩm, thông báo cho các HTX, các xã thống kê sản phẩm hàng hóa tiêu biểu, chọn một số sản phẩm như: Bánh mướt Nho Lâm, nước mắm Vạn Phần, bún bánh Huỳnh Dương (Diễn Quảng), tôm nõn Diễn Ngọc, lạc Diễn Châu, gà Phủ Diễn để trình cấp trên thực hiện Chương trình OCOP. Huyện cũng nhận thấy sản phẩm tôm nõn và nước mắm có thể kích cầu mạnh, còn các sản phẩm còn lại làm sao để phát triển mạnh được trong nước là tốt.

Như vậy, có thể thấy một bước tiến trong việc sản xuất sản phẩm từ cơ sở đó là từ dưới đăng ký lên và từ trên soi xét xuống sau khi xem xét cơ hội gia nhập thị trường, điều này cho phép các sản phẩm không xuất hiện một cách tràn lan trên thị trường, hỗ trợ các sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.

Các sản phẩm nông sản chế biến từ cam của Nghệ An do JICA hỗ trợ. Ảnh: Thu Huyền
Các sản phẩm nông sản chế biến từ cam của huyện Con Cuông do tổ chức JICA hỗ trợ. Ảnh: Tư liệu 

Mục tiêu của OCOP Nghệ An, theo ông Lê Văn Lương - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, đó là xây dựng hệ thống quản lý, điều hành Chương trình OCOP đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã. Ban hành và áp dụng chính sách đồng bộ để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có (tương đương khoảng 90 sản phẩm), tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của tỉnh.

Theo đó, Nghệ An sẽ phát triển từ 2 - 3 làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP; Phát triển ít nhất 3 sản phẩm đạt hạng 5 sao (có thể xuất khẩu). Củng cố, kiện toàn 100% doanh nghiệp, HTX tham gia Chương trình OCOP. Phát triển mới ít nhất 20 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP (ưu tiên HTX, công ty cổ phần).

Trám đen Thanh Chương đang cần khôi phục và nhân rộng nhằm làm tăng nguyên liệu. Ảnh tư liệu Lâm Tùng - Huy Thư
Trám đen Thanh Chương đang cần khôi phục và nhân rộng nhằm làm tăng nguyên liệu. Ảnh tư liệu Lâm Tùng - Huy Thư

Ngoài ra còn đào tạo, tập huấn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho 100% đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước trong hệ thống OCOP (tỉnh, huyện, xã) và lãnh đạo các doanh nghiệp, HTX, chủ hộ sản xuất có đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Nâng cao kỹ năng phân phối, tiếp thị cho đội ngũ nhân lực tham gia vào hệ thống xúc tiến và quảng bá sản phẩm OCOP.

Nghệ An hiện có 182 sản phẩm nông nghiệp lợi thế (trong lâm nghiệp, thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ), thuộc 6 nhóm sản phẩm, gồm: Nhóm thực phẩm có 121 sản phẩm; Nhóm đồ uống có 15 sản phẩm; Nhóm thảo dược có 13 sản phẩm; Nhóm vải và may mặc có 11 sản phẩm; Nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí có 16 sản phẩm; Nhóm dịch vụ du lịch nông thôn có 6 sản phẩm. Tuy nhiên, mới có 49 sản phẩm có đăng ký, công bố tiêu chuẩn chất lượng, chiếm 26,9% tổng số sản phẩm hiện có; Có 32 sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, chiếm 17,6% tổng số sản phẩm hiện có. 
 
Xây dựng thương hiệu nhận diện cho sản phẩm đặc sản của Nghệ An

Xây dựng thương hiệu nhận diện cho sản phẩm đặc sản của Nghệ An

(Baonghean.vn) - Ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng để các đặc sản, sản phẩm truyền thống của Nghệ An thành hàng hóa cần phải xây dựng và phát triển thương hiệu, phát triển thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân.

Tin mới