Chuyện chiếc sừng trâu trong tục uống rượu cần của đồng bào vùng cao Nghệ An

(Baonghean) - Chiếc sừng trâu là điểm nhấn đặc biệt trong những cuộc rượu cần của người vùng cao. Nó vừa là thứ để đo lượng rượu và cũng để tính thời gian cho những cuộc thi về tửu lượng.

Bắt đầu cuộc vui bằng chiếc sừng trâu

Ở Nghệ An có 2 cộng đồng xem rượu cần là thứ không thể thiếu trong nhà, đó là cộng đồng người Thái và Khơ mú. Mỗi gia đình đều đặt một vài ché rượu trong nhà phòng khi có khách quý đến chơi, hoặc cần cho một số nghi lễ tâm linh.

Đi cùng với ché rượu là những ống hút gọi là “búa” hay “xe”, và đặc biệt không thể thiếu một chiếc sừng trâu. Chiếc sừng trâu thon nhỏ, gọn ghẽ luôn được nâng niu bởi một người lĩnh xướng cuộc rượu, thường là một chàng trai trẻ. Người Thái gọi chiếc sừng đựng rượu là “phoong”, còn người Khơ mú gọi là “huôi”. Chiếc sừng thường được đục một lỗ nhỏ ở đầu nhọn làm chỗ thoát nước, hệt như một cái phễu.

Một cuộc vui quanh chum rượu cần của đồng bào người Thái Nghệ An. Ảnh: Hữu Vi
Một cuộc vui quanh chum rượu cần của đồng bào người Thái Nghệ An. Ảnh: Hữu Vi

Theo một cuốn sách của TS. Vi Văn An - công tác tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thì trước đây, người Thái ở Nghệ An đã có tục uống rượu cần. Ngoài chiếc sừng trâu, người Thái còn dùng gáo, ống nứa để rót rượu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sừng trâu mới là dụng cụ rót rượu cần thứ thiệt của người vùng cao. Khi bắt đầu một cuộc uống rượu thi, người lĩnh xướng rót nước đầy một sừng rượu, dùng tay bịt lỗ thủng dưới sừng, rồi hô “chàm mời”. Sau tiếng hô, người lĩnh xướng thả tay cho nước chảy ra, cùng lúc đó nhóm thi bắt đầu uống rượu. Khi nước chảy xuống hết và sau tiếng hô “thôi”, người thi cũng dừng lại, dành phiên cho nhóm đối phương. 

Sau khi một nhóm uống hết, người lĩnh xướng lại rót nước vào sừng trâu rồi đem đổ vào vò rượu sao cho đầy. Nhóm thi tiếp theo cũng được thực hiện như nhóm trước. Nhóm chiến thắng là người uống được nhiều rượu hơn trong khoảng thời gian nước chảy hết một sừng trâu. 

Nhà văn Thái Tâm từng có những miêu tả tinh tế về tục uống rượu cần trong một cuốn sách ấn hành năm 2014. Ông viết rằng, trong tục uống rượu cần truyền thống, người Thái thường dùng 2 loại sừng trâu đựng rượu.

“Loại bé dùng cho những vò rượu nhỏ, tiếng Thái là “hay bạch” chỉ dùng trong gia đình; loại sừng lớn có khi dài đến 2 gang tay dùng cho chum lớn. Có những chiếc chum rượu cần mà người ngồi bên này không nhìn thấy người đối diện” - ông Thái Tâm kể.

Chọn sừng bên phải, cầm sừng bên trái

Theo những người cao niên ở huyện Quỳ Châu thì chiếc sừng trâu được dùng rót rượu cần bởi một lẽ đơn giản, vì trâu là con vật thân thiết với người nông dân miền núi và cũng là một vật dụng dễ tìm. Khi mổ trâu làm mâm cỗ hay phục vụ cho một nghi lễ nào đó, người ta thường chú ý chọn sừng làm “phoong” rượu.

Người Thái ở vùng Châu Hoàn (Quỳ Châu) thường lấy sừng bên phải của con trâu và còn tạo tác, vẽ thêm họa tiết hạc, rồng, phượng... lên thân sừng. Khi rót rượu, người ta thường cầm sừng trâu bằng tay trái và hướng phần đẹp nhất ra bên ngoài.

Ảnh: Hữu Vi; Kỹ thuật: Hà Giang
Ảnh: Hữu Vi

Đối với cộng đồng người Khơ mú ở huyện Kỳ Sơn, việc dùng sừng trâu trong tục uống rượu cần cũng có những nguyên tắc nhất định. Ông Moong Văn Nghệ - một người khá tiếng tăm trong cộng đồng người Khơ mú ở Nghệ An chia sẻ: “Trong tục cúng giỗ, hay khi có khách quý đến nhà, cũng như nhiều nghi lễ khác, người Khơ mú thường mở rượu cần. Khi mở rượu cần, người Khơ mú nhất thiết phải có cái “phoong”. Nếu như thiếu nó thì tục uống rượu cần của người Khơ mú coi như mất đi một nét đẹp”.

Người Khơ mú có một nghi lễ truyền thống gọi là “phăn th-rac” (chém trâu) để cúng cho tổ tiên. Trong lễ chém trâu, người ta thường để ý cắt lấy sừng trâu để là “phoong” rượu. Nếu chọn được con trâu khoảng 3 năm tuổi thì tốt nhất, vì ở độ tuổi này sừng bóng, đẹp hơn trâu già.

Nhìn chung, cả người Thái và Khơ mú đều coi trọng chiếc sừng trâu trong nghi lễ uống rượu cần. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều nơi dùng ca, gáo nhựa thay thế cho sừng trâu khi uống rượu cần. Sự thay thế này cũng hợp lý bởi sừng trâu ngày nay không còn dễ kiếm như trước kia. Cũng vì thế mà những cuộc vui rượu cần cũng không còn giữ được trọn vẹn phong vị truyền thống của nó.

Tin mới