Chuyện buồn những gia đình 'vị thành niên'

(Baonghean) - Những năm qua, nạn tảo hôn vẫn xảy ra ở huyện miền núi Qùy Hợp. Hệ lụy của nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dân số và các vấn đề kinh tế, xã hội của địa phương.

Giờ học phổ biến kiến thức hôn nhân, sức khỏe sinh sản cho học sinh tại Trường THPT Quỳ Hợp III.
Giờ học phổ biến kiến thức hôn nhân, sức khỏe sinh sản cho học sinh tại Trường THPT Quỳ Hợp III.
Sau mùa hẹn hò, nhiều học sinh thành mẹ, thành vợ
Vào một ngày đầu tháng 4, chúng tôi đến thăm Trường THPT Qùy Hợp III - nơi học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa. Gặp và trao đổi với thầy giáo Nguyễn Minh Đạt - Hiệu trưởng nhà trường, chúng tôi thấy rõ nét lo lắng hiện lên trên khuôn mặt của người thầy giáo. Với 82% học sinh là người dân tộc thiểu số, phong tục tập quán và những quan niệm lạc hậu trong việc dựng vợ gả chồng đã ăn sâu vào tiềm thức của các em. Cứ tầm Tết âm lịch, sau những buổi hẹn hò du xuân, có học sinh vừa chớm 15, 16 tuổi mới hôm qua còn vô tư cắp sách đến trường thì một vài tháng sau đã là vợ, là chồng, là con dâu, con rể, là “ma” nhà người. 
Trong câu chuyện mà thầy giáo Nguyễn Minh Đạt kể cho chúng tôi nghe có nhắc đến những cái tên như Sầm Thị T., Lô Thị V., Lương Thị N.,Vi Thị V.,... Đó đều là những học sinh chăm ngoan, học giỏi. Nhưng sau những lần đi chơi xuân thì các em đều bị trai bản “bắt” về làm vợ. Những định kiến cổ hủ của gia đình, làng bản đã khiến các em phải dang dở chuyện học hành để lo việc nhà, lo sinh con nối dõi. Thầy Nguyễn Minh Đạt nói: “Một số em cũng rất muốn được tiếp tục đi học, các em không muốn làm vợ, làm mẹ sớm nhưng khi bị “trộm” về thì sợ hãi, sợ điều tiếng, sợ quan niệm,…
Là những người thầy, người cô, chúng tôi luôn bảo vệ các em và sẵn sàng đến nhà chồng để đưa các em quay trở lại trường học. Nhưng có một thực trạng đáng buồn là rất ít các em có suy nghĩ này, ngay cả các bậc phụ huynh cũng không phối hợp để có phản ứng đủ mạnh trước hệ lụy của việc kết hôn sớm. Bởi vậy, những nỗ lực của nhà trường cũng chỉ như “muối bỏ bể”, hiện vẫn chưa thể thay đổi được tình hình”. 
Theo thống kê của huyện Qùy Hợp, mỗi năm trên địa bàn có gần 40 trường hợp tảo hôn, các xã có tỷ lệ tảo hôn cao như: Châu Thành (năm 2012 có 7 trường hợp, năm 2015 có 4 trường hợp), Châu Quang (năm 2012 - 2015 có 5 trường hợp), Liên Hợp (7 trường hợp). Điều này không những vi phạm pháp luật mà còn để lại những hệ luỵ khó lường đối với cuộc sống của các cặp vợ chồng trẻ.
Nhiều trường hợp đăng ký kết hôn chưa đủ tuổi, chính quyền không chấp nhận, "xin khất" để khi đủ tuổi mới đăng ký kết hôn nên nhiều trẻ em sinh ra không được làm khai sinh kịp thời, không những làm thiệt thòi đến quyền lợi của phụ nữ, trẻ em mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống, chất lượng dân số và gia đình, chất lượng lao động xã hội và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Không những vậy, hầu hết cuộc sống của những gia đình trẻ này còn lâm vào cảnh khó khăn do chưa có kiến thức và hiểu biết để tự lo cho cuộc sống gia đình, dễ dẫn đến mâu thuẫn, đổ vỡ. Từ năm 2010 – 2015, số vụ cưới không đăng ký kết hôn đã ly hôn của Qùy Hợp có tới 13 vụ, độ tuổi ly hôn ngày càng trẻ hóa, khiến tổng số vụ ly hôn tăng lên hàng năm (năm 2010 có 101 vụ, đến năm 2015 tăng lên 132 vụ). 
Trăn trở tìm cách ngăn chặn
Trước thực trạng “nóng” về vấn nạn tảo hôn, cấp ủy các cấp, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể và cả hệ thống chính trị ở Qùy Hợp đã tăng cường vào cuộc, ban hành và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến công tác gia đình; cụ thể hóa bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mặt trận Tổ quốc tổ chức phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Hội Liên hiệp Phụ nữ có phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, xây dựng “gia đình 5 không, 3 sạch”, Đoàn Thanh niên tổ chức các mô hình câu lạc bộ “Bạn gái”, “Kỹ năng sống”,…Ngoài ra còn có các hội thi, hội diễn,… gắn công tác tuyên truyền với ký cam kết cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn toàn huyện. 
Tháng 2/2016, Ban Thường vụ Huyện ủy Qùy Hợp tiếp tục ban hành chỉ thị mới về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tảo hôn trên địa bàn huyện Qùy Hợp giai đoạn 2015 – 2020. Đồng chí Phan Đình Đạt – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Qùy Hợp cho biết: “Tảo hôn là hành vi vi phạm pháp luật và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dân số trên địa bàn.
Do đó, Ban Thường vụ Huyện ủy luôn coi việc phòng chống tảo hôn là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Chỉ thị mới nhất của Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu các xã, phường, thị trấn, các tổ chức, đoàn thể phải vào cuộc một cách thực sự và quyết liệt. Đưa mục tiêu nhiệm vụ về hôn nhân gia đình, phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào chương trình kế hoạch hoạt động của Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở địa phương hàng năm; chỉ đạo các thôn, bản đưa các quy định của pháp luật về tuổi kết hôn, cam kết không tảo hôn, đăng ký khai sinh theo quy định,... bổ sung vào hương ước, quy ước xóm, bản”. 
Ngay sau khi có chỉ thị của Ban Thường vụ Huyện ủy, các cấp, ban ngành đã triển khai bằng nhiều hình thức khác nhau. Bà Ngô Thị Hiên – Chủ tịch Hội LHPN Qùy Hợp cho biết: “Các phương thức, hình thức tuyên truyền giáo dục về tảo hôn từ trước đến nay đã được hội phụ nữ kết hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể thực hiện rất tích cực. Tuy nhiên, từ trước đến nay phần lớn các hoạt động này chỉ được triển khai ở chị em hội phụ nữ. Thời gian tới, hội sẽ đi sâu tuyên truyền cho các gia đình có con ở độ tuổi vị thành niên để gia đình cũng như các em nhận thức được rằng, tảo hôn sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, kinh tế và hạnh phúc của gia đình”.
Đối với Đoàn Thanh niên – tổ chức có đông thành viên nằm trong độ tuổi dễ lâm vào nạn tảo hôn nhất cũng đang tăng cường tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho các em. Đồng chí Nguyễn Đình Thuận – Bí thư Huyện đoàn Qùy Hợp chia sẻ: “Việc đầu tiên chúng tôi triển khai là phải nắm bắt được tâm lý của các em ở độ tuổi vị thành niên, hướng cho các em đến những suy nghĩ tích cực, tuyên truyền để các em thấy trước một tương lai sáng hơn. Tổ chức đoàn cũng sẽ triển khai các hoạt động để cụ thể hóa phương thức tuyên truyền, lồng ghép nội dung vào các buổi sinh hoạt tập thể để giúp các em có lựa chọn đúng đắn cho tương lai của chính bản thân mình”. 
Không chỉ các tổ chức đoàn thể mà các cấp chính quyền hiện cũng đang đẩy mạnh việc phát huy vai trò của người có uy tín, dòng họ trong cộng đồng, nêu gương người tốt, việc tốt trong thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình, trong công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình; tuyên truyền, vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu tồn tại ở một số dân tộc thiểu số trong hôn nhân. Ông Lưu Xuân Điểm – Chủ tịch UBND xã Châu Cường cho biết: “Năm 2015, trên địa bàn xã Châu Cường có một trường hợp đến đăng ký kết hôn tại xã khi chưa đủ tuổi. Chính quyền kiên quyết không giải quyết thủ tục đăng ký và dùng nhiều biện pháp, cả tuyên truyền trong nhận thức và thực thi theo pháp luật để đẩy lùi nạn tảo hôn”. 
Với những tín hiệu tích cực từ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị ở Qùy Hợp, hy vọng rằng tình trạng tảo hôn sẽ được đẩy lùi một cách triệt để, không còn tiếng ru buồn của những bà mẹ “trẻ con” nơi núi rừng. Chỉ có vậy mới mong đời sống kinh tế - xã hội của bà con nơi đây sớm được cải thiện. 
Phương Thảo

Tin mới